Trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, toàn tỉnh Quảng Bình có 239/588 trường học, cơ sở giáo dục các cấp với gần 90 nghìn học sinh đã không thể tổ chức lễ khai giảng và đến trường như đúng kế hoạch vào ngày 5/9 bởi nhiều nơi bị lũ ngập, chia cắt. Trong đó, các địa phương hoãn khai giảng 100% như các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn...
Cũng theo Sở GD-ĐT tỉnh này, tính đến ngày 9/9, vẫn còn 36 trường học với hơn 8.600 học sinh chưa thể tiến hành lễ khai giảng và trở lại trường để dạy, học.
Riêng 3 trường THCS, Tiểu học và Mầm non tại vùng rốn lũ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ qua - vẫn chưa thể tổ chức khai giảng vì nước lũ vẫn đang ngập và công tác dọn dẹp, khắc phục hậu quả do lũ lụt vẫn chưa thực hiện xong. Theo dự kiến, các trường học này sẽ khai giảng vào sáng thứ 4 (11/9).
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đến trường khai giảng muộn sau những ngày lũ ngập. |
Thống kê của ngành giáo dục Quảng Bình cũng cho thấy, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho ngành này khi có đến 380 phòng học, 15 phòng nhà nội trú bị ngập nước, hư hỏng; 2 phòng học, nhà thư viện bị tốc mái; 1 nhà bán trú học sinh bị sạt lở, hư hỏng nặng; hơn 500 bộ bàn ghế bị ngập nước, hư hỏng; nhiều công trình vệ sinh học sinh, hàng rào, nhà xe, hệ thống điện nước... bị sập và hư hỏng; phần lớn sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi, bàn ghế của học sinh vùng ngập sâu bị ướt, hư hỏng hoàn toàn... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 15 tỷ đồng.
Niềm vui của học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) trong ngày khai giảng năm học mới. |
Ngay sau mưa lũ, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường cùng với địa phương, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn phối hợp khắc phục kịp thời hậu quả do mưa lũ gây ra để sớm ổn định công tác giảng dạy. Đồng thời, các trường cần nắm số lượng học sinh khó khăn để có biện pháp hỗ trợ, nhằm hạn chế học sinh nghỉ học sau mưa lũ.