Giá lợn hơi âm thầm tăng cao
Giá thịt lợn hơi tại các hộ chăn nuôi và các công ty đã có thời điểm giảm xuống còn khoảng 74.000-75.000 đồng/kg. Nhưng ngay tại thời điểm đó, giá bán tại siêu thị và các chợ dân sinh vẫn còn khá cao. Tại các siêu thị, giá thịt lợn vẫn được niêm yết với mức giá trên 200.000 đồng/kg, dù đã có thông báo giảm giá từ 10-15%.
Giá thịt lợn hơi bắt đầu giảm từ 90.000 đồng/kg xuống 75.000 đồng/kg sau khi một số DN nhập thịt lợn Thái Lan cùng với heo nái Thái Lan với mục đích tăng đàn. Cùng thời điểm đó, dịch Covid-19 trở lại nên giá lợn hơi đã từng xuống và “neo” khá lâu ở mức giá khoảng 74.000-75.000 đồng/kg.
Nhưng ngay sau khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, hàng quán được mở lại, trẻ em bắt đầu đến trường, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tăng cao đột biến so với hồi đầu năm thì giá thịt lợn hơi đã có dấu hiệu tăng lên.
Cập nhật gần đây cho thấy, giá thịt lợn hơi hồi đầu tuần bất ngờ tăng tốc, lên tới 85.000 đồng/kg và tùy theo diễn biến từng vùng. Trong tuần này, giá thịt lợn hơi nhích lên, nhích xuống khoảng 1.000-2.000 đồng/kg/ngày. Đến hôm qua đã giảm xuống còn… từ 80.000-82.000 đồng/kg, cá biệt có địa phương giá vẫn ở mức 84.000 đồng/kg. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, giá thịt lợn hơi ở mức cao này sẽ kéo dài đến cuối năm và chỉ dừng lại khi tái đàn nhiều.
Báo cáo tháng 8/2020 về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, chăn nuôi lợn đang dần được hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nhưng công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao (khoảng 3 triệu đồng/con), các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn. Trong tháng 8, tổng số lợn giảm khoảng 4%.
Đại diện Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Nội cho biết, dự báo việc tái đàn ở Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn do đầu tháng 9, DTLCP đã tái phát tại 2 huyện Chương Mỹ và Đông Anh, làm chết và tiêu hủy trên 60 con lợn, với trọng lượng trên 1.500kg.
Và chưa có dấu hiệu… hạ
Ông Đỗ Văn Khanh, một chủ hộ chăn nuôi ở Văn Giang, Hưng Yên cho biết, hiện các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa dám nghĩ đến chuyện tái đàn. Chỉ có các hộ chăn nuôi lớn mới nghĩ đến chuyện tái đàn vì chăn nuôi lợn trong thời điểm này vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp do giá con giống cao, giá các loại cám cũng được đẩy lên cao. Bên cạnh đó, lượng người nuôi lợn thịt đã tăng dần nên số lượng nuôi heo nái giảm. Nếu số heo nái giảm thì giá thịt lợn hơi sẽ càng tăng.
Trước đây, một số doanh nghiệp đã nhập heo nái Thái Lan với hy vọng có thể sớm hạ nhiệt được thị trường trong nước. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, số lượng heo giống nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 32 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đại diện Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Nội cho biết, dù nhập nhiều heo giống nhưng cũng không thể hạ nhiệt thị trường sớm được do theo chu kỳ chăn nuôi, phải từ 6-12 tháng nữa giá lợn giống mới có thể xuống thấp. Kỳ vọng về số lượng con giống có thể tăng lên nhưng cũng chưa thể dự báo thị trường này sẽ như thế nào do những bất ổn từ thị trường thế giới và các nước trong khu vực cũng như Trung Quốc.
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos vừa công bố mới đây cho rằng, do ảnh hưởng DTLCP, dự kiến đến tháng 10 năm nay, Việt Nam vẫn thiếu 1 triệu con heo. Bước sang năm 2021, khoảng cách cung cầu dần thu hẹp nhưng tình hình vẫn khó. Dự báo đến tháng 4, lượng heo thiếu hụt vẫn ở mức 720.000 con và tháng 10/2021 là 200.000 con.
Điều này cũng là lo lắng của một chuyên gia kinh tế khi cho rằng thịt lợn hơi cung cấp cho Việt Nam sẽ trở nên khó khăn khi các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu lợn từ Thái Lan về nhưng không mang lại lợi nhuận nên họ sẽ dừng nhập khẩu, chưa kể tới chuyện giá nhập từ Thái Lan cũng đã tăng đáng kể. Bên cạnh đó, thương lái trong nước cũng vẫn có hiện tượng mua gom lợn để xuất lậu sang bên kia biên giới. Do đó, thị trường lợn hơi ở Việt Nam sẽ còn lên cao nữa, ít nhất cho tới Tết Nguyên đán.