Gia Lai: Nhức nhối tình trạng đòi 'bảo kê' tại ruộng dưa của người dân

(PLO) -Theo phản ánh của nhiều nông dân trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), thời gian gần đây khi dưa vào vụ thu hoạch thường xuyên xuất hiện những đối tượng côn đồ đến đòi tiền bảo kê, hoặc ép người dân bán cho chúng với giá rẻ mạt. Nếu người trồng dưa không chịu chi tiền hoặc bán dưa cho chúng thì sẽ bị đe dọa, gây rối…
 

 

Đối tượng Nay Thu (phải), Nay Tạo (trái) tại cơ quan công an
Đối tượng Nay Thu (phải), Nay Tạo (trái) tại cơ quan công an

Chưa vui được mùa đã lo… “xin đểu”

Theo chia sẻ của nhiều nông dân trồng dưa tại xã Ia Trôk (huyện Ia Pa) thì vụ dưa năm 2017 có thể nói là bội thu hiếm có. Sở dĩ nói vậy vì những năm trước, người trồng dưa năm được mùa thì rớt giá, năm được giá thì lại mất mùa. Chỉ có năm nay tình hình có vẻ rất khả quan khi không chỉ những ruộng dưa hấu của người dân cho năng suất cao mà giá bán cũng có thể nói là cao trội hơn so với những năm trước.

Nhìn cánh đồng dưa bát ngát đang vào mùa thu hoạch của gia đình, anh Ngô Xuân Thạnh (người gốc Bình Định lên xã Ia Trôk, huyện Ia Pa thuê đất trồng dưa) không giấu được niềm vui:

“Trừ các chi phí vụ này, tôi có lời khoảng 200 triệu đồng. Cả Tết ở lại đây canh ruộng không được về quê, chăm sóc dưa vất vả mấy tháng trời giờ bán được thấy mừng biết bao. Giờ có tiền mang về quê nuôi các con ăn học, mua mấy con bò rồi lấy vốn để đầu tư vụ sau nữa”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà con nông dân thì niềm vui của họ vẫn không được trọn vẹn. Trong lòng họ canh cánh một nỗi lo đó là mỗi khi vào mùa thu hoạch người dân thường xuyên bị những đối tượng côn đồ đến tận ruộng đòi tiền bảo kê, hoặc ép giá mua nông sản với giá rẻ hơn thị trường. Theo phản ánh của người dân thì hiện tượng “xin đểu” đã diễn ra trong vài năm trở lại đây, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một người dân chia sẻ về tình trạng bị đòi tiền bảo kê ngay trên cánh đồng
Một người dân chia sẻ về tình trạng bị đòi tiền bảo kê ngay trên cánh đồng

Như hầu hết các hộ khác, ông Lê Văn Lệ (quê Bình Định, thuê đất trồng dưa tại xã Ia Broái, huyện Ia Pa, tỉnh Gia lai) cũng nơm nớp lo. Theo ông Lệ thì ngay từ giai đoạn cây sinh trưởng, ruộng dưa nhà ông đã thường xuyên bị một số đối tượng say xỉn, tới gây gổ rồi phá phách. Đến khi thu hoạch các đối tượng lại kéo nhau đến  đòi “bảo kê”, hỏi mua với giá rẻ mạt, sau đó bán lại cho thương lái với giá cao để kiếm lời.

“Chúng hỏi mua thì đống dưa đáng giá 10 triệu chúng chỉ trả 3-4 triệu còn lại nợ, nhưng xác định cho nợ thì không biết khi nào mới đòi lại được. Vậy nên, nhiều lần chúng hỏi mua nên tôi lấy lý do từ chối bán. Từ chối xong y như rằng chẳng yên thân được với chúng…” , ông Lệ than thở. 

Như ông Lệ cho biết, nếu người dân nào không bán cho những kẻ bảo kê thì cũng rất khó bán cho thương lái bên ngoài vì chúng sẽ đe dọa khiến cho những thương lái không dám đến thu mua dưa của bà con.

Nếu có bán được thì giá cũng sẽ rẻ hơn giá thị trường, vì hầu hết các thương lái đều phàn nàn rằng “mỗi lần muốn vào mua đều phải trả tiền cho những đối tượng “xin đểu” từ 2 đến 3 triệu đồng. Như vậy, thì cuối cùng người chịu thiệt vẫn chỉ có người nông dân mà thôi…

Chị Ngọc, một thương lái từ Bình Định lên thu mua dưa tại tỉnh Gia Lai cho biết nếu không chung tiền, các đối tượng cản trở, không cho xe vào chuyển dưa đi.

“Có hôm tôi đang chuẩn bị thu mua của người dân, thì hai thanh niên tới hỏi xin tiền nhưng tôi không cho. Tới khi đang cho xe vào chuẩn bị bốc dưa lên thì các đối tượng chặn lại không cho vào, chúng mang một bó mã tấu, sợ quá tôi lấy ra 3 triệu để cho nhưng các đối tượng đòi 5 triệu” – chị Ngọc kể lại và cho biết vì làm ăn lâu dài, sợ trả thù nên không báo công an.  

Hình ảnh người dân vui vẻ vì mùa dưa hấu năm nay bội thu
Hình ảnh người dân vui vẻ vì mùa dưa hấu năm nay bội thu

Lực lượng công an vào cuộc

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Công an huyện Ia Pa đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Ngày 15/2, thông tin từ Công an huyện Ia Pa cho biết: cơ quan này đang hoàn tất thủ tục để tiến hành xử lý đối với các đối tượng Nay Thu (SN 1987) và Nay Tạo (SN 1991) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Bên cạnh đó, xem xét vai trò của đối tượng Rơ Ô Kiệt (SN 1994, cùng trú tại buôn Ama Drung, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa).

Trước đó, ngày 1/2/2017, có hai đối tượng đến các chòi dưa của những người đang thuê đất trồng dưa tại đây để đe dọa, yêu cầu mỗi chòi phải đóng cho chúng 3 triệu đồng thì mới cho xe vào chở dưa nhưng không ai đồng ý. Ngày hôm sau, hai đối tượng này đến hỏi ai là chủ vườn để thu tiền. Thấy vậy, các chủ vườn báo cơ quan công an. 

Đến khoảng 22h cùng ngày, xe ô tô BKS 76C – 047.92 của anh Nguyễn Thanh Kỳ (SN 2000, trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) chở dưa từ cánh đồng đi qua buôn Ama Drung, thấy vậy, Nay Thu lấy xe máy chở Nay Tạo đến chặn xe ô tô lại. 

Xe vừa dừng, Tạo lao đến đòi Kỳ phải đưa 3 triệu đồng thì mới cho xe đi. Tuy nhiên, Kỳ nói rằng chỉ mang 2 triệu, khi cả hai đang nhận tiền thì lực lượng công an huyện Ia Pa đã ập đến bắt quả tang. Cùng lúc này, đối tượng Kiệt cầm dao đi đến với mục đích uy hiếp để cưỡng đoạt tiền lái xe và chủ ruộng nên cũng bị bắt giữ. 

Không trực tiếp ra mặt “xin đểu” của người nông dân như Nay Thu, Nay Tạo, đối tượng Nguyễn Đình Hậu (SN 1977) và Trần Đình Thái (SN 1990, cùng trú thị xã Ayun Pa) lại nhiều lần gọi điện đe dọa, buộc chị H.T.X.T (trú thị xã An Khê) đến thị xã Ayun Pa thu mua dưa hấu, phải cắt lại cho chúng 1 giá khi thu mua dưa hấu.

Nếu không chấp nhận chúng sẽ không cho xe vào chở dưa, còn cho đàn em đến phá công việc làm ăn. Khi Hậu đang nhận 7 triệu đồng từ chị T. thì bị công an thị xã Ayun Pa ập vào bắt giữ vào năm 2015. 

Theo thông tin từ cơ quan điều tra công an huyện Ia Pa, hầu hết các đối tượng có hành vi đòi tiền bảo kê, gây rối, đe dọa người nông dân đều là những thanh niên ngổ ngáo, không có công ăn việc làm ổn định tại địa phương. 

Cũng theo công an huyện Ia Pa sở dĩ tình trạng các đối tượng xấu ngang nhiên tổ chức bảo kê, xin đểu của bà con nông dân diễn ra trong nhiều năm nay là vì người dân trồng dưa đa số là từ nơi khác đến đây thuê đất làm ăn.

Hình ảnh người dân vui vẻ vì mùa dưa hấu năm nay bội thu
Hình ảnh người dân vui vẻ vì mùa dưa hấu năm nay bội thu

Vì không phải người dân bản địa nên họ có phần sợ gây thù với những người dân địa phương. Khi xảy ra tình trạng trên đa số nông dân chọn cách im lặng, hoặc cắn răng “đưa tiền mồ hôi, nước mắt của mình” cho những kẻ “xin đểu” với mong muốn có được một cuộc sống yên ổn.

Bên cạnh đó, những lái buôn khi đến địa phương để mua bán cũng với tâm lý muốn yên ổn để làm ăn lâu dài, không muốn đánh mất mối hàng nên cũng chấp nhận im lặng chung tiền cho những đối tượng côn đồ này.

Chính tâm lý muốn sống, làm ăn yên ổn của người dân, cùng những thương lái càng khiến cho những đối tượng bảo kê ngày càng lộng hành ngang nhiên hơn. Và nó cũng khiến cho quá trình điều tra, triệt phá tình trạng trên của cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn.

Đọc thêm