Từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng, dầu tiếp tục giảm, xăng Ron 92 (A92) giảm 4 lần, tổng mức giảm 2.650 đồng/lít (16%); dầu diezel giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đồng/lít (20%). Ngay khigiá xăng dầu được điều chỉnh giảm chiều 18/2, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải, góp phần bình ổn giá thị trường chung và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay so với cơ sở kê khai giá liền kề trước để xây dựng phương án giá, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với biến động giá nhiên liệu. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá cước vận tải và kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật.
Chuyên gia kinh tế - TS Phạm Chi Lan nói, các doanh nghiệp vận tải viện dẫn lý do giá xăng dầutăng giảm liên tục nên không điều chỉnh kịp, và chi phí khác (thuế, phí đường, bảo hiểm) tăng nên họ phải bù đắp, chưa thể giảm giá cước ngay. Lý giải này, theo bà Lan, cũng có phần hợp lý. Theo bà, không chỉ giá cước vận tải, nhiều mặt hàng khác như giá điện, phân bón, nhựa… (có đầu vào bao gồm xăng dầu) khi giá xăng dầu tăng cũng lập tức tăng theo, nhưng nay giá xăng dầu giảm không thấy ai nhắc những mặt hàng này cần giảm giá.
Theo bà Phạm Chi Lan, chính nhà nước cũng đang tận dụng cơ hội giá xăng dầu giảm để tăng các loại phí, thuế (như thuế môi trường, thuế nhập khẩu, phí giao thông…), đó là những gánh nặng không nhỏ với doanh nghiệp. Bà Lan cho rằng, mỗi khi giá xăng dầu giảm, cơ quan quản lý lại có văn bản yêu cầu giảm cước vận tải để “tỏ ra quan tâm”. Hiện vận tải do tư nhân kinh doanh, nên để doanh nghiệp tự cạnh tranh với nhau. Trong khi giá điện và các mặt hàng khác lại không được nhắc tới.
“Xăng dầu tăng thì anh viện lý do đầu vào tăng để tăng giá điện, nước và các mặt hàng thiết yếu khác. Nhưng khi xăng dầu giảm thì không thấy mặt hàng nào giảm giá. Nên giờ cần nhìn vấn đề và điều hành giá một cách thực chất hơn với tất cả các mặt hàng thiết yếu, không riêng giá cước vận tải”, bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng, nhà nước cần nghiên cứu cụ thể từng giai đoạn giá xăng dầu và các chi phí khác (thuế, phí) với giá cả các mặt hàng thiết yếu và cước vận tải. Như trong một giai đoạn vài tháng, giá xăng dầu giảm bao nhiêu, thuế, phí, lương, bảo hiểm tăng bao nhiêu, giá cước vận tải đang thu là bao nhiêu… Từ đó đưa ra bức tranh chung về giá cả.
Mời các doanh nghiệp bàn việc giảm giá cước
Ngày 21/2, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, hôm nay (22/2), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường-phụ trách Bộ GTVT sẽ làm việc với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT, Bộ Tài chính và một số doanh nghiệp vận tải lớn để thực hiện việc điều chỉnh giá cước vận tải giảm theo giá nhiên liệu.
Theo bà Hiền, Bộ GTVT sẽ nghe ý kiến các đơn vị liên quan, tháo gỡ các khó khăn để thực hiện nhanh việc điều chỉnh giá. Bà Hiền cho biết, tại cuộc họp này, Tổng cục cũng sẽ đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với các cơ quan liên quan để sửa đổi Thông tư 152/2014 (của liên Bộ GTVT và Tài chính hướng dẫn về thực hiện giá cước vận tải đường bộ) theo hướng rút gọn, để sớm ban hành.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo theo hướng: Khi giá xăng dầu biến động ở mức độ nhất định, các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước. “Nếu giải pháp này được thông qua, cơ quan quản lý không cần phải thanh kiểm tra, đốc thúc các doanh nghiệp mỗi lần xăng dầu biến động; doanh nghiệp cũng không phải liên tục tiếp các đoàn thanh tra, ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh” – bà Hiền nói.