Xuyên thập kỷ kêu cứu vì... khói
Để mục sở thị thứ khói độc khiến hàng nghìn người dân Đông Anh phải kinh hãi, phóng viên đã tìm vào khu tập kết rác nằm trên địa phận xã Văn Môn, huyện Yên Phong. Theo ghi nhận thực tế, trên trục đường đến bãi tập kết xuất hiện hàng loạt điểm rác thải cháy xém nằm rải rác. Cá biệt, một số điểm rác thải vẫn cháy dang dở, tỏa ra nghi ngút khói. Điểm tập kết rác trên địa phận thôn Quan Độ là nhức nhối hơn cả. Mặc dù tách biệt khỏi khu dân cư nhưng vẫn dễ dàng chứng kiến khói đen bao phủ cả vùng. Vật liệu cháy đều là cao su, nhựa, là vỏ của các thiết bị điện, dây cáp… Khi chúng tôi rời bãi rác, lửa vẫn đỏ, khói vẫn bốc lên ngùn ngụt.
Theo người dân sống tại thôn Thụy Lôi, căn nguyên chuyện ô nhiễm từ là bởi nhiều năm nay, “hàng xóm” thuộc xã Văn Môn có nghề thu gom nhựa, dây cáp về tách ra để lấy đồng, sắt. Riêng phế thải không có giá trị là vỏ của các thiết bị điện, dây cáp thì họ đem đốt. Nhắc chuyện này, bà Nguyễn Thị Nhâm, xóm Chùa bức xúc: “Họ thường đốt các phế phẩm không sử dụng nữa hoặc đốt các loại dây điện, dây tín hiệu... để lấy kim loại. Việc người dân thôn Quan Độ đốt trộm như thế đã diễn ra hàng chục năm nay khiến chúng tôi vô cùng khổ sở. Thậm chí, cứ bê bát cơm lên là mùi nhựa hôi nồng nặc xộc vào mũi...”.
Ông Nguyễn Tu Hùng - Trưởng khu 5, Thụy Lôi cho biết: “Trước đây, khi báo chí chưa vào cuộc phản ánh, một số người làm nghề gom phế liệu bên Bắc Ninh ngang nhiên đốt vào ban ngày. Riêng từ năm ngoái đến nay, tình trạng đốt rác đã có giảm đi, nhưng thi thoảng cứ vào ban đêm, khoảng 22 giờ đêm đến 3 - 4 giờ sáng hôm sau việc đốt rác lại xảy ra, khiến người dân liên tục phải chịu ô nhiễm”.
Về vấn đề liên quan, ông Nguyễn Hữu Tửu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm cho biết, nếu tính thời điểm thì gần 1 tuần nay người “hàng xóm” Văn Môn mới tái diễn hiện tượng đốt phế liệu. Ông Nguyễn Hữu Tửu cũng chia sẻ về “đặc điểm” của thứ khói khiến hàng ngàn hộ dân trong vùng lao đao đó là ô nhiễm phụ thuộc vào mùa và hướng gió. Cụ thể, vào mùa hè khi gió đông nam thổi thì cả xã Thụy Lâm sẽ “hứng” khói. Riêng mùa đông, khi có gió đông bắc thì khói lại dồn tụ, gây ảnh hưởng đến xã Vân Hà.
Sớm vào cuộc mạnh mẽ
Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm cũng cho biết, các cấp ngành từ chính quyền địa phương đến Trung ương đều rất tích cực, chủ động vào cuộc, tìm hướng xử lý tận gốc vấn đề. Cụ thể, ngày 25/11/2015, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 8425 gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị phối hợp chỉ đạo giải quyết ô nhiễm môi trường không khí do việc đốt phế liệu để thu hồi kim loại của một số công dân xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 9/6/2016, UBND xã Thụy Lâm có Văn bản số 59 về đề nghị phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường không khí do việc đốt phế thải tại xã Văn Môn, huyện Yên Phòng làm ảnh hưởng đến dân cư khu 5 xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Cùng nội dung này, ngày 6/7/2016, UBND xã Thụy Lâm tiếp tục có Văn bản số 68 gửi UBND huyện Đông Anh, Công an huyện Đông Anh; UBND huyện Yên Phong, Phòng TN&MT huyện Yên Phong; Công an huyện Yên Phong, Đội cảnh sát kinh tế và môi trường huyện Yên Phong; UBND xã Văn Môn, huyện Yên Phong.
Ngày 1/3/2017, tại trụ sở huyện Yên Phong, các cấp liên quan như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong (Bắc Ninh), huyện Đông Anh (Hà Nội), Công an huyện Đông Anh, UBND xã Văn Môn và UBND xã Thụy Lâm… đã ký biên bản làm việc chung với hướng xử lý vấn đề cụ thể như: Huyện Yên Phong, các ngành chức năng và UBND xã Văn Môn tiếp tục duy trì, xử lý kiên quyết và có giải pháp giải quyết. Phía UBND xã Thụy Lâm khi phát hiện tình trạng đốt rác sẽ thông tin cho UBND xã Văn Môn, Phòng Tài nguyên và Môi trường 2 huyện để kịp thời xử lý. “Chúng tôi đã nhiều lần kết hợp với Công an huyện Yên Phong, và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong Đông Anh cùng vào cuộc. 2 huyện đã phối hợp và ký biên bản cam kết. Bên phía Bắc Ninh cũng hứa kiểm tra và cho dừng hoạt động đốt phế liệu trên. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều” – Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm chia sẻ.
Như vậy, công tác phối hợp xử lý dù đã được triển khai tích cực nhưng hiện tượng khói bụi ảnh hưởng vẫn không có nhiều chuyển biến, vậy khó khăn vướng mắc để ngăn hiện tượng này đang “vướng” ở khâu nào?
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tửu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm thẳng thắn: “Vì khác tỉnh nên việc xử lý dứt điểm này khó. Phía Bắc Ninh cũng rất chủ động vào cuộc, song do người dân thường đốt lén lút nên khó xử lý”. Ông Tửu cũng cho biết thêm, muốn dứt điểm vấn nạn này chỉ cần UBND xã Văn Môn, huyện Yên Phong yêu cầu các hộ làm nghề tái chế phải ký hợp đồng thu gom và bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt khâu này, hiện tượng trên sẽ được chặn tận gốc.
Được biết, tại khoản 7 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định rõ: Cấm hành vi thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Rõ ràng, hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đã có, tuy nhiên việc xử lý dứt điểm vụ việc dường như vẫn ì ạch, không nhiều tiến triển. Tình trạng đốt phế liệu trên nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân, để tránh bức xúc trong dư luận đề nghị các cấp, ngành liên quan sớm vào cuộc xử lý nghiêm và có biện pháp ngăn ngừa.