Gặp họa sau khi “giải cứu” món nợ xấu ngàn tỷ (Bài 2): Vụ kiện lật lọng khiến “người đàn bà thép” uất ức bật khóc

(PLVN) -  Được nhiều người gọi là “người đàn bà thép”, tưởng như bao mưu kế thương trường bà Đặng Thị Kim Oanh đều đã phải nếm trải, nước mắt sẽ không còn rơi khi vướng những thủ đoạn làm ăn “bẩn”. 
Bà Đặng Thị Kim Oanh, nạn nhân trong vụ kiện bị đánh giá là nguyên đơn có những yêu cầu “lầy lội” bậc nhất lịch sử tố tụng.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, nạn nhân trong vụ kiện bị đánh giá là nguyên đơn có những yêu cầu “lầy lội” bậc nhất lịch sử tố tụng.

Thế nhưng, người phụ nữ “nghị lực thép” Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970, TGĐ Công ty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh TP HCM, trụ sở phường Phước Long A, quận 9, TP HCM) vẫn phải bật khóc khi bị lôi vào vụ kiện oan nghiệt liên quan dự án Hòa Lân.

“Tôi uất ức vì không ngờ “đối tác” tráo trở đến vậy. Còn nỗi uất ức khác lớn không kém, là một số cán bộ đã không bảo vệ doanh nghiệp chân chính, mà lại tiếp tay cho đối tượng sai phạm, để lộng quyền chèn ép chúng tôi”, bà Oanh nói. 

Vụ “ăn vạ” bị cơ quan hành chính “tuýt còi” 

Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, năm 2017, hưởng ứng chủ trương “giải cứu cục máu đông” nợ xấu ngành ngân hàng, Kim Oanh đã tham gia đấu giá và đấu giá trúng “dự án Khu đô thị dịch vụ - thương mại Hòa Lân” diện tích gần 50ha tại phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương với giá 1.353 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm gần 400 tỷ đồng. 

Đây từng là dự án của Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú (trụ sở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) thế chấp tại Agribank nhiều năm trước đó, hàng chục lần chào mời đấu giá nhưng “ế chỏng chơ” không cá nhân, tổ chức nào tham dự đấu giá.

Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (HĐMBTSBĐG) sau đó đã được các bên ký kết. Kim Oanh đã trả đủ tiền mua đấu giá, thậm chí đã bỏ ra thêm hàng trăm tỷ “lãnh đạn” thay Thiên Phú như nộp thuế Thiên Phú còn nợ, đền bù cho các hộ dân…

Đến nay Kim Oanh đã đầu tư vào đây số tiền 1.600 tỷ đồng. Cuối năm 2017, Thiên Phú cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị chuyển đổi chủ đầu tư dự án sang Kim Oanh.

Bà Oanh kể lại: “Trước khi tham gia vụ đấu giá này, tôi đã nhiều lần có các thương vụ tương tự, kinh nghiệm không ít. Hơn nữa, với Thiên Phú, hai bên đã từng một số lần hợp tác kinh doanh, khá tin tưởng nhau”.

Không ai ngờ chỉ trong chớp mắt, thương trường đã biến thành “chiến trường”, khi hơn một năm sau, lúc giá đất lên, thị xã Thuận An sắp được nâng cấp thành TP thuộc tỉnh, Thiên Phú quay ngoắt, dẫm đạp lên mọi cam kết hợp đồng đã ký trước đây, đâm đơn đòi hủy bỏ kết quả đấu giá. 

Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc. Kết luận thanh tra số 62/KL-TTr ngày 24/12/2018 thanh tra việc chấp hành quy định trong vụ bán đấu giá này, kết luận những tố cáo của Thiên Phú “không có cơ sở”.

Ngay sau sự kiện này, bất ngờ xuất hiện nhiều thông tin trên mạng internet, cho rằng có những “khuất tất” trong vụ đấu giá, thậm chí vu khống Kim Oanh “thâu tóm đất giá rẻ”.

Sự việc ồn ào dư luận đến mức Văn phòng Chính phủ ngày 15/3/2019 phát đi Công văn số 2059/VPCP – V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Tư pháp báo cáo kết quả thanh tra vụ bán đấu giá trên.

