Đường nông thôn mới không xâm phạm đất rừng
Trong thời gian vừa qua, có nhiều thông tin phản ánh về việc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai đã lợi dụng xây dựng đường nông thôn mới để cho doanh nghiệp phá rừng đặc dụng Thần Sa, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã vào cuộc xác minh. Được biết, đây là tuyến đường nhánh từ ngã ba suối Phung (gọi là ngã ba Ngọc Sơn II ) đi xóm Xuyên Sơn, tiền thân là một con đường mòn đã có từ lâu đời và là con đường độc đạo để người dân sinh sống ở xóm Xuyên Sơn đi lại.
Xuất phát từ điều kiện thực tế nhu cầu và ý nguyện của 97 hộ gia đình trong xóm, năm 2015 xóm Xuyên Sơn đã có đơn đề nghị UBND xã Thần Sa cho mở rộng và nâng cấp tuyến đường trên nền đường mòn cũ, làm đường bê tông theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết, trước đây con đường mòn đó gập ghềnh, đi lại rất khó khăn, đặc biệt khi mùa mưa bão người dân đi lại rất khổ vì trơn trượt. Để việc sinh hoạt, đi lại của gần 400 nhân khẩu sinh sống tại xóm Xuyên Sơn được an toàn và thuận tiện, UBND xã Thần Sa đã báo cáo UBND huyện Võ Nhai về việc xây dựng đề án đường nông thôn mới đối với con đường này và đã được UBND huyện chấp thuận.
Được biết, tuyến đường nằm trong đề án xây dựng nông thôn mới xã Thần Sa, hai giai đoạn, từ năm 2012 đến năm 2020, với tổng chiều dài 5km, đã được phê duyệt theo Quyết định số 121a/QĐ-UBND ngày 9/9/2015 của UBND xã Thần Sa. Theo phê duyệt thì đây là con đường bê tông dài 530m, giai đoạn 2 quy mô dài 1.000m với bề rộng mặt đường bê tông 3,5m.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Văn Thanh cho biết, hiện nay tuyến đường này đang làm được gần 2km và kế hoạch sẽ hoàn thành đến năm 2020 và để có con đường rộng và sạch đẹp như ngày hôm nay là được Nhà nước hỗ trợ về vật liệu xây dựng, người dân xóm Xuyên Sơn tham gia đóng góp về công sức và đặc biệt Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long giúp đỡ toàn bộ về máy móc.
Thông tin về việc doanh nghiệp phá rừng đặc dụng Thần Sa để mở đường đã có lời giải đáp từ phía chính quyền địa phương và cho thấy và sự thật hoàn toàn trái ngược với tin đồn.
Đây là con đường độc đạo đi từ ngã ba Ngọc Sơn II đến xóm Xuyên Sơn xã Thần Sa đã được UBND huyện Võ Nhai phê duyệt làm đường nông thôn mới |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Lịch, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, khẳng định: “Không có việc doanh nghiệp chặt phá rừng đặc dụng Thần Sa để làm đường như một số cơ quan truyền thông thông tin vừa qua. Con đường đó được làm trên toàn bộ đất ở của 5 hộ dân được UBND huyện cấp sổ đỏ, họ đã tự nguyên hiến đất cho UBND xã Thần Sa mở rộng làm đường nông thôn mới”.
Xây dựng đình, chùa lấn đất rừng đặc dụng là câu chuyện được “thêu dệt”
Ngoài những thông tin không chính xác về việc mượn danh xây dựng đường nông thôn mới để phá rừng đặc dụng Thần Sa, còn có thông tin phản ánh về việc Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long xây dựng đền, chùa trên đất rừng đặc dụng.
Về vấn đề này, người dân sinh sống tại xóm Xuyên Sơn cho biết, ngôi chùa này có tên là Bản Ná đã có từ xa xưa, rất lâu đời. Đây là nơi thờ cúng rất linh thiêng để dân bản chúng tôi thờ tự và hàng năm tổ chức lễ hội chùa vào tháng riêng và tháng 7 để cầu cho cuộc sống mỗi gia đình an bình và mùa màng được bội thu. “Vì xuống cấp và hư hỏng nên đã được chủ doanh nghiệp tu sửa và nâng cấp thành ngồi đền, chùa khang trang như hiện nay, dân bản chúng tôi vô cùng phấn khởi”, một người dân ở đây cho biết thêm.
Được biết, việc tu sửa và nâng cấp đền, chùa Bản Ná trên nền đất cũ Công ty Thăng Long đã có văn bản báo cáo xin ý kiến của Ban Tôn giáo và Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên và chính quyền địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao.
Với vai trò là cơ quan chuyên trách, ông Nguyễn Quang Lịch, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng cho biết: “Trong quá trình hoạt động khai thác mỏ của Công ty Thăng Long không xâm lấn vào rừng đặc dụng do Ban Quản lý làm chủ rừng và chưa có tác động tiêu cực nào ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Việc Công ty Thăng Long Xây dựng nhà điều hành là diện tích đất của Công ty được giao trong Dự án và một phần đất mua lại của những hộ dân và tu sửa đền, chùa Bản Ná hoàn toàn nằm trên nền đất cũ, chứ không có xâm lấn đến cây cối của đất rừng”.
Để có thông tin khách quan, minh bạch về vấn đề trên, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ làm việc với UBND huyện Võ Nhai. Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: Thực hiện theo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được Chính phủ quy định và UBND huyện phê duyệt thực hiện xây dựng đề án nông thôn mới là hoàn toàn đúng với quy định và ý nguyện của người dân. Còn việc doanh nghiệp sửa chữa, nâng cấp đền, chùa cũng không xâm phạm đến rừng đặc dụng như một số thông tin phản ánh.
Được biết, trước những thông tin “nóng” của sự việc trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành để tiến hành kiểm tra, xác minh những thông tin mà cơ quan tuyền thông phản ánh, ngày 23/8/2018 tại Hội trường UBND xã Thần Sa Sở NN & PTNT tỉnh Thái Nguyên chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan để tiến hành kiểm tra. Qua buổi làm việc và đối chiếu với kết quả kiểm tra tại thực địa đoàn liên ngành nhận định không có việc phá rừng đặc dụng Thần Sa để mở đường và việc xâm chiếm rừng đặc dụng để xây dựng chùa, đền.
Làm việc với phóng viên, ông Nông Xuân Bắc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, theo một số thông tin phản ánh vừa qua về việc Công ty Thăng Long phá rừng đặc dụng ở Thần Sa làm đường và xâm chiếm đất rừng đặc dụng để xây chùa, đền là chưa có sự kiểm chứng và sự việc này đã được lãnh đạo Sở báo cáo kết quả kiểm tra lên lãnh đạo UBND tỉnh.