Đất thổ cư bị “biến” thành đất nông nghiệp
Dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thị trấn Trâu Quỳ và xã Đặng Xá” (Dự án) có diện tích 31ha đang bị “dậm chân tại chỗ” do gặp phải sự phản đối của một số hộ dân.
Được biết, nguồn gốc đất mà 5 hộ đang sử dụng là đất thổ cư hình thành từ năm 1954. Năm 1977, theo Quyết định (QĐ) số 49/NN-RĐ/QĐ, Bộ Nông nghiệp đã cắt hơn 4ha của khu gia đình cũ để xây dựng Viện Kinh tế Nông Nghiệp (KTNN). Năm 1987, Viện KTNN chuyển sang số 6 Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) thì trụ sở cũ thành khu gia đình cho cán bộ với diện tích 1,6 ha.
Ông Nguyễn Trung Quế (71 tuổi, trú tại số 33/333 đường Ngô Xuân Quảng, tổ dân phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ) cho biết: “Tôi có nhà và đất ở với diện tích 760m2 sử dụng từ năm 1977 và có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) theo Luật Đất đai 2013”.
Tại giấy xác nhận ngày 14/12/2011 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện KTNN trước đây) do Phó Viện trưởng Dương Ngọc Thí ký và được ông Lê Thanh Hải (Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ) xác nhận đã nêu rõ: “Đến năm 1988, Viện điều chỉnh lại nhà ở và đất liền kề tại vị trí ở hiện nay theo QĐ số 345 GĐ/QĐ ngày 10/1/1988 của Viện trưởng Viện KTNN về việc điều chỉnh nhà ở cho ông Quế. Khi giao không ghi rõ diện tích, đến năm 2004 Viện đã đo đạc diện tích nhà ở được giao là 58,4m2. Hộ sử dụng diện tích đất liền kề để xây dựng nhà mới, công trình phụ, sân... để ở, diện tích là 141,4m2. Diện tích nhà ở, đất ở được hộ sử dụng ổn định từ năm 1988 đến nay, không có tranh chấp, đóng tiền sử dụng đất từ 1993 cho đến nay…”.
Ngày 10/10/2015, ông Quế làm hồ sơ xin xác nhận để hoàn tất việc cấp GCN. Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh huyện Gia Lâm khi đó đã xác nhận thửa đất số 55 thuộc tờ bản đồ số XN5-14-697 của vợ chồng ông Quế có diện tích sử dụng 764,4m2. Mục đích đất ghi rõ: “Đất ở từ thời điểm trước 15/10/1993”. Văn bản này còn kèm theo Hồ sơ kỹ thuật thửa đất và được Giám đốc (khi đó là ông Tạ Vũ Sơn) ký xác nhận.
Khi dự án nói trên được triển khai, diện tích đất của gia đình ông Quế bị thu hồi là 466,8m2. Tại dự thảo phương án đền bù lần 1, gia đình ông Quế và bà Men được đền bù tổng số 108 triệu đồng với diện tích thu hồi là 466,8m2; khi có ra phương án đền bù chính thức lần 1 chỉ còn 37 triệu đồng Tuy nhiên, phương án 2 tăng tổng mức đền bù là 639 triệu đồng. Cùng diện tích đất thu hồi nhưng chỉ trong thời gian ngắn, lại có nhiều phương án đền bù khác nhau?
Chưa kể, tại một số văn bản, huyện Gia Lâm còn khẳng định một số hộ “tự ý sử dụng” phần diện tích, qua đó, lấy cơ sở để đề nghị các cơ quan của huyện Gia Lâm dựa vào áp dụng mức giá đền bù bất hợp lý cho các hộ dân. Trong khi đó, đất đều được các hộ dân sử dụng từ trước năm 1990, đến nay chưa từng bị cơ quan quản lý nào nhắc nhở hoặc lập biên bản xử lý.
Thu hồi đất có được HĐND thành phố cho phép?
Chưa hết bất ngờ với dự thào này, gia đình ông Quế tiếp tục nhận được QĐ thu hồi đất số 6922/QĐ-UBND ngày 24/8/2016 (do ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ký).
Điều lạ là, trong QĐ này, ông Thuần thay mặt UBND huyện Gia Lâm căn cứ vào Luật Đất đai 2013 và hàng loạt văn bản, nghị định từ năm 2014 nhưng căn cứ để thu hồi đất lại dựa vào Luật Đất đai 2003? Chính điều này khiến gia đình ông Quế bức xúc, không đồng ý.
Ông Quế cho rằng: “Dự án đang triển khai là dự án thương mại, có mục đích kinh doanh sinh lời nên không thể thuộc diện thu hồi đất nếu căn cứ theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013”.
Hơn nữa, dự án này cũng không đưa ra HĐND TP Hà Nội xem xét ra Nghị quyết cho phép thu hồi đất. UBND huyện Gia Lâm không trình ra được văn bản cho phép của HĐND TP Hà Nội.
Trong hồ sơ GPMB dự án này xuất hiện một số văn bản như Tờ trình số 886/TTrLN-BCĐ.TNMT.UBND của liên ngành ngày 29/11/2016 về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 20 hộ gia đình thuộc khu tập thể Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Công văn số 7240/UBND-ĐT ngày 21/12/2016 về việc “Giải quyết tồn tại, vướng mắc trong thực hiện công tác GPMB...” do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký gửi UBND huyện Gia Lâm và Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội; Công văn số 976/BCĐ-NV2 ngày 29/12/2016 của Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội gửi UBND huyện Gia Lâm về việc hướng dẫn thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với một số hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án đang triển khai.
Liên quan đến những văn bản trên, ông Quế nói: “Tại các buổi đối thoại trực tiếp với người dân (có ghi âm), ông Nguyễn Ngọc Thuần đều cho rằng UBND huyện Gia Lâm căn cứ vào các quyết định của UBND TP Hà Nội chứ không áp dụng công văn để tiến hành việc thu hồi đất phục vụ dự án. Theo cá nhân tôi, đây là những văn bản không đúng quy phạm pháp luật. Nếu ông Thuần áp dụng các văn bản nói trên để đưa ra việc thu hồi đất là trái quy định của pháp luật. Các văn bản này cũng không được đăng công báo, không có trên các phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi nên không thể chấp nhận là các văn bản quy phạm pháp luật được”.