Giải cứu đến bao giờ ?

(PLO) - Suốt một tuần qua, phàm là người Việt Nam ai cũng quan tâm đến số phận con lợn thịt của nông dân. Giá thịt lợn rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay và đây cũng là mức giá thấp nhất trên thế giới. Người chăn nuôi lợn khóc đứng, khóc ngồi.
Ảnh minh họa từ internet.

Cuối tuần quan, Bộ NN&PTNT có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề nghị khẩn trương vào cuộc ổn định tình hình chăn nuôi lợn. Trong đó, khẩn thiết mong muốn tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi.

Gần như cả “hệ thống chính trị” nhất là các ngành “đông quân” như Quân đội, Công an; “đông tiền” như Ngân hàng đều đã “vào cuộc”.

Mong cho đợt “giải cứu” thành công.

Qua chuyện này thấy thương bà con nuôi lợn, xót xa ngành chăn nuôi Việt Nam mãi lận đận.

Ngày 16/01/2008, cách đây gần 10 năm Chính phủ có Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020”. Về quan điểm phát triển có 4 quan điểm:

1. Phát triển ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá, từng bước đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2. Tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện an sinh xã hội, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh như lợn, gia cầm, bò; đồng thời phát triển sản phẩm chăn nuôi đặc sản của vùng, địa phương.

4. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống chuyển dần sang phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp.

Về đàn lợn, Quyết định trên xác định đến năm 2020: “Tổng đàn lợn tăng bình quân 2,0% năm, đạt khoảng 35 triệu con, trong đó đàn lợn ngoại nuôi trang trại, công nghiệp 37%”.

Về giải pháp, mục đích của phần quy hoạch xác định “Quy hoạch, tổ chức lại hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hoá, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và xử lý môi trường”.

Về giải pháp thương mại, nói nôm na là bán lợn, Quyết định của Thủ tướng yêu cầu “tổ chức lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm gắn với cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua bán sản phẩm, như sử dụng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm qua chế biến, hạn chế hình thức chợ cóc, chợ tạm, lòng đường, vỉa hè... Triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm, phát triển thị trường”.

Bao giờ đàn lợn và nói chung gia cầm và các nông sản Việt Nam có thị trường bền vững không phải thi thoảng giật mình vì “giải cứu”?. Câu trả lời không phải phía nhà nông?.

Đọc thêm