Gặp họa sĩ "cha đẻ" của linh vật Sao La

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân vật nổi tiếng nhất trong giới mỹ thuật Việt Nam những tuần qua chính là họa sĩ Ngô Xuân Khôi - “cha đẻ” của linh vật Sao La dùng cho SEA Games 31.
Họa sĩ Xuân Khôi.
Họa sĩ Xuân Khôi.
  1. Ý tưởng về linh vật Sao La cho SEA Games 31

Do ảnh hưởng từ cha mẹ nên ngay từ khi còn nhỏ, họa sĩ Xuân Khôi đã đặc biệt quan tâm đến những chủ đề về lâm nghiệp, cây cối và muông thú. Thậm chí, ông đã thuộc tên rất nhiều loài cây gỗ quý và sau đó từng có thời gian sống bằng nghề thợ mộc tại quê nhà Nghệ An.

Khi biết được thông tin về cuộc thi sáng tác mẫu linh vật và biểu trưng (logo) cho SEA Games 31, với tư cách là một công dân Việt và một người họa sĩ chuyên nghiệp, ông đã tự nhận thấy mình có trách nhiệm cần phải tham gia một cách nghiêm túc, dù cho mục đích không phải là để được giải.

Ông đã tâm sự: Một cuộc thi ý nghĩa như thế này thì chắc Ban Tổ chức và giới truyền thông sẽ rất kỳ vọng vào đội ngũ các họa sĩ trẻ đầy năng động và các nhà thiết kế đồ họa thế hệ mới thành thạo về công nghệ. Vì mình đã gần 60 tuổi rồi nên không hề hy vọng vào việc sẽ giành được giải thưởng.

Dù quê gốc của ông ở huyện Hương Nguyên, tỉnh Nghệ An nhưng họa sĩ Xuân Khôi lại được sinh ra tại huyện miền núi Con Cuông (năm 1961) ở sát biên giới với nước bạn Lào khi cha mẹ của ông đều là cán bộ của ngành lâm nghiệp.

Phần tuổi thơ còn lại của ông còn gắn với huyện Nghĩa Đàn (đều thuộc tỉnh Nghệ An). Sau khi trưởng thành, ông đã về thành phố Vinh sinh sống cho đến khi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên năm 1979.

Năm 1982 (sau gần 4 năm là chiến sĩ pháo 105 ly) tại biên giới phía Bắc, ông đã phục viên và đi học Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội về chuyên ngành vẽ tranh tường. Cuộc sống và công việc ở Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam của họ sĩ Ngô Xuân Khôi cứ lặng lẽ cho đến ngày kết quả Cuộc thi thiết kế linh vật Sea Games 31 được công bố…

Khi đó, ông đã trăn trở rất nhiều khi tìm hiểu các hình ảnh về các con vật đã quen thuộc với đời sống của người Việt như Sếu đầu đỏ, Voọc quần đùi trắng,… Từ ý tưởng muốn tạo hình thật đặc sắc và ấn tượng mạnh - ông đã chợt nhớ đến câu chuyện phát hiện ra loài Sao La ở vùng núi huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) hồi năm 1992 từng gây chấn động đối với giới sinh học thế giới.

Vào cuối thế kỷ XX mà chúng ta còn phát hiện ra được một loài động vật lớn như thế (theo các chuyên gia sinh học thì Sao La vốn đã có từ thời tiền sử) vẫn còn tồn tại trong tự nhiên là cực kỳ hiếm có. Ngược dòng thời gian, từ Thế vận hội năm 1980 không chọn linh vật Gấu Misa thì thế giới cũng không quan tâm đến loài gấu nhiều như thế. Và nếu Thế vận hội năm 2008 không chọn Gấu trúc thì hình ảnh này cũng không lan tỏa được mạnh mẽ như ngày nay.

Ông đã rất đau đáu suy nghĩ rằng: “Tại sao Việt Nam có một loài vật đặc biệt quý hiếm có một không hai do thiên nhiên ban tặng cho chúng ta mà không nhân cơ hội này để tuyên truyền, quảng bá cho cả thế giới biết về đa dạng sinh học của đất nước mình”…

Từ đó, ông đã miệt mài tìm kiếm các thông tin trên internet và sách báo về loài Sao La. Càng tìm kiếm thì ông lại càng thấy thú vị và đặc biệt tâm đắc với ý tưởng về sử dụng con Sao La để sáng tạo hình ảnh linh vật cho SEA Games 31 sẽ được tổ chức ở Việt Nam.

