Gia đình có công chưa được hưởng chế độ

(PLVN) - Theo đơn thư chúng tôi nhận được của bà Đặng Thị Được và Đặng Thị Thanh ở thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú (Ứng Hòa - Hà Nội), gia đình bà có công nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến, được Chính phủ tặng bằng khen. Tuy nhiên từ đó đến nay gia đình chưa được nhận chế độ chính sách, hơn thế gian nhà thờ của dòng họ cũng bị lấn chiếm.
Gian nhà thờ của dòng họ Đặng (xã Hòa Phú) bị lấn chiếm nay bỏ hoang, xuống cấp
Gian nhà thờ của dòng họ Đặng (xã Hòa Phú) bị lấn chiếm nay bỏ hoang, xuống cấp

Bà Đặng Thị Thanh cho biết, ngôi nhà của gia đình bà trải qua nhiều sự kiện. Từ năm 1946-1949 là kho bạc của Chính phủ; Năm 1950-1954 có khu nhà thờ là nơi xây hầm bí mật, làm chỗ ở của các cán bộ; Năm 1956-1958 là nơi được sử dụng làm nhà thờ và kho thóc của Chính phủ; Năm 1960-1963 là trường mẫu giáo và là nơi hội họp của xóm; Năm 1965 đến năm 1967 là nhà thờ và kho thóc Chính phủ; Năm 1972-1973 là thư viện của trường Tuyên giáo Trung ương và nhiều năm bộ đội dùng làm nhà kho chứa lương thực.

Tuy nhiên trong quá trình lịch sử, cuối năm 1955 gia đình bà bị quy là địa chủ, gia đình tôi phải đi ở nhà khác. Năm 1957, theo Thông tư số 86-TTg, về việc sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức về việc chấp hành chính sách ưu đãi gia đình liệt sĩ và các quân nhân cách mạng, gia đình bà Được, bà Thanh được trở về nhà. Lúc ấy chỉ có hai gia đình là gia đình ông Đặng Hữu Dụ và gia đình ông Lê Văn Nông đang ở nhà ngang. Gia đình ông Lê Văn Thực ở gian nhà có hầm nuôi giấu cán bộ. 

Năm 1966, gia đình bà Được nhận được Bằng khen số 558 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, vì “Đã góp công góp sức vào cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc”. 

Năm đó, anh trai của bà Được là ông Đặng Huy Huấn đứng tên là chủ hộ gia đình vừa mất nên bằng khen được ghi là “Gia đình bà Lê Thị Hữu” (bà Hữu là vợ ông Huấn).

Bà Đặng Thị Được cho biết: “Mấy năm qua dù Pháp lệnh ưu đãi người có công có hiệu lực, nhưng gia đình chúng tôi chưa được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật. Đề nghị các cấp có thẩm quyển giải quyết”.

Khi trao đổi với bà Phùng Thị Mai Thu, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Ứng Hòa, cho biết do Bằng khen ghi chung chung là “Gia đình bà Lê Thị Hữu”, nên không có căn cứ để giải quyết chế độ.

Một kiến nghị khác, gia đình cũng mong các cấp có thẩm quyển giải quyết khi phần đất của gia đình bị thu hẹp dần. Chuyện chia chác, quy đổi sau đó vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, khi bà Lê Thị Hữu (vợ ông Đặng Huy Huấn) theo con trai là Đặng Huy Hải về Thái Nguyên sinh sống thì một phần nhà nuôi giấu cán bộ ngày xưa đã bị lấn chiếm.

Bà Đặng Thị Thanh, con gái của ông Đặng Huy Huấn và bà Lê Thị Hữu cho biết: “Gia đình ông Lê Văn Thực, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú, và con trai lớn là ông Lê Văn Nguyên đã chiếm hết tất cả 3 gian nhà thờ của gia đình nhà tôi. Từ đó đến nay chúng tôi đã đi đòi lại nhưng chưa được”.

Theo Giấy chứng nhận đất, ngoài đất ruộng, có chứng nhận 1 thửa 9 thước là 216m2 (1 thước Bắc Bộ là 24m2) là đất ở. Song, trong Trích lục bản đồ năm 1996 chỉ còn 184m2. Đến năm 2002 Cán bộ địa chính đo lại chỉ còn 164m2. 

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hữu Gia, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) cho biết, trong khi đo đạc qua các thời kỳ, rõ ràng có biến động. Có thể do ngày xưa đo bằng tay không chính xác bằng ngày nay đo bằng máy. Trước câu hỏi vì sao có sự chênh lệch quá lớn giữa việc đo bằng tay và bằng máy lại lớn như vậy thì ông Gia không giải thích được. Ông Gia kiến nghị: “Đơn vị có thẩm quyền của UBND huyện cần đo lại để tính toán phần diện tích đất của gia đình bà Đặng Thị Được và Đặng Thị Thanh và xử lý dứt điểm”.

Khi trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa, ông cho hay: Do UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4147/QĐ-UBND ngày 25/8/2010, dựa theo Quyết định số 557/QD-UBND ngày 24/11/2004 của UBND huyện Ứng Hòa, kết luận rằng việc đòi quyền sử dụng đất tại thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa là không có cơ sở xem xét, giải quyết. Nên bây giờ chúng tôi không có căn cứ gì để giải quyết. Đề nghị gia đình kiến nghị lại lên UBND TP Hà Nội để sau đó chúng tôi có căn cứ giải quyết.

Hiện nay, gian nhà cổ, trước đây có hầm nuôi giấu cán bộ vẫn còn, nhưng gia đình bà Đặng Thị Được và Đặng Thị Thanh không được sử dụng, mà “nằm” trên đất của hộ bên cạnh. Hộ bên cạnh cũng không sử dụng, đang để xuống cấp. Bà Đặng Thị Thanh nói: “Vì sao nhà thờ dòng họ chúng tôi vẫn còn như thế mà việc giải quyết vẫn cứ kéo dài suốt nhiều năm? Chúng tôi mong lấy lại phần đất nhà thờ, để dựng lại phòng truyền thống của đại gia đình”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đọc thêm