Giá điện tăng, người dân làm gì để kiểm soát hóa đơn tiền điện?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc giá điện tăng vào đúng đợt nắng nóng đầu tiên sẽ khiến cho hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng. Tuy nhiên, theo tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam, với tần suất sử dụng điện "như cũ" thì mức tăng cao nhất cho các hộ dùng đến 400 kWh/tháng sẽ ở mức 27.200 đồng/tháng.
Giá điện tăng, người dân làm gì để kiểm soát hóa đơn tiền điện?

Giá bậc thang sinh hoạt cao nhất là 3.015 đồng/kWh

Ngay sau thông tin điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) từ ngày 4/5, Bộ Công Thương đã có quyết định số 1062 /QĐ-BCT ngày 4/5/2023 ban hành biểu giá bán lẻ điện cho các đối tượng sử dụng điện.

Trong đó, với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 6 bậc, bậc thang cao nhất lên mức 3.015 đồng/kWh. Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt theo giá điều chỉnh sẽ bắt đầu từ 1.728 đồng/kWh cho 50 số đầu tiên, 1.786 đồng/kWh cho 50 số tiếp theo, 100 số bậc 3 có giá 2.074 đồng/kWh, 100 số bậc 4 có giá 2.612 đồng/kWh, cao nhất từ kWh thứ 401 có mức giá 3.015 đồng/kWh.

Tại cuộc trao đổi với báo chí về tình hình điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, được tổ chức chiều 4/5/2023, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với mức điều chỉnh này, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ; Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ; Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ; Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ; Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ.

Với các khách hàng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, theo ông Lâm, khách hàng công nghiệp mỗi tháng sẽ phải trả thêm 141.000 đồng; khách hàng sản xuất kinh doanh phải trả thêm 307.000 đồng.

Ông Võ Quang Lâm chia sẻ, việc điều chỉnh giá điện vào đúng lúc khó khăn khi người dân và doanh nghiệp cùng phải gồng mình lên sau những suy thoái của kinh tế sau dịch COVID; Bên cạnh đó, miền Bắc đã có đợt nắng nóng đầu tiên, tình hình thủy văn sẽ khó khăn, do đó, EVN đang phải rất cố gắng vận hành hệ thống để giảm thiểu chi phí sản xuất và vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt.

Trả lời câu hỏi của báo PLVN về vấn đề tăng giá điện vào đúng đợt nắng nóng đầu tiên, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hóa đơn tiền điện của khách hàng, ông Lâm cho biết, nếu khách hàng sử dụng dưới các mức 100 kWh/tháng, 200 kWh/tháng, 400 kWh… thì theo như công bố, số tiền cao nhất khách hàng phải trả cho việc điều chỉnh giá điện chỉ là 27.000 đồng/hộ.

Tuy nhiên, khi nắng nóng tăng, nhu cầu sử dụng điện tăng lên. Trong khi đó, khi số điện sử dụng tăng lên thì cấu phần cao thường rơi vào các bậc cao hơn thì hóa đơn sẽ tăng cơ học theo đúng giá quy định của từng bậc thang. Từ ngày 4/5 lại điều chỉnh tăng thêm 3% thì hóa đơn tiền điện chắc chắn sẽ tăng.

Do đó, EVN mong muốn khách hàng sẽ theo dõi việc sử dụng điện của gia đình. Hiện trong 30 triệu công tơ điện đã có 82% công tơ điện tử và người dân hoàn toàn có thể giám sát việc sử dụng điện hàng ngày.

“Nếu khách hàng thấy có hiện tượng sử dụng điện tăng bất thường thì có thể gọi điện cho các trung tâm khách hàng để cùng chúng tôi kiểm tra mức độ chính xác của công tơ cũng như việc sử dụng điện của khách hàng và căn cứ vào đó, khách hàng điều chỉnh việc sử dụng các thiết bị điện trong gia đình để hóa đơn tiền điện không tăng cao bất thường” - ông Lâm nói.

Cuộc trao đổi về điều chỉnh giá bán lẻ điện được EVN tổ chức chiều 4/5/2023

Cuộc trao đổi về điều chỉnh giá bán lẻ điện được EVN tổ chức chiều 4/5/2023

Sẽ huy động tối đa nguồn điện giá rẻ

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, khi giá điện được điều chỉnh tăng 3% sẽ giúp cho EVN bớt khó khăn về tình hình tài chính nhưng mức tăng này chưa đủ để cân bằng. Với mức điều chỉnh này, trong năm 2023, doanh thu của EVN sẽ có thêm hơn 8.000 tỷ đồng, trong khi hiện tại EVN vẫn đang lỗ vài chục nghìn tỷ đồng.

Do đó, EVN vẫn phải có những giải pháp để tiết kiệm chi phí. Ví dụ, năm 2022 tiết kiệm 10% thì năm nay lên 15%, các khoản sửa chữa lớn đã cắt giảm 30% thì năm 2023 sẽ tăng lên 40%; Chi phí nhân công tiền lương cũng sẽ tiếp tục phải cắt giảm; Bên cạnh đó EVN cũng phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và tối đa huy động nguồn điện giá thành rẻ.

Ngoài ra, EVN sẽ làm việc với các nhà cung ứng nhiên liệu đề nghị họ cùng chia sẻ khó khăn, có thể giảm giá đầu vào của than, khí để giảm thiểu chi phí đầu vào cho EVN; Việc đàm phán với các nhà đầu tư có nguồn năng lượng tái tạo để có sự hài hòa lợi ích giữa 2 bên cũng sẽ được EVN tính đến. Đồng thời EVN cũng sẽ báo cáo Chính phủ về việc hỗ trợ các khoản phí, lệ phí;

“Với các giải pháp nêu trên, chúng tôi hy vọng EVN sẽ giảm bớt được sự khó khăn về tài chính khi giá điện chỉ được điều chỉnh ở mức tối thiểu” - ông Nam nói.

Ông Nam cho biết thêm, mùa nắng nóng tới đây, việc đảm bảo đủ điện là nỗ lực rất lớn của EVN bởi hiện nay, theo tính toán, giá thành của nhiệt điện than thấp nhất đã vào khoảng 2.400 đồng/kWh, cao nhất lên tới 4.000 đồng/kWh.

Đọc thêm