Khó khăn khi “tiếp cận” với Sao La

Khó khăn lớn nhất là tìm kiếm hình ảnh thực tế về loài Sao La. Vào thời điểm triển khai cuộc thi thiết kế linh vật SEA Games, thông tin về loài Sao La đã gần như bị lãng quên trên truyền thông báo chí và trong cộng đồng.

Họa sĩ Xuân Khôi.

Họa sĩ Xuân Khôi.

Rất nhiều người trong giới trẻ Việt Nam và cả những người lớn tuổi, thậm chí một số thành viên trong Hội đồng Giám khảo cuộc thi linh vật SEA Game 31 cũng không biết Sao La là con gì. Vì thế, trong nội dung thuyết minh phương án dự thi của mình, họa sĩ Xuân Khôi đã phải giải thích rất rõ: “Đây không phải là con dê, cũng không phải là con hươu nai hoặc sơn dương gì cả, mà đây là con Sao La”.

Bởi rất ít tư liệu về loài động vật đặc biệt này được phổ biến trong đại chúng nên tác giả Xuân Khôi đã vô cùng khó khăn về “chất liệu” thực tế để sáng tạo tác phẩm phù hợp với tiêu chí khắt khe mà Ban Tổ chức cuộc thi đã đề ra.

Đơn cử như thiết kế phải nêu bật đặc điểm của loài vật ấy, nhân cách hóa được linh vật, thuận lợi cho việc in ấn và làm thú nhồi bông. Vì ngay cả các nhà sinh học và các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã cũng gần như không có cơ hội tìm gặp được Sao La trong tự nhiên (nên họa sĩ Xuân Khôi cũng vậy) mà chủ yếu qua tư liệu hình ảnh do người dân địa phương tình cờ ghi lại được.

Đặc biệt là tiêu chí vô hình nhưng lại là thử thách rất lớn với người sáng tạo, đó là phải thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam. Họa sĩ Xuân Khôi đã phải phác thảo hàng trăm bản vẽ từ ý tưởng này để xây dựng hình ảnh Sao La với cặp sừng dài, các đốm trắng ở hai bên má và khó khăn nhất là tạo tư thế, dáng hình với rất nhiều tư thế khác nhau để đạt được tiêu chí vừa khỏe mạnh vừa tự tin nhưng cũng rất hiền lành và vẫn hóm hỉnh.

Đối với tiêu chí về bản sắc Việt cũng gặp trở ngại lớn do có nhiều ý kiến cho rằng, nó không gần gũi lâu đời. Họa sĩ Xuân Khôi đã phải lồng ghép thêm các yếu tố cách điệu như là khoác lên mình Sao La các trang phục truyền thống Việt (giống như của người nông dân, võ sĩ cổ truyền) với tông màu nóng nhưng tươi sáng để tạo sự hưng phấn khi nhìn vào linh vật.

Theo thông tin công bố trên fanpage của Ban Tổ chức cuộc thi thiết kế linh vật của SEA Games 31, ngoài bài dự thi của họa sĩ Xuân Khôi thì cũng có một tác giả khác cũng sử dụng ý tưởng về Sao La nhưng được thể hiện bằng chất liệu bút chì màu theo kiểu tả thực cùng với chi tiết cờ quàng trước cổ (và bay ra phía sau), rất khó để đáp ứng các tiêu chí phổ biến của Ban Giám khảo đã đề ra.

