Chênh lệch lại lên mức rất cao sau gần 1 năm ổn định
Có thể nói, tuần này là tuần tăng nóng của giá vàng trong nước cũng như thế giới. Trong đó, giá trong nước tăng mạnh hơn so với đà tăng của giá thế giới. Thậm chí, có thời điểm, chỉ trong một buổi sáng, giá vàng tăng 8 triệu đồng/lượng khi giá thế giới liên tục leo cao. Tình trạng này khiến người dân không khỏi “sốc” tâm lý và thị trường vàng lại nóng bỏng như khoảng 1 năm trước đây khi tình trạng hàng dài xếp hàng mua bán vàng tái diễn sau nhiều tháng.
Đến ngày hôm qua (18/4) đà tăng của giá thế giới đã giảm và chững lại nhưng vàng trong nước vẫn tiếp tục niêm yết với giá tăng. Theo đó, đầu giờ sáng 18/4, Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ ở mức 114 - 117 triệu đồng/lượng (mua - bán). Các thương hiệu khác niêm yết giá vàng nhẫn nhỉnh hơn 1 triệu đồng/lượng và hầu hết giảm hoặc giữ nguyên giá mua vào và tăng chiều bán ra.
Giá vàng miếng của SJC cũng niêm yết tăng đến 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và đắt hơn 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên giao dịch ngày trước đó, lên mức 117 - 120 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đây cũng là mức giá của nhiều thương hiệu vàng khác niêm yết. Tuy vậy, vẫn có cửa hàng vàng niêm yết mức giá cao nhất lên đến 122 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày giá vàng miếng SJC đã tăng thêm đến 13 - 14 triệu đồng/lượng - mức tăng kỷ lục trong vòng nhiều tháng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao ngay ngày 18/4 ở mức 3.327 USD/ounce, giảm gần 2 USD/ounce so với đêm trước đó. Giá vàng giao tương lai tháng 6/2025 trên sàn Comex New York ở mức 3.341 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD được các ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết, giá vàng thế giới đang ở mức khoảng 105,5 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí) và thấp hơn khoảng 14,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước. Một số nhà bán vàng đã có “cảnh báo” thị trường khi thẳng thắn thông tin “giá vàng trong nước đang chênh rất cao so với giá vàng thế giới” và khuyến nghị khách hàng nên thận trọng khi quyết định mua - bán vàng trong giai đoạn này.
Trước đó, tính đến đầu tháng 4/2025, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ khoảng 3 - 4,5 triệu đồng/lượng, hy hữu mới có thời điểm chênh lệch 5 triệu đồng/lượng nhưng chỉ neo ở khoảng thời gian rất ngắn. Mức chênh lệch 3 - 5 triệu đồng/lượng duy trì trong khoảng gần 1 năm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định “bơm” vàng miếng ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước.
Đề xuất ngân hàng thương mại nhà nước được nhập khẩu vàng
Trao đổi với Báo PLVN, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới là điều bình thường, tâm lý người dân khi xếp hàng mua - bán vàng trong tuần cũng không phải là điều khó hiểu và chưa từng xảy ra.
“Đó là tâm lý mua bán bình thường của người dân bởi sau nhiều biến động của thế giới, vàng đang là kênh trú ẩn an toàn của nhiều đối tượng” - ông Khánh nhận định. Theo ông Khánh, cầu thế giới tăng cao thì giá tăng cũng là điều được dự đoán. Tuy nhiên, giá tăng cao đến mức lên đến 3.327 USD/ounce thì nằm ngoài dự đoán, kịch bản của giới đầu tư trong nước cũng như các dự báo thế giới, bởi trước đó, hầu hết các dự đoán đều cho rằng phải đến năm 2026, giá vàng mới lên đến ngưỡng 3.300 USD/ounce.
Ông Khánh cũng cho rằng, sau gần 1 năm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được giữ ổn định khi NHNN đã có thêm nguồn cung ra thị trường thì thời điểm này, NHNN cũng nên cân nhắc tiếp tục “bơm” thêm nguồn cung ra thị trường. Bởi mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã lên đến mức tương tự như trước thời điểm vàng được nhà nước bơm thêm qua kênh các NHTM nhà nước. Khi có nguồn cung, giá sẽ giảm, chênh lệch sẽ giảm theo và như vậy, “cơn sốt” giá vàng cũng “hạ nhiệt”.
“Trong thời điểm hiện nay, nếu không có nguồn cung tăng thêm thì mức giá chênh lệch cũng vẫn sẽ tăng thêm trong các ngày tới, điều này sẽ gây ra nhiều rủi ro cho thị trường và người dân” - ông Khánh khẳng định.
Ngoài ra, ông Khánh cũng đề xuất, để giữ ổn định giá vàng trong nước so với giá thế giới, đặc biệt trong các chu kỳ tăng nóng của thế giới, cần phải để cho các NHTM nhà nước được nhập khẩu vàng để cung cấp thêm nguồn cung ra thị trường, trả lại đúng chức năng quản lý cho NHNN. Việc các NHTM nhà nước tham gia kinh doanh vàng cũng không phải là vấn đề khó khăn vì họ sẽ có cách để quản trị rủi ro với mặt hàng vàng này.
Về đề xuất phát hành chứng chỉ nhận vàng mà nhiều chuyên gia đề xuất, ông Khánh cho rằng “nếu làm được thì rất tốt nhưng không đơn giản” bởi để làm được việc này phải do NHNN “đứng ra”. “Kể cả phát hành chứng chỉ nhận vàng thông qua các NHTM nhà nước cũng chưa chắc khiến người dân an tâm bởi tâm lý và niềm tin của người dân khi ít chấp nhận đầu tư cả vài trăm triệu hoặc tỷ đồng để nhận lại loại hình “vàng giấy” - ông Khánh nhận định.
Không để trục lợi, đầu cơ trên thị trường vàng
Ngày 18/4, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 3332/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước. Theo đó, xét báo cáo nhanh của Văn phòng Chính phủ về tình hình diễn biến giá vàng trong nước ngày 18/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 4/4/2025; chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.
Thanh Trà