Cuộc họp Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, vừa đưa ra đánh giá về tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay. Theo FOMC, tăng trưởng việc làm, chi tiêu hộ gia đình, đầu tư cố định kinh doanh ở mức cao trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp là động lực khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức vừa phải và thị trường lao động tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018.
Kinh tế Mỹ lạc quan
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong quý IV/2017 đã tăng 2,6%, nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh nhất kể từ mùa Xuân 2016 và sự hồi phục của lĩnh vực xây dựng nhà ở. Như vậy, nền kinh tế đầu tàu thế giới này tăng trưởng 2,3% trong cả năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng trưởng 1,5% trong năm 2016 dù vẫn thấp hơn mục tiêu tăng 3% mà chính phủ đề ra. Đây chính là những lý do để FED giữ nguyên lãi suất.
Ngay sau khi FED đưa ra thông tin trên, đồng USD đã giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. Trong phiên giao dịch ngày 31/1, chỉ số đồng USD, so sánh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền mạnh khác, đã giảm 0,04% xuống còn 89,120. Theo đó, 1 euro đổi được 1,2416 USD, tăng so với mức 1,2405 USD trong phiên giao dịch trước, trong khi 1 đồng bảng Anh đổi được 1,4184 USD cao hơn so với mức 1,4153 USD. Trong khi đó, giá vàng giao ngay giảm 0,07% xuống mức 1.337,20 USD/ounce, chạm mức thấp trong một tuần, còn giá vàng Mỹ giao tháng 2/2018 tăng 0,3% lên 1.339 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã có những phản ứng tích cực sau quyết định của FED. Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,28% lên 26.149,39 điểm; chỉ số S&P500 tăng 1,38% lên 2.823,81 điểm và chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 0,12% lên 7.411,48 điểm. Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số Euro Stoxx 50 hầu như “đứng yên” so với ngày giao dịch trước đó khi đóng cửa ở mức 3.606,15 điểm. Trong phiên giao dịch ngày 31/1, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Anh) đóng cửa với mức giảm 0,7% xuống còn 7.533,55 điểm, chỉ số DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,1% lên 13.189,48 điểm và chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) tăng 0,2% lên 5.481,93 điểm.
Còn tại thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) vào lúc mở cửa ngày giao dịch 1/2/2018, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 0,7%, tương đương 162,57 điểm, lên 23.260,86 điểm, sau sáu ngày giảm liên tiếp.
Khả năng tăng lãi suất vào tháng 3
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã mở cuộc họp đầu tiên của năm 2018 trong bối cảnh thị trường mong đợi các nhà hoạch định chính sách sẽ giữ nguyên mức lãi suất ổn định như hiện nay. Đây cũng là cuộc họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của bà Janet Yellen trên cương vị Chủ tịch FED. Bà Yellen sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ của mình vào ngày 3/2/2018 trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi, lạm phát duy trì ở mức thấp, tăng trưởng việc làm ổn định và giá tài sản tăng cao.
Trong 4 năm bà Yellen cầm quyền tại FED, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm xuống 4,1%, mức thấp nhất kể từ năm 2000. Bà đã lãnh đạo FED ra khỏi thời kỳ chính sách tiền tệ phản ứng khủng hoảng, đưa lãi suất cơ bản đồng USD tăng dần từ mức 0%. Bà cũng tận dụng mức lạm phát thấp để duy trì lãi suất thấp, giúp tạo việc làm cho hàng triệu người Mỹ. Sau khi bà Janet Yellen kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch FED, Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm ông Jerome Powell thay thế vị trí của bà. Ông Powell là người ủng hộ chủ trương nâng dần lãi suất của bà Yellen. Trên cương vị Chủ tịch FED, ông Powell sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất là cân bằng việc tăng lãi suất, sao cho thị trường lao động không rơi vào tình trạng quá nóng mà tăng trưởng kinh tế cũng không bị cản trở.
Năm 2017, FED đã điều chỉnh lãi suất 3 lần, và hiện mức lãi suất cơ quan này đang áp dụng là 1,25-1,5%. Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 1/2017, FED dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2018, so với mức 2,1% đưa ra trong lần dự báo trước đó. FED cho rằng đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hưởng lợi từ kế hoạch giảm thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Việc FED giữ nguyên lãi suất cơ bản trong khoảng 1,25-1,5% đã nhận được sự đồng thuận của tất cả các quan chức trong FOMC. Ủy ban cũng nhất trí tiếp tục chương trình bán tài sản để giảm quy mô bảng cân đối kế toán - chương trình bắt đầu từ tháng 10/2017.
Theo tuyên bố của FOMC, lạm phát xét trên giai đoạn 12 tháng "sẽ tăng trong năm nay và ổn định" quanh mức mục tiêu 2% trong trung hạn. Quan điểm này thay đổi đáng kể so với tuyên bố đưa ra hồi tháng 12/2017, theo đó, FOMC cho rằng lạm phát có thể vẫn duy trì dưới 2% trong ngắn hạn.
Việc thay đổi nhận định này đã dấy lên hy vọng FED có thể tăng lãi suất nhiều hơn 3 lần trong năm nay, cũng như củng cố nhận định của các nhà phân tích rằng lần tăng lãi suất đầu tiên của FED trong năm 2018 có thể diễn ra ngay trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất hiện tại cho đến cuộc họp tiếp theo để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tất cả các hình thức cho vay kinh doanh và cho vay tiêu dùng. Thông thường FED tiến hành 4 cuộc họp báo mỗi năm và sẽ đưa ra quyết định lãi suất trong các cuộc họp này.