Hàng rong chèo kéo, taxi lừa đảo
Theo Sở Du lịch, tình trạng taxi thu quá cước và chiếm đoạt tài sản khách du lịch nước ngoài gia tăng đột biến. Báo cáo của Công ty Vinasun thể hiện, có khoảng 25 trường hợp taxi nhái nhãn hiệu Vinasun có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản du khách.
Số taxi nhái nhãn hiệu chủ yếu tập trung tại Chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, sân bay Tân Sơn Nhất. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã xử lý 44 trường hợp taxi vi phạm về sử dụng tên, logo, điện thoại không đúng với tên đăng ký với cơ quan chức năng. Sở Du lịch đã phối hợp xử lý 4 vụ taxi, xích lô thu quá cước vận chuyển.
Bên cạnh đó, những vấn đề phức tạp tồn tại từ lâu như buôn bán hàng rong, đánh giày chèo kéo đeo bám du khách, cướp giật móc túi, vệ sinh môi trường mỹ quan đô thị chưa chuyển biến tích cực, nếu có chỉ mang tính tạm thời.
Tình hình tái diễn phức tạp sau các đợt ra quân xử lý. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm, Công viên Bách Tùng Diệp, lực lượng chức năng nhắc nhở 124 trường hợp mua bán hàng rong, chèo kéo; đẩy đuổi 322 trường hợp dừng đậu các phương tiện mua bán hàng rong, đeo bám du khách...
Còn theo báo cáo của Công an TP, trong 9 tháng năm 2019, xảy ra 68 vụ xâm phạm tài sản người nước ngoài (tăng 16 vụ so với cùng kỳ 2018), khám phá 33 vụ, bắt 35 đối tượng. Thực tế số khách du lịch nước ngoài bị cướp giật nhiều hơn số vụ việc cơ quan chức năng thụ lý.
Chỉ tính riêng tại khu vực Khách sạn Nikko (quận 5), trong 9 tháng xảy ra 39 vụ khách nước ngoài bị cướp giật, lừa chiếm đoạt tài sản, 3 vụ mất hộ chiếu. Mặc dù số tài sản mất không nhiều nhưng đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của TP nói riêng và Việt Nam nói chung.
Một số gái bán dâm nước ngoài bị bắt quả tang tại TP HCM. |
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã cung cấp hồ sơ đề nghị Công an TP điều tra 2 vụ (Công ty CP Dream Holliday và Công ty Golux) có dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh du lịch. Đã khởi tố 1 vụ DN lữ hành lừa đảo du khách, khởi tố tạm giam 1 đối tượng; kiểm tra Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Hưng Phát (số 1176, tỉnh lộ 15, ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) có hành vi tổ chức “tour du lịch 0 đồng”.
Công an TP cũng xử lý 104 người nước ngoài lợi dụng việc thông thoáng trong xét duyệt thị thực, đã nhập cảnh Việt Nam để bán dâm, môi giới mại dâm, đánh bạc, lừa đảo qua internet...
Giải pháp trả lại mỹ quan đô thị
Sở Du lịch cho biết, công tác phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng cướp giật luôn được triển khai thực hiện nhưng việc điều tra làm rõ đối tượng, trả lại tài sản, giấy tờ... cho nạn nhân chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chứng cứ điều tra xác minh bị hạn chế do du khách không cung cấp đủ, do thủ phạm hoạt động tinh vi không để lại dấu vết...
Riêng việc bán hàng rong tồn tại thời gian dài, Sở Du lịch nhìn nhận, giải quyết phải đi đôi với tạo việc làm, mưu sinh; trong khi các Trung tâm Bảo trợ xã hội không đủ việc làm để giải quyết vấn đề này. Các biện pháp đòi hỏi phải có nguồn kinh phí và cơ sở vật chất như lắp đặt biển báo, kho cất giữ các vật dụng phương tiện bán hàng rong... trong khi nguồn kinh phí, cơ sở vật chất ở cấp cơ sở còn thiếu và hạn chế.
Ngoài ra, lực lượng chức năng không đủ để duy trì việc bố trí tuần tra, kiểm soát 24/24h tại hầu hết các địa bàn; số phần tử xấu, người bán hàng rong luôn tìm cách đối phó với việc kiểm soát; thậm chí hành hung đe dọa.
Việc triển khai kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của đội trật tự du lịch chậm so với dự kiến do việc tuyển quân gặp nhiều khó khăn, biến động quân số.
Sở Du lịch đánh giá, thời điểm cuối năm, dự báo lượng du khách nước ngoài sẽ tiếp tục tăng. Sở Du lịch kiến nghị UBND TP chỉ đạo ngành công an tiếp tục triển khai các lực lượng tuần tra, kiểm soát; triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự công cộng; tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, khai báo tạm trú của người nước ngoài…
Sở Giao thông Vận tải, Hiệp hội taxi tiếp tục triển khai biện pháp nhằm bảo vệ thương hiệu và giải quyết triệt để tình trạng taxi nhái nhãn hiệu; đăng ký đồng phục, bảng tên, niêm yết điện thoại đường dây nóng của Thanh tra Giao thông.
Riêng UBND các quận 1, 3, 5 phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan theo dõi nắm bắt tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh, cảnh quan môi trường, thực hiện văn hóa, văn minh du lịch tại các địa điểm tham quan.
Lực lượng trật tự viên bảo vệ du khách cần tập trung triển khai hiệu quả Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội trật tự du lịch; tiếp tục tuần tra canh gác tại các tuyến trọng điểm, xác định địa bàn phức tạp thường xảy ra các vụ cướp giật, chèo kéo đeo bám du khách để bố trí lực lượng hỗ trợ cho phù hợp.
Sở Du lịch TP HCM cho biết, tình trạng sử dụng “địa chỉ ảo” để làm thủ tục nhập cảnh Việt Nam cũng đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý người nước ngoài. Theo thống kê của công an, từ đầu năm đến nay, có 2.144.844 lượt người nước ngoài tạm trú tại TP (tăng 349.213 so với cùng kỳ).
Cơ quan chức năng đã kiểm tra 97 điểm có người nước ngoài cư trú, phát hiện 151 người sử dụng thị thực du lịch để hoạt động nghề nghiệp trái quy định (như nhân viên nhà hàng, giúp việc nhà, dạy yoga, dạy ngoại ngữ). 114 trường hợp đã bị phạt tiền, buộc xuất cảnh 4 trường hợp, trục xuất 9 trường hợp, yêu cầu xuất cảnh 24 trường hợp; khóa 37 “địa chỉ ảo” trên trang khai báo tạm trú.
Tình hình người nước ngoài, Việt kiều vi phạm pháp luật Việt Nam vẫn ở mức cao. Họ lợi dụng mục đích du lịch nhập cảnh rồi trốn ở lại tìm việc làm, trình độ thấp, tài chính hạn chế, ý thức pháp luật kém; thường xuyên thay chỗ ở, dùng nhiều thủ đoạn né tránh việc kiểm tra, không khai báo tạm trú, sống lang thang... Nhiều trường hợp buộc xuất cảnh nhưng vẫn tìm cách trốn ở lại gây khó khăn cho công tác quản lý.