Gia Lâm, Hà Nội: Vì sao chính quyền xã Đa Tốn “chây ỳ” thực hiện chỉ đạo của cấp trên…?

(PLVN) - Mặc dù, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Thông báo kết luận tố cáo và yêu cầu UBND xã Đa Tốn xử lý những vi phạm về sử dụng đất đai trên địa bàn, nhưng chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm mới chỉ được xử lý 1 phần, còn hộ dân bị tố cáo thì lại không bị xử lý.
Diện tích người dân địa phương phản ánh bị chiếm dụng để kinh doanh nhà hàng, ăn uống
Diện tích người dân địa phương phản ánh bị chiếm dụng để kinh doanh nhà hàng, ăn uống

Tự ý đậy nắp kênh mương, sử dụng đất sai mục đích

Từ nội dung đơn tố cáo của công dân đối với hộ gia đình ông Cam Văn Công và bà Nguyễn Thị Bình (đội 16, thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn) lấn chiếm đất công, lòng đường, vỉa hè, bóp hẹp lòng chảy mương thoát ngày 20/01/2020 UBND huyện Gia Lâm đã ban hành kết luận số 02/KL-UBND.

Theo kết luận, UBND huyện Gia Lâm khẳng định, việc công dân tố cáo hộ gia đình ông Cam Văn Công có hành vi chiếm dụng đất công, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, bó hẹp lòng chảy của mương thoát nước ảnh hưởng tới giao thông, sinh hoạt của cộng đồng dân cư là đúng một phần. 

Cụ thể, UBND huyện Gia Lâm cho biết, tuyến mương thoát nước nằm kẹt giữa đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên với đường bê tông dân sinh thuộc Đội 16, thôn Khoan Tế (xã Đa Tốn) có chiều dài khoản 70m, chiều rộng khoảng 3,5m - 4,5m.

Thời gian từ năm 2018-2019 các hộ gia đình sử dụng đất giáp đường giao thông liền kề mương thoa đã tự ý đóng góp kinh phí đầu tư đậy nắp mương để khắc phục ô nhiễm, trong đó có gia đình ông Cam Văn Công.

Theo đó, UBND huyện Gia Lâm khẳng định, việc các hộ gia đình tự tổ chức thi công đậy nắp mương thoát nước, nhưng không lập dự án đầu tư xây dựng với nguồn vốn do các hộ tự đóng góp là thực hiện chưa đúng quy định. 

Đáng chú ý, khi các hộ có đơn đề nghị, UBND xã Đa Tốn không hướng dẫn thủ tục theo quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 18/12/2017 của UBND huyện Gia Lâm ban hành quy định hỗ trợ đầu tư đường giao thông ngõ, xóm, hạ tầng nghĩa trang nhân dân , vườn hoa, ao hồ, sân chơi và các công trình khác trong khu dân cư trên địa bàn, không có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

“Trách nhiệm của các vi phạm nêu trên, trách nhiệm trực tiếp là của tập thể 12 hộ gia đình đội 16 thôn Khoan Tế tham gia đóng góp kinh phí và thực hiện thi công đổ nắp mương. Trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về UBND xã Đa Tốn” – UBND huyện Gia Lâm cho biết.

Về việc đổ bê tông tạo ngõ đi kết nối đường giao thông của Đội 16, thôn Khoan Tế được gia đình ông Cam Văn Công, UBND huyện Gia Lâm kết luận, hộ ông Công thực hiện từ khoảng cuối năm 2018 trên một phần diện tích đất nông nghiệp khoảng 80m2 của gia đình ông Công là việc sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 và pháp luật về quản lý kết cấu công trình giao thông đường bộ.

Trên cơ sở kết luận sai phạm, UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã Đa Tốn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể cá nhân có liên quan đến nội dung kết luận. Đồng thời, quản lý, giữ nguyên hiện trạng, yêu cầu các hộ dân thôn Khoan Tế cam kết không sử dụng trái phép mặt bằng do việc đậy nắp mương, sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt không đúng mục đích.

Đối với đoạn ngõ bê tông đấu nối vào đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên , UBND huyện Gia Lâm yêu cầu UBND xã Đa Tốn phối hợp với Phòng quản lý Đô thị huyện Gia Lâm kiểm tra quy hoạch, khảo sát hiện trạng để xử lý khôi phục hiện trạng ban đầu trong trường hợp việc đấu nối không phù hợp quy hoạch, không được cấp thẩm quyền chấp nhận.

Theo đó, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu UBND xã Đa Tốn thực hiện những chỉ đạo nêu trên và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện tới UBND huyện Gia Lâm trước ngày 31/03/2020.

UBND xã Đa Tốn có “dung túng” cho sai phạm?

Chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm là vậy nhưng dường như UBND xã Đa Tốn lại “phớt lờ”, không thực hiện theo chỉ đạo.

Do đó, ngày 01/04/2020, UBND huyện Gia Lâm tiếp tục ban hành văn bản số 832/UBND-TTr yêu cầu Chủ tịch UBND xã Đa Tốn nghiêm túc tổ chức thực hiện kết số 02/KL-UBND ngày 20/01/2020 của Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm. Kết quả tổ chức thực hiện báo cáo UBND huyện trước ngày 25/04/2020.

Tuy nhiên, theo phản ánh của công dân, từ đó tính đến ngày 21/5/2020, UBND xã Đa Tốn vẫn chưa có động thái xử lý những công trình vi phạm của gia đình ông Công.

Cũng theo phản ánh của người dân, ngày 7/3/2020, UBND xã Đa Tốn có tổ chức cưỡng chế tháo dỡ một số công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp xung quanh nhà ông bà Công - Bình. Thế nhưng, riêng vị trí vi phạm của gia đình ông Công do tự ý san lấp chiếm dụng lối đi ra tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên để phục vụ kinh doanh nhà hàng ăn uống với diện tích lên đến hàng trăm m2 lại hoàn toàn không bị cưỡng chế, cũng không bị xử lý.

“Chúng tôi được biết hộ gia đình ông Công là người nhà của lãnh đạo xã Đa Tốn. Phải chăng, vì lý do này mà các hộ khác bị xử lý còn vấn đề vi phạm của nhà ông Công lại được xã Đa Tốn bao che không xử lý?” - một người dân địa phương đặt câu hỏi.

Để làm rõ những vấn đề trên, phóng viên Báo PLVN đã liên hệ làm việc với UBND huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Huyện này bảo phóng viên làm việc với UBND xã Đa Tốn trước. Còn UBND huyện Gia Lâm phải sau ngày 27/5/2020 mới làm việc được. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ làm việc với UBND xã Đa Tốn thì vẫn chưa nhận được câu trả lời của xã này. 

Vậy lý do vì sao mà UBND xã Đa Tốn lại có dấu hiệu “chây ỳ” không thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm và UBND huyện Gia Lâm sẽ có hình thức xử lý như thế nào. Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sau khi nhận được câu trả lời của chình quyền địa phương về vấn đề này.

Đọc thêm