Gần đi vào hoạt động, cầu Gami Hội An vẫn bị chỉ ra loạt bất cập

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cầu bộ hành Gami Hội An (Hội An, Quảng Nam) dẫn vào dự án Hội An Memories Land (trước là Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An”) dự kiến đưa vào khai thác, sử dụng trong dịp khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 diễn ra cuối tháng 3/2022 tại Quảng Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định thiết kế bản vẽ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam đã chỉ ra nhiều điểm chưa phù hợp đối với dự án này.
Cầu Bộ hành gami Hội An
Cầu Bộ hành gami Hội An

Dự án cầu dẫn vào Công viên văn hoá chủ đề “Ấn tượng Hội An” (thuộc Công ty CP Gami Hội An) nối phường Cẩm Nam và phường Cẩm Châu (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) được khởi công từ tháng 3/2021. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 54 tỷ đồng. Cầu bộ hành được thiết kế, thi công chịu tải trọng đến khoảng 80 tấn, tổng trọng lượng của cầu khoảng 800 tấn. Trong đó, hệ thống hình vầng trăng khuyết bằng thép hình và thép tấm, có chiếu sáng mỹ thuật. Toàn bộ cầu bộ hành có tổng cộng 12 cọc nhồi âm, 4 trụ đơn, 1 trụ đôi và 1 trụ vòm cung. Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật là cầu thép liên tục, chiều dài toàn cầu 110 m, không bao gồm bậc cầu thang kết nối với đường hiện trạng.

Cầu Gami Hội An dự kiến hoàn thành trước thời điểm 26/3, tức ngày khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 do tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức. Dự báo sẽ trở thành điểm "check-in" ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách đến với Công viên “Ấn tượng Hội An”. Đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Xây dựng và đầu tư Thăng Long 89 (đơn vị thi công chính) đang gấp rút thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án. Các đơn vị liên quan cũng tăng cường lực lượng công nhân để gấp rút phần lan can cầu, lắp kính khu vực đi bộ và hoàn thiện hạng mục ánh trăng khuyết bằng thép.

Dự án cũng vấp phải nhiều phản ứng, trong trường hợp không đảm bảo an toàn và mỹ quan, sẽ phải dừng khai thác

Dự án cũng vấp phải nhiều phản ứng, trong trường hợp không đảm bảo an toàn và mỹ quan, sẽ phải dừng khai thác

Tuy nhiên, suốt thời gian qua, cây cầu cũng vấp phải nhiều phản ứng. Người dân xung quanh cho rằng, dự án cầu bộ hành bắt qua sông Thu Bồn này có hình dáng "kỳ lạ" với ánh trăng khuyết bằng thép, màu sắc sặc sỡ (màu vàng) và dễ tạo cái nhìn "kệch cỡm" về hình dáng và có thể gây mất mỹ quan. Có trường hợp cho rằng hệ thống trụ cầu là bê tông nhưng lại lắp đặt dầm thép và hệ thống ánh trăng bằng thép để dễ chuyển đổi công năng cầu. Ở giữa cầu, chủ đầu tư lại cho thi công trụ cầu hình vòm có và thể gây cản trở phương tiện qua lại trên sông.

Đặc biệt, theo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công Hạng mục Cầu Bộ hành Gami Hội An cho thấy, với quy mô công trình vĩnh cửu có tuổi thọ thiết kế 100 năm, vật liệu của kết cấu chịu lực chính bằng thép, tiết diện dầm hộp sử dụng nhiều vách ngăn với kích thước trong lòng quá nhỏ là chưa phù hợp, do không đảm bảo được việc kiểm tra đánh giá, sơn sửa và bảo dưỡng định kỳ.

Bản mặt cầu bằng BTCT khá dày và nặng nề, làm tăng tải trọng tác dụng lên kết cấu chịu lực chính và kết cấu trụ, làm tăng chi phi. Do tổng chiều cao dầm bị khống chế, việc chọn bản mặt cầu bằng BTCT dày sẽ làm giảm chiều cao của phẫn dầm thép và làm thu hẹp không gian trong lòng hộp, gây bất lợi cho quá trình khai thác sau này. Trong điều kiện bị khống chế về chiều cao dầm theo yêu cầu kiến trúc, nếu sử dụng dầm hộp thì việc sử dụng bản mặt cầu bằng BTCT là chưa hợp lý.

Ngoài ra, kết cấu cầu chưa đảm bảo công tác sửa chữa và bảo trì công trình trong quá trình khai thác vì chiều cao phần dầm hộp thép nhỏ, bề rộng cầu khá bé, bị chia thành nhiều hộp nhỏ hơn, các vách ngăn chia ra quá mức làm thu hẹp khoảng không gian trong lòng hộp. Khoảng không gian trong lòng hộp quá nhỏ, không đảm bảo yêu cầu thông gió, không đủ điều kiện để cho người vào bên trong, di chuyển, kiểm tra, đánh giá, duy tu bảo dưỡng, sơn sửa định kỳ. Với những bất cập này, PGS-TS Nguyễn Xuân Toản (Chuyên gia tham gia thẩm định) nhìn nhận, giải pháp thiết kế chưa đảm bảo yêu cầu về công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên cầu.

Do đó, ông Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam thông tin, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo đơn vị Tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan chuẩn xác lại hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cho phù hợp với tình hình thực tế, trong trường hợp chưa đảm bảo thì tổ chức xử lý, điều chỉnh trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Trước khi đưa vào sử dụng phải làm việc với UBND thành phố Hội An để thống nhất phương án chiếu sáng mỹ thuật cầu, nghiệm thu đấu nối giao thông, tổ chức phân luồng giao thông khu vực đường Huyền Trân Công Chúa và đường Trần Quang Khải, lưu ý không được đỗ xe trên các đoạn tuyến nêu trên để tránh gây ách tắt giao thông. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, bảo dưỡng bảo trì công trình để đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan công trình bằng nguồn vốn của đơn vị.

“Trong trường hợp công trình không đảm bảo an toàn và mỹ quan, phải thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng liên quan về dừng khai thác; nếu có nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa thì phải khắc phục ngay hoặc tháo dỡ”, ông Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Trước đó, dự án này từng bị người dân phản đối do thi công cọc nhồi gây nứt nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân tại đường Huyền Trân Công Chúa. Chủ đầu tư sau đó đã thực hiện cam kết bồi thường để người dân sửa nhà và thi công đảm bảo theo quy định.

Đọc thêm