Gia Lai: Điêu đứng vì cách giải quyết của tòa

(PLO) - Sau hơn 8 năm ròng rã kiện tụng, ông Nguyễn Thế Hùng (SN 1952, tổ dân phố 4, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) mới nhận được Quyết định số 03 của TAND Tối cao về việc kháng nghị tái thẩm đối với Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 11 ngày 14/12/2010 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng. 
Vợ chồng ông Hùng mong chờ vào phán quyết công tâm của  TAND tỉnh Gia Lai tới đây
Vợ chồng ông Hùng mong chờ vào phán quyết công tâm của TAND tỉnh Gia Lai tới đây

Theo kháng nghị, TAND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm, hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 11 ngày 14/12/2010 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 12 ngày 12/7/2010 của TAND tỉnh Gia Lai; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 11 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng cho đến khi có quyết định tái thẩm.

Vụ kiện khởi nguồn từ năm 2009, khi bà Thái Thị An (SN 1974, tổ dân phố 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã có đơn khởi kiện ông Nguyễn Thế Hùng để đòi nợ. Theo bà An, từ ngày 30/1 đến 2/2/2007, ông Hùng đã ứng của bà An 2,780 tỷ đồng (tương đương 127.803kg cà phê). Từ ngày 20/1 đến ngày 9/2/2007, ông Hùng đã giao cho bà An 74.614kg cà phê, còn nợ 53.189kg (tương ứng 1,162 tỷ đồng)... Đến ngày 14/12/2010 (ngày xét xử phúc thẩm), ông Hùng còn nợ bà An 40.388kg cà phê  nên bà An đã yêu cầu ông Hùng phải trả số nợ này.

Ông Hùng cho biết, sau khi ứng của bà An 2,780 tỷ đồng, ông Hùng đã giao lại cho vợ chồng ông Phạm Văn Từ, bà Nguyễn Thị Minh (ở tổ dân phố 6, thị trấn Ia Kha). Sau đó, vợ chồng ông Từ đi thu mua cà phê về xay xát giao cho bà An. Việc mua bán cà phê là "quan hệ tay ba" giữa ông, bà An và vợ chồng ông nên ông Hùng không thừa nhận số nợ như bà An khởi kiện. 

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 12 (ngày 12/7/2010), TAND tỉnh Gia Lai quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà An (nguyên đơn), buộc ông Hùng (bị đơn) phải trả nợ cho bà An 39.658kg cà phê nhân xô quy chuẩn...

Sau đó, Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 11 (ngày 14/12/2010) của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định không chấp nhận kháng cáo của ông Hùng; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tại kháng nghị tái thẩm, TAND Tối cao xét thấy: Việc mua bán cà phê là "quan hệ tay ba" giữa ông Hùng, bà An và vợ chồng ông Từ, bà Minh. Ông Hùng chỉ là trung gian nhận tiền từ bà An sau đó giao cho vợ chồng ông bà Từ, bà Minh đi mua cà phê giao lại cho bà An. Điều này được minh chứng trong giấy biên nhận ngày 30/1/2007 có nội dung ông bà Từ Minh nhận của ông Hùng 1,080 tỷ đồng; giấy xác nhận ngày 19/10/2005, ông Từ thừa nhận có giao cà phê nhiều lần cho bà An; sổ gốc ghi chép việc bà An đã nhiều lần nhận cà phê nhân của ông bà Từ, Minh...

Thực tế, theo số liệu thể hiện trong sổ ghi của ông Từ thì số lượng cà phê giao cho bà An vào các ngày 02, 03, 04 và 9/2/2007 đều trùng khớp với các phiếu cân do bà An xuất trình tại Tòa. Như vậy, có căn cứ xác định khi nhận tiền của bà An, ông Hùng giao lại số tiền này cho ông Từ, bà Minh để ông Từ, bà Minh giao cà phê cho bà An. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa vợ chồng ông Từ, bà Minh vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, mà chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do bà An xuất trình để buộc ông Hùng trả cho bà An số cà phê còn thiếu là chưa chính xác...

Mặt khác, Công văn số 236 ngày 12/7/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Gia Lai kết luận: Chữ viết (gồm chữ và số) được viết bằng mực màu xanh có nội dung "TC=>8912-19 bì, TC=>7320 ký... AN" trên tờ giấy được đánh số 3, 5 và chữ viết trên các tờ giấy đánh số 8, 9 trong "Sổ tổng hợp 1/2/2007", tài liệu cần giám định (ký hiệu A) so với chữ viết của Thái Thị An trên tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M) là do cùng một người viết ra. Đây là tài liệu mới được cung cấp, có thể làm thay đổi căn bản kết quả giải quyết vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm chưa xem xét, đánh giá nên là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. 

Ông Hùng bức xúc cho biết: “Nhiều năm qua, gia đình tôi đã thay nhau  gửi đơn khiếu nại các bản án, kêu cứu về việc việc thi hành án… nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vì các quyết định của Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm mà gia đình tôi lâm vào cảnh điêu đứng, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng vất vả lo tìm công lý...”. 

Đọc thêm