Hai tuần sau, ngày 29/3/2019, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 91/BC – BTP gửi Thủ tướng, trong đó nêu rõ đề nghị hủy kết quả đấu giá là không có căn cứ vì: “Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của công ty đấu giá không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hợp đồng chuyển nhượng đã được các bên ký kết, việc hủy hay tiếp tục thực hiện hợp đồng thuộc trách nhiệm của bên có tài sản đấu giá (Agribank)”.

Và “sau khi Thanh tra Bộ Tư pháp ban hành kết luận thanh tra, không có cá nhân, tổ chức nào khiếu nại kết luận này”. 

Theo một chuyên gia pháp lý: “Như vậy, quy định pháp luật ra sao trong vụ này, Bộ Tư pháp đã giải thích rõ ràng. Cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản pháp luật đã xác định rõ trách nhiệm là “của bên có tài sản đấu giá là Agribank”; nói cách khác “con nợ” Thiên Phú không có quyền gì nữa, không thể “ăn vạ” được nữa”.

Ngày 14/5/2019, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4036/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ  Trương Hòa Bình chỉ đạo: “Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm toàn diện với các nội dung Kết luận thanh tra số 62/KL-TTr ngày 24/12/2018 theo quy định pháp luật”.

Như vậy, về mặt khiếu nại hành chính, Chính phủ đã có quan điểm rõ ràng là đồng ý với báo cáo của Bộ Tư pháp.

Sau khi cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước có ý kiến về vụ việc, Kim Oanh tưởng như đã trút đi được “gánh nặng ngàn cân”, tưởng rằng sẽ nhanh chóng được đăng ký thủ tục tiếp quản đầu tư dự án, phát huy giá trị khoản tiền 1.600 tỷ đồng đã đầu tư vào khu đất. 

Đơn kiện trái lý, trái tình

Thế nhưng, sự lắt léo của Thiên Phú trong làm ăn đã được đẩy lên một “đỉnh cao” mới, khi sau khi thất bại ở con đường khiếu nại hành chính, Công ty này đâm đơn khởi kiện Công ty đấu giá và Agribank ra tòa.

“Kim Oanh chỉ là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện, nhưng lại là bên “lãnh đủ”, vì mục đích vụ kiện chỉ nhắm đến dự án mà Kim Oanh đã mua đấu giá thành, đã “chôn vốn” tại đây bấy lâu nay”, bà Oanh nói.  

Trong các đơn khởi kiện và kiện bổ sung, Thiên Phú đưa ra nhiều yêu cầu, trong đó chính yếu vẫn là đòi hủy kết quả đấu giá, HĐMBTSBĐG số 01-10/2017/HĐMBTSĐG kèm theo các “lập luận”. Những “lập luận” này của Thiên Phú đều bị Kim Oanh cũng như giới chuyên gia pháp lý bác bỏ, đánh giá rất vô lý, tráo trở, trái lý, trái tình.

Những khát khao chính đáng của Kim Oanh muốn góp phần phát triển đô thị, đóng góp cho kinh tế - xã hội thông qua dự án Hòa Lân.
Những khát khao chính đáng của Kim Oanh muốn góp phần phát triển đô thị, đóng góp cho kinh tế - xã hội thông qua dự án Hòa Lân.   

Thứ nhất, theo Thiên Phú, “HĐMBTSĐG” dựa trên kết quả bán đấu giá không có giá trị pháp lý, chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước thẩm quyền về việc chuyển nhượng dự án bất động sản (BĐS) theo Luật Kinh doanh BĐS. 

Phản bác “lập luận” trên, bà Oanh khẳng định Thiên Phú đã “cố tình nhầm lẫn”. Vụ việc không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh doanh BĐS 2014.

“Theo Luật này, chuyển nhượng dự án BĐS là việc chuyển nhượng thông thường, trực tiếp thông qua thỏa thuận giữa hai tổ chức, cá nhân có chức năng kinh doanh BĐS.

Ở đây Thiên Phú mang dự án Hòa Lân thế chấp và chuyển giao cho Agribank để phát mãi nhằm trả nợ, sau đó Kim Oanh mua đấu giá trúng, chứ không phải Thiên Phú trực tiếp chuyển nhượng dự án cho Kim Oanh để kinh doanh sinh lợi”. 

Vì vậy cũng không thể buộc Kim Oanh phải hoàn thành thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư dự án trước khi ký hợp đồng mua bán tài sản. Ngoài ra, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản cũng không có điều khoản nào quy định phải có sự đồng ý của cơ quan nhà nước về chuyển đổi chủ đầu tư thì mới được phép ký HĐMBTSĐG.