Còn họa sĩ Xuân Khôi lại chọn kiểu thể hiện nhân vật theo lối truyền thống để tạo dựng vẻ đẹp bình dị, mang tính dân gian truyền thống, không pha tạp với các lối vẽ khác đã du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thành công đến từ quá trình công tác

Họa sĩ Xuân Khôi vốn là họa sĩ thiết kế bìa sách và minh họa cho Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trong suốt 26 năm (từ 1996 đến 2022). Như chính ông đã tâm sự: “Tôi đã có cơ duyên may mắn làm việc trong ngành xuất bản đã bồi đắp cho tôi về vốn văn hóa. Để sáng tạo thành công hình ảnh linh vật Sao La này, tôi vô cùng cảm ơn Nhà xuất bản đã cho tôi có được những năm tháng trải nghiệm và tích lũy vốn sống cũng như các trầm tích về văn hóa của các vùng miền khác nhau ở Việt Nam”…

Tính đến nay, hình ảnh linh vật Sao La đã thành công rực rỡ và được công chúng, người hâm mộ đón nhận rất tích cực. Quyết định lựa chọn thiết kế của họa sĩ Xuân Khôi đã khẳng định sự sáng suốt và đúng đắn của Ban Giám khảo cuộc thi (trước không ít luồng ý kiến trái chiều) cũng như Ban Tổ chức SEA Games 31 để mang lại sự thành công! Tất cả mang dấu ấn riêng biệt của Việt Nam.

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chọn thú nhồi bông của linh vật Sao La làm quà tặng cho Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris nhân dịp Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ vào tháng 5/2022.

Để họa sĩ Xuân Khôi có thể vượt qua những tháng ngày vất vả thiết kế ra hình tượng Sao La này, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ âm thầm của vợ ông - bà Đinh Thị Yến. Ngoài công việc bận rộn tại Trường quốc tế Olympia, bà vẫn chăm lo đầy đủ cho con nhỏ và người chồng miệt mài bên giá vẽ thâu đêm suốt sáng.

Nếu bạn đến thăm căn hộ nhỏ xíu ở tận tầng 5 của khu tập thể cũ trên đường Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) của gia đình họa sĩ, bạn sẽ được gặp không chỉ “cha đẻ” của Sao La” mà cả “mẹ” của Sao La rất hiền lành và đôn hậu…

Các dự án đầy nhân văn ngay sau SEA Games 31

Mặc dù đã có thành công rực rỡ này, nhưng họa sĩ Xuân Khôi vẫn đau đáu nguyện vọng có thể tiếp tục phát triển và lan tỏa hình ảnh Sao La (cả sau khi SEA Games 31 đã kết thúc) trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống như du lịch, văn hóa, giáo dục, kinh tế - dịch vụ và đặc biệt là công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển môi trường tự nhiên một cách bền vững.

Bên cạnh công việc chính tại Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, họa sĩ Xuân Khôi cũng đã từng thường xuyên tham gia thỉnh giảng tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội từ năm 2001 đến 2019 về môn hình họa và vẽ tranh tường.

Vì thế, họa sĩ cũng đang ấp ủ ý tưởng phát triển hình ảnh linh vật Sao La thành không chỉ chú Sao La mà còn có các cô, em bé Sao La và cả các nhiều nhân vật khác dành cho Sao La. Đó không chỉ là các vận động viên của 40 môn thi đấu ở SEA Games 31 (ví dụ như từ chú bộ đội tới nghệ sĩ, thương gia, công nhân,…).

Ngay sau khi nghỉ hưu, họa sĩ Xuân Khôi đã bắt tay ngay vào các dự án đào tạo hội họa và truyền thụ về mỹ thuật của Câu lạc bộ nghệ thuật Art Star do Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng bảo trợ.

Đối tượng mà ông hướng đến chính là các bạn nhỏ học sinh tiểu học, THCS vốn đang rất hâm mộ nhân vật Sao La của SEA Games 31 và tất nhiên cả tác giả “cha đẻ” của Sao La - họa sĩ Xuân Khôi.

Như chính ông đã chia sẻ: “Mong rằng các bạn trẻ nếu chưa biết gì về Sao La thì đấy là thiếu sót cần khắc phục ngay. Đây là lỗi của chính các bạn chứ không phải lỗi của Sao La! Kiến thức và phông nền văn hóa là cần phải thu nạp hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống - nhất là đối với các bạn trẻ để làm cho cuộc sống thú vị và sâu sắc hơn”…

Bên cạnh đó, ông cũng rất mong muốn qua hình ảnh Sao La của Việt Nam, người Việt sẽ có ý thức trân quý hơn những quà tặng vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta, của chính đất nước Việt Nam và hãy cùng chung tay bảo vệ các loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như Sao La.