Trong các ngày từ 6-9/5, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Xây dựng địa ốc King Việt Nam xét xử sơ thẩm. 4 bị cáo gồm Lâm Hữu Sơn (SN 1975, ở quận Thủ Đức, TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty King, Công ty 5F); Phan Văn Cường (tên khác là Phan Tuấn Anh, SN 1985, nguyên TGĐ Công ty King); Nguyễn Hồng Minh (SN 1976, nguyên Phó TGĐ Công ty 5F) và Đào Văn Ý (SN 1972, nguyên Cố vấn kinh doanh Công ty 5F). Những người này bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là gần 600 người đã từng góp vốn hoặc cho bị cáo vay tiền.
Theo cáo trạng, năm 2014, Lâm Hữu Sơn thành lập Công ty Cổ phần Xây dựng địa ốc King Việt Nam (Cty King) do mình là Chủ tịch HĐQT, Phan Tuấn Anh là TGĐ với vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng, trong đó Sơn góp 30 tỷ, còn lại 4 cổ đông khác góp 60 tỷ. Tuy nhiên, trên thực tế các cổ đông chưa góp vốn vào công ty.
Sau khi thành lập, các bị cáo đã tung tin công ty có các đối tác chiến lược là những nhà môi giới quốc tế cung cấp dịch vụ đầu tư tài chính hàng đầu như Quỹ CM Group, Công ty FBS Markets Inc…; đang sở hữu các Dự án Chung cư cao cấp Hòa Bình Green City, Dự án Nhà máy chế biến khí hiếm tại Bắc Ninh, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Venus Cát Bà… Cùng với đó, Lâm Hữu Sơn còn tổ chức buổi ra mắt văn phòng đại diện hoành tráng tại khách sạn 5 sao để khuếch trương tên tuổi.
Ngoài ra, để thu hút khách hàng cho Cty King vay tiền, Sơn còn dùng thủ đọan đưa ra 4 gói lãi suất cao (từ 36 đến 45,6%/năm) để huy động vốn góp từ 30 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, Sơn còn quy định tỷ lệ hoa hồng cao cho nhân viên để khuyến khích họ tích cực giới thiệu, tư vấn cho khách hàng về năng lực và hiệu quả kinh doanh của Cty King. Bằng cách thức nêu trên, từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2014, Cty King đã huy động vốn của 140 khách hàng với tổng số tiền hơn 45,4 tỷ đồng. Số tiền này được Sơn và Phan Tuấn Anh sử dụng để chi phí mọi hoạt động của công ty; sử dụng tiền vay của người sau để trả gốc, lãi cho người trước.
Sau khi Cty King dừng hoạt động, Lâm Hữu Sơn tiếp tục thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn và Quản lý đầu tư 5F capital (Cty 5F) do mình làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ. Sơn tiếp tục chỉ đạo Nguyễn Hồng Minh, Đào Văn Ý quảng bá công ty với những thông tin gian dối như công ty có 14 dự án kinh doanh hiệu quả. Công ty 5F đưa ra các gói đầu tư lãi suất cao đến 72%/năm và chính sách trả hoa hồng cho người giới thiệu từ 35-50% lợi nhuận một tháng của người vào sau.
Tùy từng thời điểm, công ty còn đưa ra chương trình khuyến mại như trả trước 3 tháng lợi nhuận, tặng chuyến du lịch Thái Lan, Nha Trang, tặng vàng, máy tính bảng iPad, điện thoại… Theo kết quả điều tra, Sơn biết rõ trong 11 dự án thì có 4 dự án “ma”, 7 dự án chỉ góp một phần vốn. Có 10 dự án có triển khai thì chỉ có 1 dự án có hiệu quả nhưng không cao, 6 dự án không có hiệu quả, không có lợi nhuận, 2 dự án thua lỗ.
Từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2016, Lâm Hữu Sơn, Nguyễn Hồng Minh và Đào Văn Ý đã ký 947 hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng góp vốn với 566 nhà đầu tư thu được hơn 153 tỷ đồng. Số tiền này họ đã sử dụng để trả lãi, góp vốn hợp tác, đặt cọc mua đất nền Dự án khu dân cư phía Nam cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận), mua cổ phần CTCP Khoa học Xanh Hidumi Pharma, chi thành lập Trung tâm ngoại ngữ Benson…
Cáo trạng xác định, Lâm Hữu Sơn phải chịu trách nhiệm về việc chiếm đoạt tổng số tiền hơn 61,6 tỷ đồng của các khách hàng góp vốn vào Công ty King và Công ty 5F. Phan Văn Cường phải chịu trách nhiệm về số tiền 17,5 tỷ đồng, Nguyễn Hồng Minh 6,5 tỷ đồng và Đào Văn Ý 630 triệu đồng. Ngày 9/5 sau 4 ngày xét xử, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra để bổ sung danh sách bị hại vì một số bị hại chưa được cơ quan điều tra lấy lời khai.