Hải Phòng: Doanh nghiệp “băm nát” quy hoạch, chính quyền bất lực?

(PLO) -Dù chưa được chấp thuận thuê đất để kinh doanh nhưng một số doanh nghiệp đã ngang nhiên “xẻ thịt” hành lang đê biển tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng để xây dựng nhiều công trình kiên cố, phục vụ mục đích kinh doanh. Sự việc vi phạm diễn ra nhiều năm và đã bị cơ quan quản lý đê điều “tuýt còi” nhưng tiếp diễn ngày càng nghiêm trọng.  
Hải Phòng: Doanh nghiệp “băm nát” quy hoạch, chính quyền bất lực?

Coi thường sự tôn nghiêm của pháp luật

Phía Đông của quận Dương Kinh giáp biển vịnh Bắc Bộ với tuyến đê biển số 1 có chiều dài khoảng 15km thuộc địa bàn phường Hải Thành và phường Tân Thành. Đi dọc cả tuyến đê này có thể dễ dàng nhận thấy, hành lang đê đã và đang bị các tổ chức, cá nhân “chia năm, xẻ bảy” để tập kết cát, sỏi, xây dựng các công trình, nhà xưởng, kho tàng kiên cố. Những hành vi trên không những vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều mà còn vi phạm quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn quận Dương Kinh đã được phê duyệt. 

Ngoài ra, các hoạt động san lấp, xây dựng, sử dụng phương tiện vận tải với tải trọng lớn đã xâm hại tuyến đê biển 1 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thoát lũ ra cửa sông Lạch Tray. Từ đây, xuất hiện nghịch lý rằng các chủ doanh nghiệp ngày càng giàu lên còn hệ thống đê điều ngày càng xuống cấp và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất bị “băm nát”. 

Trong số các doanh nghiệp “coi trời bằng vung” như trên, phải kể tới Công ty cổ phần Bê tông và Phát triển hạ tầng Dương Kinh. Từ năm 2014, để phục vụ cho hoạt động đúc các cấu kiện bê tông, công ty này đã tiến hành tôn cao mặt bằng, xây dựng mở rộng công trình, nhà xưởng, văn phòng, lắp dựng mái tôn khung thép để kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất cấu kiến bê tông, lắp đặt hệ cần trục để di chuyển, bốc xếp các cấu kiện bê tông lên phương tiện. 

Trước những sai phạm trên, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hải Phòng liên tục lập biên bản vi phạm và kiến nghị chính quyền địa phương vào cuộc xử lý. Ngày 28/11/2014, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão đã ban hành văn bản số 24/QĐ-XPVPHC quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ ty Bê tông và phát Triển hạ tầng Dương Kinh với số tiền 15 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, vi phạm ngay càng tiếp diễn nghiêm trọng hơn. Bằng chứng là sau 6 tháng quyết định xử phạt trên được ban hành, Công ty cổ phần Bê tông và Phát triển hạ tầng Dương Kinh tiếp tục xây dựng tường chắn ngang bãi sông này. Ngày 12/5/2015, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này với mức phạt 30 triệu đồng, đồng thời yêu cầu tổ chức vi phạm phải chấm dứt các hoạt động xây dựng công trình và thực hiện ngay biện pháp khắc phục hậu quả trong thời gian 10 ngày kể từ ngày 12/5/2015. Tuy nhiên, đến nay, không có công trình nào được tháo dỡ.

Nằm sát Công ty Bê tông và Phát triển hạ tầng Dương Kinh, cùng sản xuất các cấu kiện bê tông là Công ty Bê tông và Vật liệu xây dựng Hải Phòng cũng không kém phần ngang ngược. Ngày 22/12/2014, Chi cục Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão đã xử phạt vi phạm hành chính vì công ty này tự ý đào móng, đóng cọc bê tông, đổ bê tông móng công trình kiên cố trên bãi sông, với mức phạt 30 triệu đồng và buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu khu vực bãi sông thuộc phạm vi thoát lũ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày 22/12/2014. Tuy nhiên, mức phạt 30 triệu đồng có vẻ như đã không đủ sức khiến công ty này chấm dứt vi phạm mà trái lại, chỉ sau khi bị xử phạt không lâu, Công ty này còn tiếp tục lắp đặt cần trục để bốc xếp, di chuyển các cấu kiện bê tông. 

