Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến thiên nhiên và đời sống con người đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Điển hình nhất phải kể tới vụ xả chất thải nguy hại ra môi trường ven biển 4 tỉnh miền Trung của Formosa Hà Tĩnh. Ngoài Formosa Hà Tĩnh, còn có trên 50 vụ gây ô nhiễm môi trường lớn gây bức xúc trong dư luận, trong đó phần lớn các vụ việc điển hình gây ô nhiễm nguồn nước sông, suối, biển là do cố tình xả thải có chứa các hóa chất độc hại.
Trong năm 2016, Tổng cục Môi trường đã tổ chức 4 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 825 cơ sở trên địa bàn 32 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, các đoàn đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xử phạt các cơ sở vi phạm với tổng số tiền dự kiến khoảng 132 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Môi trường, việc xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường đã tạo chuyển biến tích cực, buộc các cơ sở có ý thức đầu tư các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo thống kê, số lượng các vụ việc gây ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng, nguyên nhân là do “việc thực hiện chức năng thanh tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của địa phương còn chưa toàn diện. Một số văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Chính phủ cũng như của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn chậm. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được sâu rộng trong toàn quốc. Một số kiến nghị của bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chưa được trả lời kịp thời...”.