Mua nhà chưa kịp mừng đã lo mất
Nhà có 6 nhân khẩu nhưng chỗ ở lại quá chật chội, ông Trần Văn Sinh (65 tuổi, giáo viên về hưu, trú tại phường Thị Nại, TP.Quy Nhơn) quyết định dành dụm số tiền mấy chục năm tích cóp để đi tìm mua căn nhà mới.
Cuối năm 2015, được người bạn giới thiệu, ông Sinh tìm đến xem dãy nhà cấp 4 mới xây dựng (tại tổ 10, khu vực 2, phường Nhơn Bình) của ông Nguyễn Kim Đào (trú phường Hải Cảng). Thấy nhà cửa ngon lành, giá cả hợp lý, ông tính chuyện mua.
“Thấy dãy nhà đã có vài người mua, chuyển đến ở, phía đối diện và xung quanh đó người dân cũng cất nhà ở ổn định từ lâu, tôi yên tâm, quyết định mua với giá hơn 200 triệu đồng, sửa sang lại cổng ngõ và mấy chỗ bên trong rồi đến ở luôn”, ông Sinh trình bày.
Ngay sau đó, ông Sinh đến UBND phường Nhơn Bình làm đơn đề nghị xác nhận nhà ở để làm thủ tục đăng ký nhận, hộ khẩu. Thủ tục được phường thông qua, ông Sinh làm được hộ khẩu, làm hợp đồng mua điện nước.
Sinh sống yên lành nửa năm trời, đùng một cái, ngày 16/7 vừa qua, chính quyền địa phương đến thông báo nhà ông xây dựng không có giấy phép trên đất nông nghiệp, phải cưỡng chế, tháo dỡ. Điều đáng nói, ngoài ông Sinh ra có 16 hộ dân khác mới mua nhà cũng gặp cảnh tương tự.
Là dân quê bám trụ ở phố, chán cảnh ở mãi nhà thuê nhà mướn, lại mới sinh đứa con thứ 2, vợ chồng chị Hà Thị Mỹ Linh (27 tuổi) muốn mua căn nhà để mong an cư. Tháng 3/2106, vợ chồng chị Linh tìm đến dãy nhà mới cất của ông Đào, rồi thấy người ta mua hai vợ chồng trẻ cũng mua.
“Tôi dạy học cấp 1 hợp đồng, chồng thì làm công nhân, cả hai lương đều thấp, gia đình hai bên ở quê làm nông, cũng nghèo, thấy nhà rộng rãi mà giá hơn 200 triệu thì mừng lắm. Có ít tiền dành dụm, vợ chồng vay mượn thêm 80 triệu để mua, nghĩ có chỗ ở ổn định rồi, không ngờ…”, chị Linh rầu rĩ.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng (50 tuổi) trước ở trung tâm thành phố Quy Nhơn, nhà chỉ hơn 20 mét vuông mà tới 7 khẩu, 3 thế hệ chung sống. Bí bức quá, hai vợ chồng bà đi ra ngoại thành tìm mua nhà, khi đến đây xem nhà họ quyết định làm hàng xóm với ông Sinh, chị Linh.
“Ở được”, “giá cả hợp lý” và “không ai cưỡng chế” là lý do mà các hộ dân, đa phần là nghèo khó, cuộc sống bấp bênh, nhiều người chấp nhận vay mượn số tiền lớn, quyết định mua nhà trên đất nông nghiệp, chưa có giấy tờ, để giải quyết nhu cầu cấp thiết nhà ở. Tuy nhiên, niềm vui đó chẳng được bao lâu.
Khó hiểu cách làm việc của chính quyền
Theo bộ phận địa chính UBND phường Nhơn Bình, địa phương này đã phát hiện 19 căn nhà xây dựng trái phép, trong đó 17 căn hoàn chỉnh, 2 căn đang xây móng tại tổ 10 (khu vực 2, phường Nhơn Bình), địa điểm cách UBND phường chưa đầy 1km.
Cụ thể, từ tháng 11/2015, ông Nguyễn Kim Đào (trú phường Hải Cảng) đổ đất, nâng nền trên đất nông nghiệp có diện tích 1.616,7 m2, để xây dựng 13 căn nhà cấp bốn. Ông Phạm Văn Thành (trú phường Nhơn Bình) tiến hành xây dựng 4 căn nhà, 2 móng nhà trên diện tích gần 285 m2 đất nông nghiệp.
Tháng 12/2015, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình khi đó là ông Trần Duy Thứ (đã chuyển công tác) đã ký các quyết định đình chỉ thi công, cưỡng chế tháo dỡ do xây dựng nhà ở không có giấy phép trên đất nông nghiệp đối với các ông Nguyễn Kim Đào, Phạm Văn Thành.
Ông Sinh mong muốn chính quyền tạo điều kiện để dân có chỗ ở ổn định |
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà các quyết định này không được thi hành dẫn đến hàng chục ngôi nhà trái phép mọc lên như khu dân cư. Lạ lùng hơn, khi đã hoàn chỉnh, những căn nhà này được chủ đầu tư bán cho các hộ dân mà chính quyền không có bất cứ động thái nào?.
Một thông tin khác, theo người dân cho biết, sau khi ông Đào xây dựng nhà, một cán bộ làm việc tại phường đã đến mua, sau đó bán lại cho một hộ dân khác để kiếm lời. Chính điều này càng làm nhiều người dân tin rằng, các căn nhà của ông Đào không có vấn đề gì.
“Nhà xây không phép nhưng phường vẫn để chủ đất thực hiện nên cứ nghĩ là mọi việc êm xuôi, không có gì phải lo nghĩ. Sau đó, cũng phường xác nhận nhà ở, cấp hộ khẩu và cho con em chúng tôi học tại địa phương. Nay cũng phường đề nghị cưỡng chế nhà chúng tôi”, một hộ dân bức xúc.
Ông Trần Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình thừa nhận, 17 ngôi nhà trái phép được xây dựng hoàn chỉnh và đã bán cho người dân với giá trên 200 triệu đồng/căn. Trong đó, có 2 trường hợp mua nhà trái phép nhập khẩu tại phường và các trường hợp khác đã đăng ký tạm trú.
Tuy nhiên, ông Hiền giải thích do vừa nhận quyết định Chủ tịch UBND phường từ ngày 11/7 năm nay nên điều kiện để nhập khẩu, tạm trú của các hộ dân mua nhà trái phép ông vẫn chưa rõ?
“Hiện tại, phường đang rà soát thủ tục để xây dựng kế hoạch cưỡng chế những ngôi nhà trái phép, dự định thời gian cưỡng chế từ ngày 26 đến ngày 27/7. Đồng thời, cần làm rõ nhiều vấn đề, tiến hành kiểm điểm lãnh đạo UBND phường, địa chính, cán bộ khu vực… đã để ra sự việc trên, ngày 22/7 sẽ báo cáo đến UBND TP.Quy Nhơn”, ông Hiền cho hay.
Nơm nớp lo bị cưỡng chế
Trước nguy cơ bị tháo dỡ do mua phải nhà xây dựng không phép, vừa qua 17 hộ dân mua nhà đã gửi đơn cứu xét đến chính quyền tỉnh Bình Định với mong muốn được tạo điều kiện giải quyết chỗ ở, sinh hoạt.
Theo các hộ dân, họ đa phần là những hộ dân nghèo, hàng ngày đi làm thuê làm mướn mưu sinh. Khi mua nhà thấy giá cả đất, nhà hợp với túi tiền của mình, xung quanh cũng có nhà dân ở ổn định, tin tưởng vào chủ nhà và chính quyền địa phương nên mới mạnh dạn mua nhà.
Sau khi mua nhà, các hộ dân tiếp tục đầu tư một khoản tiền để sửa chữa nhà cho phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Các gia đình đa phần ở địa phương khác tới nên cũng phải mất thời gian để ổn định cuộc sống. Nay khi đã ổn định thì nhận quyết định bất ngờ, vô cùng hoang mang.
Những ngày qua, ông Trần Văn Sinh được xem như “thủ lĩnh” tinh thần của 17 hộ dân, khi đứng ra tổ chức bàn bạc và làm đơn cho mọi người. Tuy nhiên, sáng đó khi đến nhà gặp ông, chúng tôi chứng kiến cảnh ông Sinh đi mua thuốc trị tăng huyết áp trở về, vội vội vàng vàng, lúc trò chuyện cũng thấp thỏm lo âu.
“Mong chính quyền lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, tạo điều kiện giải quyết vấn đề cấp thiết nhà ở của dân, đừng để dân rơi vào ngõ cụt cuộc sống. Chúng tôi biết chúng tôi mua phải nhà xây dựng không phép, nhưng cưỡng chế, đập phá nhà thì nhiều người sẽ không còn chỗ ở”, đơn trình bày.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Danh Dũng, Chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết: “Để xảy ra tình trạng người dân xây nhà ở không có giấy phép xây dựng rồi rao bán, rõ ràng trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương”.
Ông Phan Cao Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có công văn yêu cầu UBND TP.Quy Nhơn chỉ đạo các đơn vị chức năng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật (kể cả cưỡng chế, tháo dỡ) việc xây dựng nhà ở không có giấy phép, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp đối với hộ ông Nguyễn Kim Đào và Phạm Văn Thành, báo cáo kết quả đến UBND tỉnh Bình Định trước ngày 22/7.
Chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Định cho thấy thái độ cương quyết xử lý vụ việc sai phạm nói trên. Tuy nhiên, mong rằng, cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, có cách giải quyết hợp tình hợp lý, bởi những căn nhà bây giờ không đơn thuần là công trình xây dựng, đó là mái ấm mong ước của nhiều hộ dân.