Giá rau xanh tại các chợ dân sinh tăng cao vào đầu năm mới

(PLO) - Đã thành thông lệ, cứ gần Tết và một vài tuần đầu sau Tết, giá cả các loại thực phẩm, rau xanh sẽ tăng lên, nhưng chưa năm nào giá bị đội lên cao như năm nay khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng. Và như vậy, bài ca thời bão giá sau Tết vẫn tiếp tục lặp lại, đi theo từng hộ gia đình trong nhiều năm trở lại đây – đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Chợ dân sinh ngày đầu năm mới giá cả tăng cao.

Thời tiết dịp tết Nguyên đán Bính Thân năm nay có thể nói là khá thuận lợi cho các hoạt động du xuân, chúc tết của người dân. Cùng với đó, nhiệt độ cao như hai tuần trở lại đây khiến cho nhu cầu về thực phẩm rau củ quả của hầu hết các hộ gia đình tăng mạnh. Nhiều nhà có thói quen mua dự trữ các mặt hàng thực phẩm, rau xanh từ trước tết để phục vụ tiêu dùng.

Năm nay, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố đã bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại từ ngày mùng 3 tết để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá cả tương đối ổn định, không có quá nhiều biến động tăng về giá so với trước tết.

Tuy nhiên, dạo quanh một số khu chợ của thành phố Hà Nội vào những ngày đầu năm mới, nhiều sạp hàng còn chưa mở cửa. Chủ yếu bày bán trở lại là các sạp hàng rau, quả và một vài hàng thịt, cá. Hầu hết các hàng rau xanh là hàng mới lấy sau tết để đảm bảo độ tươi, ngon của thực phẩm.

Theo khảo sát nhanh của PV tại các chợ dân sinh thì mặt hàng chủ yếu tăng giá là mặt hàng rau xanh so với bình thường. Tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, rau muống tăng từ 6.000 đồng trước tết lên 10.000 đồng/bó, su hào 3.000 đến 5.000 đồng/củ nay được bán với giá 10.000 đến 15.000/củ…

 Nhiều người dân lựa chọn phương án mua hàng ở siêu thị để được yên tâm hơn về giá.

Lý giải cho nguyên nhân tăng giá gấp 2 – 3 lần so với bình thường như vậy, chị Hà – tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho biết do giá nhập ở chợ đầu mối tăng, thời tiết nắng nóng cùng với người dân tiêu dùng nhiều thực phẩm giàu chất đạm/mỡ/đồ ngọt trong mấy ngày tết nên cơ thể “háo nước”, “háo rau xanh”.

Bà Lộc - một người dân sống ở khu vực Quận Hai Bà Trưng, thường đi chợ ở chợ Trại Găng – Phường Thanh Nhàn cho biết, giá cả nhiều mặt hàng rau xanh tăng khá cao. Ví dụ cà chua, ngày 4 tết có giá bán 40.000 đồng/kg trong khi ngày thường dao động 10.000d đến 15.000 đồng/kg; cải bắp lên giá là 25.000 đồng/cân (bình thường là 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg), thịt bò, thịt lợn cũng tăng lên so với trước tết vài giá do đầu năm, nhiều tiểu thương chưa hoạt động kinh doanh trở lại và cũng một phần vì tâm lý không sát sinh dịp đầu năm mới.

Trả lời cho câu hỏi tại sao không vào siêu thị mua thực phẩm vừa yên tâm hơn về chất lượng vừa được đảm bảo về giá, bà Lộc chia sẻ phần vì điểm siêu thị gần nhà nhất chưa mở cửa, phần vì khoảng cách địa lý từ nhà ra chợ gần hơn so với đến siêu thị và cũng vì còn e dè chất lượng rau xanh ở siêu thị chưa thực sự tạo được tin tưởng nên bà vẫn chọn phương án đi chợ gần nhà để có dịp đi bộ, vận động cơ thể tuổi già.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân ở mức tối đa, theo đó, nhiều cửa hàng, siêu thị đã duy trì nhiều điểm bán hàng xuyên Tết. Điều này đã góp phần đảm bảo bình ổn giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân và hạn chế được tình trạng khan hiếm hàng sau Tết.

Tuy nhiên, với tập quán cũng như thói quen sinh hoạt chợ còn tồn tại lâu đời trong dân cư, việc ổn định giá cả tại các khu chợ dân sinh trong thành phố còn nhiều bất cập. Vì vậy, bài ca giá cả leo thang sau mỗi dịp tết Nguyên đán vẫn đang là bài ca muôn thuở và lặp lại qua hàng năm./.

Đọc thêm