"Giải pháp vàng" chống oan, sai

(PLO) -  Sáng nay (15/9), tại hội thảo “công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung – tác động đa chiều” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, đa số chuyên gia đều nhìn nhận, “quyền im lặng” là giải pháp “vàng” để không còn những câu chuyện oan, sai trong tố tụng hình sự (TTHS) như thời gian qua.
“Quyền im lặng” là qui định mới trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi) về quyền của người bị buộc tội trong hoạt động TTHS để họ không “tự chống lại mình, tự làm hại chính mình”. Nhưng “quyền im lặng” không có nghĩa là “không nói gì” - GS.TS.Đào Trí Úc – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội  lý giải.
PGS.TS.Trần Văn Độ - Ủy viên Ủy ban tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, “quyền im lặng” của người bị buộc tội đi kèm với nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo các nguyên tắc và các quyền liên quan như quyền được cảnh báo buộc tội, quyền bào chữa, nguyên tắc “suy đoán vô tội”, chống bức cung, dùng nhục hình…
Từ hoạt động luật sư, LS.Nguyễn Chiến nhấn mạnh, ghi nhận “quyền im lặng” sẽ tạo ra những đột phá trong công tác điều tra, phá án, không còn những câu chuyện oan sai như thời gian qua. Muốn “quyền im lặng” phát huy tác dụng bảo đảm quyền con người trong TTHS, phải thay đổi qui trình tố tụng, tư duy “trọng cung hơn trọng chứng”, căn cứ vào chứng cứ để buộc tội…
Tuy nhiên, TS.Nguyễn Văn Hương – Chủ nhiệm bộ môn Luật hình sự, Đại học Luật Hà Nội chỉ ra, các vụ án chỉ có rất ít thông tin, người bị buộc tội có xu hướng chối tội, có hành vi xóa dấu vết tội phạm, che giấu hành vi phạm tội… nên lời khai của người bị buộc là căn cứ giúp các cơ quan điều tra và cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách  quan của vụ án. 
Do đó, thực hiện “quyền im lặng” sẽ là một khó khăn, thách thức cho hoạt động TTHS, có thể dẫn đến bế tắc trong giải quyết vụ án. Theo pháp luật hiện hành, trách nhiệm chứng minh một người có tội hay không có tội thuộc về nhà nước dù người đó có thừa nhận hay không thừa nhận tội phạm, hợp tác hay không hợp tác trong việc điều tra làm rõ sự thật của vụ án. 
Nên để có thể nhanh chóng điều tra, nhiều trường hợp cán bộ điều tra sẽ dùng các biện pháp trái pháp luật để thu thập thông tin, thậm chí trong nhiều trường hợp còn buộc khai cả những thông tin “không phải là sự thật”, dẫn đến oan, sai nghiêm trọng.
Vì vậy, để “cân bằng” giữa bảo đảm lợi ích của trật tự pháp luật và lợi ích, quyền và tự do của công dân trong TTHS thì cùng với việc đảm bảo “quyền im lặng”, GS.TS.Đào Trí Úc – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần làm rõ mục đích của TTHS, đảm bảo ngang bằng giữa khả năng và vị thế của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong việc đi tìm sự thật, chống lại những gì “phi sự thật”, phản sự thật.

Đọc thêm