Thương lắm Nà Đang
Trở lại Nà Đang vào đầu mùa mưa, biết chúng tôi có ý định vào bản để thăm cuộc sống của bà con nơi đây, anh Nguyễn Thế Tình (một cán bộ kiểm lâm địa bàn) dặn dò: “Các anh muốn vào Nà Đang mùa này thì lốp xe phải bọc xích, nếu không đường trơn không đi được đâu. Đi đường phải hết sức cẩn thận, phải có “tay lái lụa” mới vượt qua được những cây cầu “Chu Va”. Với những cung đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lầy lội hoặc cheo leo trên vách núi với lởm chởm đá tai mèo, Nà Đang khiến những ai lần đầu đến nơi đây cũng đều phải kinh hoàng. Với quãng đường 14km, sau gần 2 giờ đồng hồ vật lộn với cung đường ngoằn ngoèo, cuối cùng bản nhỏ cũng hiện ra với những mái nhà sàn thấp thoáng trong sương chiều lãng đãng…
Đón tiếp chúng tôi tại ngôi nhà sàn ba gian, anh Hà Văn Chuẩn – Bí thư Chi bộ bản Nà Đang vui vẻ nói: “Ở miền núi là khổ thế đấy các chú ạ, không như miền xuôi các chú có điện, có đường, có nhà đẹp, còn bản chúng tôi đang còn thiếu thốn, khổ nhiều lắm”. Anh Chuẩn cũng chia sẻ với những vất vả của chúng tôi: “Các chú chắc đi đường vào đây vất vả lắm đúng không. Các chú thấy đấy, cuộc sống bà con khổ lắm, đường sá đi lại khó khăn, điện đóm không có… Nói thật, ở bản tôi mà có điện chắc tôi cũng bán con trâu mua cái tivi để người dân bản tôi xem, tiếp cận được những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tốt hơn và cũng tiếp cận được với văn hoá bên ngoài đưa bản tôi đi lên thoát nghèo…”.
Nà Đang là một bản nghèo nằm lọt thỏm giữa núi rừng đại ngàn, cách trung tâm xã Lâm Phú khoảng chừng 14km, một bản chỉ với 53 hộ, hơn 230 khẩu, nhưng có tới 32 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo và 12 hộ thoát nghèo. Thu nhập bình quân khoảng 2 – 3 triệu đồng/năm. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu dựa vào rừng và sự hỗ trợ của Nhà nước.
Chị Vi Thị Chiêu - một người dân trong bản buồn bã tâm sự: Ở Nà Đang cái nghèo, cái đói bao trùm hết cả bản rồi. Giao thông đi lại khó khăn, toàn đường rừng lầy lội, hẻo lánh, nhất là khi trời mưa. Nước sạch không có, chúng tôi phải mua ống dẫn nước từ trong khe về dùng; điện cũng không, tất cả các hộ dân ở đây đều phải thắp đèn dầu.
Con đường đầy khó khăn, hiểm trở và duy nhất để vào được bản Nà Đang |
Đã bao đời nay, cái nghèo, cái đói vẫn luôn bám lấy người dân nơi đây. Không có đất sản xuất, không điện, đường sá đi lại khó khăn, người dân không thể giao thương với bên ngoài nên kinh tế không thể phát triển. Ở đây, ai đó muốn ra xã xin con dấu hay làm giấy tờ gì đó thì phải đi bộ mất cả ngày trời. Đất cằn, sương muối, thời tiết khắc nghiệt khiến sản xuất nông nghiệp trì trệ, cây chết, trâu bò sinh sản đa số đều bị đẻ non và chết, do môi trường tự nhiên ở nơi đây quá khắc nghiệt. Khó khăn vậy nhưng dân bản đa số phải tự cung tự cấp về lương thực và nhu phẩm thiết yếu.
Bà con không có đất sản xuất, địa hình đi lại khó khăn nên cùng đường họ phải khai thác trái phép lâm sản, nơi đây từng là điểm nóng của nạn phá rừng. Người dân không còn cách nào khác là vào rừng đốn gỗ bán lấy tiền sinh nhai. Tuy nhiên, những năm qua bằng sự tuyên truyền, vận động, đến nay tình trạng phá rừng ở Nà Đang đã chấm dứt.
Bao giờ mới xóa “sáu không”?
“Các chú viết lên báo về bản của chúng tôi, liệu sau khi báo đăng dân bản có được làm đường, có được điện thắp sáng không các chú?”. Đó là câu hỏi lặp đi lặp lại của nhiều người dân bản Nà Đang khiến bất cứ ai nghe được đều phải động lòng.
Mang câu hỏi trên trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, ông Hồng cho biết: “Nà Đang là một trong hai bản còn khó khăn nhất của huyện Lang Chánh. Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm và chỉ đạo các ban ngành chức năng của huyện, tạo mọi điều kiện cho hai bản khó khăn của huyện phát triển, ưu tiên hàng đầu là làm đường giao thông và điện thắp sáng…Hàng năm UBND huyện đã huy động công nhân viên chức ủng hộ vật chất và tinh thần để mang những món quà đó đến với những người dân nghèo khó của bản Nà Đang”.
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Chủ tịch huyện Lang Chánh chia sẻ với PV |
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hồng thì Lang Chánh là một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá nên nguồn lực phát triển đang còn nhiều hạn chế, mới đang chỉ dừng ở mức tạm thời. Về giải pháp để bản Nà Đang phát triển, huyện cũng đang đề nghị Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lò giao một số diện tích rừng cho bà con khoanh nuôi bảo vệ, phát triển bền vững. Từ đó có thêm thu nhập nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời hàng năm huyện cũng báo cáo đề xuất với tỉnh có những chính sách và sự đầu tư lâu dài về phát triển kinh tế ở Nà Đang.
Được biết những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho bản Nà Đang. Tuy nhiên, sự đầu tư vào bản chỉ mới là một con số nhỏ, chẳng khác “muối bỏ bể” so với những gì Nà Đang đang cần để thoát khỏi “sáu không”. Bởi vậy, người dân nơi đây vẫn đang hàng ngày, hàng giờ ngóng chờ được sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để từng bước thoát nghèo, xóa dần khoảng cách chênh lệch với các xã lân cận và đồng bằng, thành thị./.