Cả hai doanh nghiệp vi phạm đã phớt lờ quyết định xử phạt và “kiên quyết” không chịu từ bỏ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật trên. Những vi phạm hành chính này không chỉ là sự coi thường cơ quan quản lý mà còn là một thách thức đối với sự tôn nghiêm của pháp luật.

Cùng nhau xẻ thịt hành lang đê để kiếm lời

Theo quan sát của PV Báo Pháp Luật Việt Nam, trên bãi bồi, hành lang đê thuộc khu 1, phường Hải Thành rộng hàng ngàn mét vuông, hàng vạn ống bi với khối lượng vài tạ/chiếc của 2 doanh nghiệp trên ngang nhiên được chất tải. Bãi sông, hành lang đê bị "xẻ thịt" chỉ còn vừa vặn lối đi cho chiếc xe tải vào chở hàng.

Cẩu trục và hàng hóa của Công ty Bê tông và Phát triển hạ tầng Dương Kinh đang tập kết trên hành lang đê
Cẩu trục và hàng hóa của Công ty Bê tông và Phát triển hạ tầng Dương Kinh đang tập kết trên hành lang đê

 Ngay đầu đường dân sinh dẫn lối vào 2 doanh nghiệp trên, chiếc biển “cấm” trọng tải trên 10 tấn dường như vô tác dụng. Bởi đơn giản rằng, các xe tải thường xuyên ra vào khu vực 2 doanh nghiệp hoạt động để chở hàng có tải trọng lên tới vài chục tấn. Không rõ hai chiếc cẩu trục trên có được kiểm định đầy đủ hay không tuy nhiên việc lắp đặt trái quy định pháp luật cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn lao động. Thêm nữa, theo phản ánh của người dân, toàn bộ nước thải bề mặt và một phần nước phục vụ sản xuất được xả thẳng xuống sông Lạch Tray, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao. 

Được biết, theo quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất của Quận Dương Kinh đã được phê duyệt thì khu vực trên không được phép xây dựng các công trình, nhà xưởng kiên cố, không được phép lập bến bãi tập kết, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Vi phạm là như vậy, nhưng đáng quan ngại rằng, cả ông Phạm Văn Đoàn, Giám đốc Công ty Bê tông và vật liệu xây dựng Hải Phòng và ông Tạ Xuân Tám, Giám đốc Công ty Bê tông và Phát triển hạ tầng Dương Kinh đều thản nhiên cho rằng DN hoạt động “đúng quy định pháp luật”.

Để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với những sự việc nêu trên, Báo Pháp Luật Việt Nam đã liên hệ với ông Đỗ Trọng Toản, Chánh văn phòng UBND Quận Dương Kinh. Tuy nhiên, đã nhiều tuần trôi qua, UBND quận Dương Kinh im lặng, không có phản hồi. 

Điều đáng nói, không chỉ Công ty Bê tông và Phát triển hạ tầng Dương Kinh, Công ty Bê tông và Vật liệu xây dựng Hải Phòng mà hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng đang ngày đêm "xẻo thịt" hành lang đê sông Lạch Tray thuộc địa bàn phường Tân Thành và Hải Thành để kiếm lời. Trong khi chính quyền hoặc là làm ngơ hoặc là bất lực trước những vi phạm có tính chất hệ thống như trên. Các doanh nghiệp trên được ai chống lưng mà ngang nhiên vi phạm như vậy và tình trạng vi phạm tại khu vực này đến bao giờ mới được giải quyết là câu hỏi cần được sớm trả lời.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm