Đất có sổ đỏ cũng như không?
Theo tìm hiểu của phóng viên thì trong dự án này, rất nhiều hộ dân đã khiếu nại vì cho rằng việc đền bù không đúng. Cụ thể, nhiều hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thể hiện phần đất thổ cư phía trước (giáp đường) và đất trồng cây lâu năm phía sau, hoặc không thể hiện rõ đất trồng cây lâu năm ở vị trí nào. Nhưng khi bồi thường, UBND TX Quảng Yên lại mặc nhiên coi phần đất phía sau là đất thổ cư và áp giá đất vườn để đền bù phần diện tích phía trước, thuộc phạm vi thu hồi làm đường.
Đặc biệt, có nhiều hộ dân, tuy đất đã được thể hiện rõ trong GCNQSDĐ nhưng vẫn bị từ chối bồi thường do cho rằng đất nằm trong hành lang giao thông.
Đơn cử, hộ ông Nguyễn Văn Cư và bà Phạm Thị Thu sử dụng tổng diện tích 103m2 đất tại khu Thống Nhất 3, phường Tiền An được UBND TX Quảng Yên cấp GCNQDĐ 90m2 tại thửa số 822, tờ bản đồ P44. Sau khi bị thu hồi giải phóng mặt bằng, diện tích của gia đình ông Cư còn lại là 39,4m2 (tức là bị thu hồi 50,6m2 trong GCNQSDĐ).
Tuy nhiên, theo Quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường của UBND TX Quảng Yên thì gia đình ông Cư chỉ được công nhận và bồi thường đối với 16,5m2 đất ở (đất còn lại bị coi là đất hành lang đường). Như vậy, đã có 34,1m2 đất trong GCNQSDĐ đã bị UBND TX Quảng Yên từ chối bồi thường. Cơ quan này cho rằng, đây là đất nằm trong hành lang đường.
Khẳng định toàn bộ diện tích đất trên đủ điều kiện bồi thường vì nằm trong GCNQSDĐ cũ của gia đình, ông Cư cho biết, sau khi tách thửa, UBND TX Quảng Yên đã cấp GCNQSDĐ mới cho gia đình ông vào năm 2013. Đến nay, Giấy này vẫn nguyên giá trị và nội dung Giấy thể hiện rõ gia đình ông sử dụng riêng 90m2 đất ở tại đô thị (không có phần đất nào trong hành lang giao thông) nên đủ điều kiện đền bù 100% giá đất ở. Không hiểu sao UBND TX Quảng Yên lại phủ nhận cả GCNQSDĐ đã cấp 6 năm trước? Đó là chưa kể diện tích 13m2 đất nằm ngoài GCNQSDĐ cũng đủ điều kiện được bồi thường vì đất được gia đình sử dụng từ những năm 1984, trước thời điểm Nhà nước lập hành lang giao thông (tức là cắm hành lang giao thông lấn vào đất của dân đang sử dụng chứ dân không lấn hành lang giao thông).
Tính toán theo giá bồi thường tại thời điểm năm 2019, ông Cư cho rằng nhà mình đã “mất” trên 200 triệu đồng tiền bồi thường vì đã bị xác định nguồn gốc đất một cách tùy tiện. Để đảm bảo quyền lợi, ông Cư đã khởi kiện UBND huyện Quảng Yên, đề nghị hủy Quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với gia đình mình.
Bồi thường theo luật hay theo số đông?
Tương tự trường hợp của vợ chồng ông Cư trên đây là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thư và Nguyễn Thị Thương (con gái ông Cư). Năm 2011, sau khi được bố mẹ cho đất, hai chị đã được UBND TX Quảng Yên cấp GCNQSDĐ tại thửa số 508 với diện tích 275m2.
Tuy nhiên, khi thực hiện thu hồi đất thì UBND TX Quảng Yên xác định hiện trạng thửa đất chỉ còn 266m2 và ra Quyết định thu hồi đối với 78,8m2. Đáng nói, trong số đất thu hồi này thì UBND TX Quảng Yên lại chỉ bồi thường 11,4m2 theo giá đất ở, 67,4 m2 đất còn lại bị cơ quan này từ chối bồi thường vì cho rằng “đất hành lang đường giao thông”.
Cùng quan điểm như ông Cư, chị em chị Thư khẳng định mình có đủ điều kiện để được bồi thường 78,8m2 đất theo giá đất ở vì đất đã được cấp GCNQSDĐ và gia đình sử dụng ổn định từ trước thời điểm Nhà nước xác định mốc giới hành lang giao thông. Với việc đất hợp pháp bị coi là đất hành lang giao thông như trên, chị em chị đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Hiện, chị Thư và chị Thương cũng khởi kiện Quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND TX Quảng Yên tới TAND tỉnh Quảng Ninh.
Theo chị Thư, tại phiên đối thoại do TAND tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, dù người khởi kiện đề nghị được giải thích lý do đất trong GCNQSDĐ lại bị coi là “hành lang giao thông” nhưng đại diện UBND TX Quảng Yên vẫn không có lời giải thích rõ ràng. Thậm chí, phía bị kiện còn đưa ra ý kiến rằng, đa số người dân đã đồng ý với phương án bồi thường và nhận tiền đền bù thì người khởi kiện cũng nên chấp hành.
Phản đối ý kiến này, chị Thư cho rằng, việc bồi thường cần phải tuân theo quy định của pháp luật chứ không thể căn cứ theo ý kiến của số đông.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ kiện hành chính này.
Theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013 thì điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là “hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có GCNQSDĐ, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này…
Đối chiếu với quy định trên, một số luật sư đều cho rằng, trường hợp ông Cư, chị Thư, chị Thương bị thu hồi đất được đã cấp GCNQSDĐ (đất ở đô thị) thì đương nhiên phải được bồi thường theo giá đất ở.
Còn diện tích đất do ông Cư đang sử dụng nhưng nằm ngoài GCNQSDĐ thì cần xác định xem diện tích này có đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ hay không. Nếu đất đủ điều kiện để cấp giấy theo quy định tại Điều 100 hoặc Điều 101 Luật Đất đai (sử dụng ổn định, không tranh chấp, không vi phạm hành lang giao thông tại thời điểm bắt đầu sử dụng…) thì cũng có nghĩa gia đình ông Cư đủ điều kiện được bồi thường.