Ethanol: cầu đang vượt cung
Tính đến thời điểm này, đã có 5/26 đầu mối triển khai hoạt động các trạm trộn xăng E5, gồm: Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro, Mipec (Cty TNHH MTV - Tổng Cty Xăng dầu Quân đội) và Cty CP thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu. Bên cạnh 5 thương nhân đầu mối này còn có 02 thương nhân đã triển khai trạm trộn nhưng chưa đưa vào hoạt động (Cty TNHH MTV thương mại dầu khí Đồng Tháp và Tổng Cty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV).
Ngoài ra, một số doanh nhân đầu mối khác cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư trạm trộn để sớm đưa vào hoạt động trong năm 2018 như Cty CP Đầu tư Nam Phúc, Cty CP Thiên Minh Đức, Cty CP Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt, Cty TNHH MTV Hải Linh...
Tuy nhiên, vấn đề về nguồn cung ethanol vẫn được đặc biệt quan dù thông tin “đảm bảo đủ ethanol để cung cấp” đã được phát đi từ nhiều nguồn. Bộ Công Thương khẳng định, khoảng giữa tháng 12/2017, việc lựa chọn và ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác để vận hành lại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất sẽ được hoàn tất.
Đại diện Bộ này cũng cho biết, hiện PVOil vẫn đang tích cực phối hợp với Cty CP Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) rà soát, xây dựng phương án khởi động vận hành Nhà máy sinh học Bình Phước như: tuyển dụng nhân sự vận hành, làm việc với các khách hàng mua E100, lựa chọn nhà thầu và triển khai bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, công tác kiểm định thiết bị, xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy, xả thải, chuẩn bị phương án thu mua nguyên nhiên vật liệu...
Ông Vũ Kiên Chỉnh, Giám đốc Cty Tùng Lâm (Cty duy nhất đang vận hành 2 nhà máy nhiên liệu sinh học) thông tin, hiện ở Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất ethanol, trong đó nhà máy ở Đồng Nai có công suất 60.000 tấn/năm; nhà máy ở Quảng Nam chạy 90% công suất, cung cấp khoảng 40.000 tấn/năm. Dự kiến, 2 nhà máy này sẽ cung cấp khoảng 6.000m3/tháng.
Nếu theo đúng dự kiến, trong tháng 12 này, Nhà máy Bình Phước chạy không tải thì PV Oil có thể cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 tấn/năm, ngay trong tháng 1/2018, nhà máy sẽ chạy khoảng 60-70% công suất.
Ông Chỉnh cũng cho biết, toàn bộ sản phẩm của 2 nhà máy ở Đồng Nai và Quảng Nam chủ yếu dành cho xuất khẩu. Nhưng kể từ khi ráo riết chạy cho kịp thời hạn 01/01/2018 của Chính phủ thì trong tháng 10/2017 Tùng Lâm chỉ xuất khoảng 2.000m3. Mặc dù lo lắng nếu bỏ toàn bộ xuất khẩu cũng khá mạo hiểm, nhưng ông Chỉnh khẳng định, ít nhất trong thời điểm 2 nhà máy nhiên liệu sinh học chưa vận hành được thì Tùng Lâm sẽ cố gắng cáng đáng trách nhiệm của mình. Hiện Tùng Lâm đã nhận đơn hàng từ Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro và Xăng dầu Quân đội với khoảng 11.000 tấn.
Ông Chỉnh khẳng định, hiện thời mới có 2 nhà máy sản xuất thì sản lượng cầu đang vượt cung. Nhưng nếu Bình Phước chạy đúng tiến độ thì nguồn cung ethanol không phải là vấn đề lớn, thậm chí có thể thừa. Và Tùng Lâm có thể đáp ứng được đơn hàng trong tháng 01/2018.
Giá xăng E5 luôn thấp hơn so với A95
Điều mà các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng E5 lo lắng chính là Chính phủ phải thực hiện cơ chế giá như thế nào để đảm bảo, giá chênh lệch giữa 2 loại xăng luôn ở mức trên 1.000 đồng/lít. Theo đại diện các doanh nghiệp, đây chính là điều kiện cần để đề án này của Chính phủ thành công. Và vấn đề cũng đã được giải quyết khi mới đây, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, chắc chắn giá chênh lệch giữa 2 loại xăng này luôn ở mức trên 1.000 đồng/lít.
Cụ thể hơn, đại diện Bộ Công Thương viện dẫn, theo các quy định, hướng dẫn hiện hành, cơ cấu tính giá xăng E5 hiện nay có nhiều ưu đãi hơn so với xăng khoáng, chẳng hạn như thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng là 10% trong khi đó xăng E5 chỉ 8%, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng là 3.000 đồng/lít, trong khi xăng E5 là 2.850 đồng/lít, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng khoáng là 300 đồng/lít trong khi đó xăng E5 không áp dụng việc trích lập Quỹ...
Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PV Oil cũng khẳng định, mức giá giữa xăng E5 và xăng A92 luôn được giữ ở mức chênh nhau khoảng hơn 1.000 đồng. Cụ thể, hiện nay, giá bán xăng E5 đang thấp hơn xăng khoáng RON95 từ 1.040-1.240 đồng/lít. Theo ông Dương, ngoài điều kiện cần về chênh lệch giá, điều kiện đủ để đề án của Chính phủ thành công chính là việc tuyên truyền để người dân tích cực sử dụng xăng E5, phải làm sao để người dân hiểu được lợi ích của xăng E5 và khẳng định E5 đã được dùng rất phổ biến trên thế giới, thậm chí có quốc gia đã dùng đến E85.
Tính đến thời điểm này, tất cả các cửa hàng của Petrolimex ở các tỉnh, thành phố lớn đã đồng loạt dừng bán xăng A92. Còn PV Oil sẽ chính thức dừng bán xăng A92 kể từ ngày 15/12/2017. Tuy nhiên, điều mà “2 ông lớn” hiện đang chiếm đến 70% thị phần bán lẻ xăng dầu lo lắng chính là việc chỉ có thể thực hiện đề án ở các cửa hàng do mình quản lý và vận hành, còn các đại lý vẫn chưa có chế tài nào để xử lý và ràng buộc họ chấp hành chủ trương.