Xe nối đuôi nhau vào trại giam khai thác cát
Từ lối đi tắt phục vụ cho việc chở vật liệu xây dựng trại giam, các xe tải hạng nặng và các xe cơ giới lần lượt nối đuôi nhau đi xuyên qua Trại giam Gia Trung để vào các điểm khai thác cát trái phép. Con đường nách này là lối đi vòng để đi vào Trại giam Gia Trung (Cục V26, Bộ Công An), đích cuối là con suối chảy ra giữa trại giam.
Ngồi trên QL19, chỉ khoảng từ 8h30 – 10h hàng sáng, chúng tôi đã chứng kiến tấp nập những chiếc xe camax, xe tải nhỏ nối đuôi nhau chở cát lậu từ phân trại ra. Để biết những xe chở cát lậu này đi đâu, chúng tôi hàng ngày đã bí mật bám theo đến điểm tiêu thụ. Theo chân chiếc xe tải BKS: 79C. 006… đang chở một xe cát đầy ắp từ con đường tắt của Trại giam Gia Trung chạy ra. Chiếc xe bon bon trên QL 19 quan Trung tâm thị trấn Kon Dong (Mang Yang) và về một Cửa hành VLXD T.Đ trên khu vực thị trấn Đak Đoa (Đak Đoa) để tiêu thụ.
|
Xe chở cát nối đuôi nhau |
Tiếp tục một xe cát khác từ trại giam chạy ra, chúng tôi đã bám đuôi theo chiếc xe tải BKS: 81C 515.. hơn 1 tiếng đồng hồ từ Trại giam Gia Trung về TP.Pleiku. Vượt qua nhiều trạm kiểm soát trên đường, chiếc xe tải này đã chở số cát trên lên phục vụ cho việc xây một công trình nhà nước trên TP.Pleiku (Gia Lai). Tiếp đó, những xe tải khoảng 3 tấn cũng nối đuôi nhau chở cát từ Trại giam Gia Trung theo hướng QL 19 về các huyện Mang Yang, Đak Đoa…
Theo tiếng máy nổ, chúng tôi đã đến tận một điểm khai thác cát thì đã chứng kiếm cảnh hàng trăm khối cát đang được hút lên bể lọc cát. Dưới suối có 2 máy hút đang thay nhau hút bọt lên trắng xóa. Thấy chúng tôi tiếp cận, một số đối tượng đã bỏ chạy lên chòi. Còn số nhân công khác vẫn hì hục đứng dưới suối để khởi thông dòng chảy.
Tiếp tục bám theo chiếc xe chở ra lậu đi vào trại giam, chúng tôi đã đến tận dòng suối nơi chiếc xe chở cát. Tại một điểm khai thác cát khác, có một chiếc máy hút, máy múc và các dụng cụ phục vụ cho việc hút cát. Thấy chúng tôi đến, các nhân công không có vẻ gì sợ mà vẫn “ngang nhiên’ hút cát. Đặc biệt, điểm hút này nằm trong trại giam. Tuy nhiên, chiếc xe vẫn “ngang nhiên” vận chuyển cát trái phép đi giữa phân trại để đưa ra ngoài mà không gặp phải một sự ngăn cản nào. Từ điểm hút cát đến phòng làm việc của lãnh đạo trại giam chỉ hơn 1km.
Để xác định điểm hút cát ngay trong Trại giam Gia Trung, chúng tôi đã theo men theo con đường tắt này để Trại giam Gia Trung. Một con đường đi vòng quanh trại giam, qua các phân trại và đích đến là con suối giữa phân trại. Trên đường đi, chúng tôi quan sát ra những cán bộ quản giáo đang quản lý phạm nhân và các trạm gác hàng ngày đều có cán bộ túc trực. Đứng ở giữa phân trại, chúng tôi cũng dễ dàng nghe thấy tiếng máy hút cát “thét vang”. Tuy nhiên khi hỏi các quản giáo và lãnh đạo trại giam Gia Trung thì được biết: “Khu vực này không có điểm khai thác cát nào bãi cát đang hoạt động…”.
Không quản lý được do lực lượng…mỏng?
Theo quyết định số 185/XN-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, cho phép khai thác cát xây dựng công trình phân trại K1, thuộc trại giam Gia Trung tại xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang. Đồng thời xét theo đề nghị của Trại giam Gia Trung tại Bản đăng ký công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường công trình xây dựng thuộc Trại giam Gia Trung thì UBND tỉnh Gia Lai đã tiến hành thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để nhằm mục đích xây dựng nội bộ với khối lượng khai thác là 2.363 m3.
Thời hạn khai thác tới 31/12/2020. Sản phẩm khai thác chỉ phục vụ các hạng mục xây dựng các công trình phân trại K1. Nếu thấy trại giam Gia trung sử dụng sai mục đích sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Mặc dù quy định của UBND tỉnh Gia Lai là như vậy, nhưng tại điểm khai thác cát trên xe tải vẫn ra vào chở cát đi tiêu thụ tại các cửa hàng bên ngoài, phục vụ cho các công trình dân sinh trên địa bàn.
Để nắm thông tin cụ thể, chúng tôi đã trực tiếp gặp ông Nguyễn Đình Ba, giám thị trại giam Gia Trung. Ông Ba cho biết: “Trong trại giam có một điểm được cấp phép để khai thác nhằm mục đích xây dựng phân trại. Tuy nhiên, điểm khai thác này chỉ lúc cần mới hoạt động chứ không phải hoạt động liên tục. Còn việc thông tin báo chí cung cấp, chúng tôi cũng biết từ lâu. Nhưng các đối tượng hoạt động này thường là chở cát lậu từ con suối giáp ranh giữa xã và trại. Sau đó, dùng con đường chuyên chở VLXD để đưa cát ra.
|
Một xe chở cát từ trại giam Trung Ba ra |
“Trong trại giam lực lượng còn mỏng mà các đối tượng khai thác này lại hoạt động cầm chừng, lợi dụng sơ hở để vận chuyển cát ra ngoài. Với những bằng chứng mà báo chí đã cung cấp. Chúng tôi sẽ họp bàn và tiến hành kiểm tra hiện trường. Để tình trạng khai thác cát trái phép này xảy ra trong trại giam là ảnh hưởng uy tín rất lớn đến trại”, ông Ba cho biết thêm.
Sau khi kiểm tra hiện trường, ông Nguyễn Đình Ba cho biết: “Số điểm mà báo chí nêu là hai điểm khai thác cát trái phép. Trong đó một điểm nằm trong khu vực trại giam và một điểm thuộc xã quản lý. Hiện trại đã lập biên bản và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Thiện (Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Mang Yang) cho biết: “Theo tinh thần của Văn bản thì huyện có trách nhiệm giám sát hoạt động khai thác khoáng sản (cụ thể là cát) tại trại giam Gia Trung. Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo cho hai xã là Đak Jơ Ta và Đak Ta Ley cùng phối hợp để tiến hành kiểm tra hiện trường. Đồng thời, UBND huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo xác minh sự việc…”.