Ghi nhớ 4 phút “vàng” giúp bệnh nhân ngừng tuần hoàn thoát chết trong gang tấc

(PLO) - TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh - Phó Giám đốc BV Bưu điện cho biết, thời gian tốt nhất để cấp cứu cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn là 4 phút đầu tiên, đây được coi là thời gian “vàng” trong cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Chia sẻ trong buổi tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn với chủ đề "Vì sức khoẻ - Hạnh phúc của chính bạn và cộng đồng" do BV Bưu điện tổ chức chiều ngày 12/9 ở Hà Nội, TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh - Phó Giám đốc BV Bưu điện cho biết: “Tại nước ta hiện nay, kỹ năng sống của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết mọi người đều chưa biết cách xử trí đúng các tình huống cấp cứu thông thường xảy ra tại cộng đồng”.

Cũng theo ThS. Trần Hùng Mạnh, nếu một người chẳng may bị đột quỵ hoặc tai nạn, thương tích nặng khiến nạn nhân ngừng tuần hoàn thì thời gian tốt nhất để cấp cứu là 4 phút đầu tiên, đây được coi là thời gian “vàng” trong cấp cứu ngừng tuần hoàn. Bởi vì sau khoảng thời gian này, não của người gặp nạn hoặc bệnh nhân sẽ bị tổn thương nặng nề và rất khó hồi phục. Chính vì vậy nếu được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời ngay trong 4 phút “vàng” đầu tiên thì khả năng cứu sống được người bị nạn là rất cao, hạn chế những di chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh - Phó Giám đốc BV Bưu điện.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu tại Thủ đô Hà Nội năm 2011-2012 thì có tới 91,35% trường hợp ngừng tuần hoàn bên ngoài bệnh viện, nơi không sẵn có những nhân viên y tế có kỹ năng cấp cứu. Nghiên cứu này cũng chỉ ra thời gian trung bình từ khi nhận cuộc gọi đến khi nhân viên cấp cứu có mặt tại hiện trường phải mất đến 13,35 ± 6,62 phút.

Nhằm trang bị cho những người bình thường và nhân dân trong cộng đồng biết được những kiến thức và kỹ năng cơ bản về cấp cứu ngừng tuần hoàn, từ đó họ có thể giúp đỡ người khác và hỗ trợ nhân viên y tế cứu giúp người bệnh khi có tình huống không may xảy ra, trong hai tháng 8 và 9/2017, BV Bưu điện đã tổ chức miễn phí chương trình tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn "Vì sức khoẻ - Hạnh phúc của chính bạn và cộng đồng" cho 6 cơ quan, doanh nghiệp.

Các bác sĩ, chuyên gia của BV Bưu điện đã phổ biến, hướng dẫn những nội dung cơ bản về cấp cứu thông thường và cấp cứu ngừng tuần hoàn, cách xử trí và kỹ năng cần thiết khi tiến hành sơ cứu, cấp cứu người gặp nạn trong trường hợp bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn do đột quỵ, tai nạn hay gặp các loại chấn thương như: gãy xương, đuối nước, điện giật, say nắng, say nóng, bỏng, ngạt khói... Bên cạnh phần lý thuyết được các bác sĩ truyền đạt một cách ngắn gọn, dễ hiểu, các bác sĩ còn trực tiếp hướng dẫn thực hành kỹ năng ép tim, thổi ngạt trên mô hình.

Các bác sĩ hướng dẫn cấp cứu ngừng tuần hoàn trên mô hình.

Nhiều người tham gia lớp tập huấn về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho biết, họ đã được tiếp nhận nhiều kiến thức hữu ích về y tế, biết cách ứng xử, giúp đỡ người gặp nạn khi có những sự cố bất ngờ xảy ra trong đời sống hoặc trong hoạt động sản xuất. Qua tập huấn họ hoàn toàn có thể giúp bản thân và những người xung quanh hạn chế được nguy cơ bị chấn thương nặng hoặc tử vong khi có tình huống không mong muốn xảy ra.

"Một số kiến thức về cấp cứu như: hô hấp nhân tạo, ép tim, thổi ngạt, băng bó, sơ cứu vết thương thì đã được nghe nói nhiều nhưng khi được trực tiếp thực hành lần đầu tiên tại buổi tập huấn họ cảm thấy rất bổ ích và thiết thực. Nhiều câu hỏi xung quanh nội dung cấp cứu, hỗ trợ nhân viên y tế và người gặp nạn trong thực tế cuộc sống như: cấp cứu người bị động kinh, cấp cứu những người mắc bệnh hiểm nghèo, bị nhiễm HIV/AIDS… mà học viên đặt ra đã được các bác sĩ giải thích, hướng dẫn tận tình"- anh Lê Xuân Huy - một người tham gia lớp tập huấn chia sẻ.

Với đột quỵ, các bác sĩ cho biết, một BN đột quỵ thường có các biểu hiện, triệu chứng điển hình đó là đột ngột xuất hiện một trong các dấu hiệu: Đột ngột yếu, liệt, tê bì. BN đột ngột nói khó, bất thường về giọng nói hoặc không nói được. Đột ngột mất thị lực, bất thường thị lực một trong hai bên mắt. BN có thể đau đầu dữ dội, hôn mê rối loạn ý thức. Ngoài ra, BN có thể chóng mặt, thường kèm theo mất thăng bằng, mất phối hợp động tác…

Do đó, cách đơn giản nhất là để nhận biết dấu hiệu của đột quỵ là yêu cầu người thân cười, nói, chào và quan sát. Hãy chú ý xem khuôn mặt có bị mất cân đối không? Có tay bên nào bị yếu, liệt bằng cách bảo người đó giơ tay lên. Giọng nói của họ có thay đổi không, bảo người đó lặp lại những từ đơn giản. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường trên thì nghi ngờ đến 90% là đột quỵ cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để được nhân viên y tế hỗ trợ đưa BN đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Do đây là một cấp cứu nội khoa nên cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115, không nên trì hoãn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi tại nhà, người thân có thể tiến hành sơ cứu bằng cách: đặt BN ở tư thế nằm, có thể nằm gối cao 30-45 độ. Nới rộng quần áo thông thoáng cho BN, quan sát xem BN thở như thế nào, màu da như thế nào. Nếu BN có ngừng tim thì phải cấp cứu ngừng tuần hoàn, kêu gọi sự hỗ trợ của người xung quanh. 

Trường hợp BN có nôn thì nên xoay mặt, nghiêng người BN sang một bên tránh để nuốt chất nôn và gây sặc. Nếu BN lên cơn co giật cần đảm bảo đường thở cho BN, dùng các dụng cụ tại nhà như đũa, thìa quấn vải đặt ngang miệng BN, tránh để cắn vào lưỡi. Đặc biệt lưu ý không đưa các thức ăn đồ uống gì vào BN dễ gây sặc, nguy hiểm cho BN.

Đọc thêm