Thứ hai, Thiên Phú cho rằng kết quả bán đấu giá lẽ ra phải được công chứng. Quan điểm này là không đúng, vì theo Điều 34 về trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP:

“Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành thì đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá”. Nghị định này không quy định phải công chứng kết quả đấu giá.

Thứ ba, Thiên Phú cho rằng Kim Oanh vi phạm nghĩa vụ trả tiền theo biên bản bán đấu giá và HĐMBTSĐG. Bà Oanh chỉ ra sai sót của quan điểm trên: “Điều 41 Nghị định 17 nêu rõ thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản đã bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá và người mua được tài sản đấu giá thoả thuận trong HĐMBTSĐG.

Tại Điều 2 Hợp đồng HĐMBTSĐG số 01-10, chúng tôi và công ty đấu giá đã thỏa thuận, nếu quá thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá thành, Kim Oanh không chuyển đủ số tiền mà không phát sinh các trường hợp trở ngại pháp lý về chủ trương đầu tư và đo đạc địa chính, xác nhận ranh đất thì Kim Oanh mới vi phạm nghĩa vụ thanh toán…

"Thực tế sau đó chúng tôi phát hiện Thiên Phú còn nợ thuế, còn 10 hộ dân lấn chiếm và 15 hộ đang kiện đòi bồi thường ở vùng “da beo”. Như vậy là có trở ngại pháp lý xảy ra, chúng tôi phải xử lý thay Thiên Phú những rắc rối này, sau đó mới thanh toán đủ tiền. Chúng tôi không vi phạm nghĩa vụ trả tiền theo biên bản bán đấu giá và HĐMBTSĐG” - bà Oanh khẳng định.

Thứ tư, “lập luận” của Thiên Phú cho rằng sau khi bán đấu giá thành, cơ quan chức năng đã đo đạc thiếu 8.452 m2 đất so với diện tích trên “sổ đỏ”, “gây thiệt cho Thiên Phú”, bị bà Oanh đánh giá là “cãi cùn”: “Diện tích thực tế của dự án thiếu so với giấy tờ, nhưng chúng tôi vẫn đóng đủ số tiền 1.353 tỷ đồng như đã mua đấu giá. Kim Oanh mới là người thiệt hại chứ không phải Thiên Phú. Họ kiện như vậy thì quá vô lý”.

Thứ năm, “căn cứ” Thiên Phú đưa ra cho rằng khi đấu giá và ký HĐMBTSĐG, các bên đã bán đấu giá cả diện tích quyền sử dụng đất (QSDĐ) được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất trong dự án Hòa Lân, vi phạm Luật Đất đai 2013; bị bà Oanh phản bác: “Trong cả Biên bản bán đấu giá tài sản ngày 25/5/2015 và HĐMBTSBĐG đều ghi rõ: “Lưu ý: Với phần diện tích được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không tiến hành bán đấu giá mà chỉ bàn giao cho người trúng đấu giá quản lý và sử dụng theo quy định pháp luật”.  

Bất chấp việc Thanh tra đã có kết luận về vụ đấu giá và Chính phủ đã có ý kiến; bất chấp những yêu cầu bị đánh giá vừa trái luật vừa trái đạo lý của Thiên Phú; một tòa án cấp quận tại TP HCM vẫn thụ lý vụ kiện; sau đó còn “phong tỏa” dự án khiến Kim Oanh điêu đứng vì 1.600 tỷ đồng tiếp tục bị “chôn vốn”. Cùng lúc, Kim Oanh liên tiếp bị một số đoàn thanh kiểm tra địa phương “hỏi thăm”. 

Nữ doanh nhân “nghị lực thép” mắt đỏ hoe uất ức: “Chiều ngày 30 Tết, tôi cũng chỉ ăn một chén cơm chan nước tương, cuộc sống cần gì nhiều nhặn đâu. Thế nhưng, mỗi lần nhớ lại chuyện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói “cần thiết tặng anh hùng, các loại huân huy chương cho doanh nghiệp tư nhân đạt thành tích đóng góp xây dựng Tổ quốc”; mà một thẩm phán cấp quận lại lộng quyền, vi phạm tố tụng, đẩy hàng ngàn cán bộ công nhân viên Kim Oanh vào cảnh điêu đứng là tôi lại tủi thân muốn khóc”.

Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

Đọc thêm