Cụ thể, có tới 248 sự cố website lừa đảo (Phishing), 117 sự cố về phát tán mã độc (Malware) và 232 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface).
Cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi cảnh báo cho các đơn vị bị tấn công. Đáng chú ý, về tấn công Phishing và Deface, mỗi loại hình tấn công đều có 1 website liên quan tới cơ quan nhà nước (tên miền .gov) bị nhắm tới trong khi tấn công Malware không có cơ website cơ quan nhà nước nào gặp sự cố.
Cũng trong tháng 11, triển khai Quyết định 05/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban điều hành mạng lưới và Đội tác nghiệp ứng cứu khẩn cấp; xây dựng quy trình báo cáo - tiếp nhận sự cố an toàn thông tin, kế hoạch ứng phó sự cố an toàn mạng quốc gia.
Trước đó, một thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho thấy, tới đầu tháng Chín, có gần 10.000 sự cố an ninh mạng tại Việt Nam. Trong đó, có 1.762 sự cố website lừa đảo (Phishing), 4.595 sự cố về phát tán mã độc (Malware) và 3.607 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface).
(Biểu đồ các sự cố tấn công vào website Việt Nam trong tháng 11)
Tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017 diễn ra hồi vào 1/12, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nhận định, các cuộc tấn công mạng diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Nhiều cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ quan Chính phủ, các hệ thống thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, cộng đồng tội phạm mạng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Các công cụ, vũ khí tấn công mạng được xây dựng bởi những lực lượng có chuyên môn rất cao, đầu tư lớn và bài bản... Bởi vậy, vấn đề an toàn thông tin cần phải được nhận thức một cách đẩy đủ để có những bước đi phù hợp trước những mối đe dọa từ không gian mạng./.