Mới chỉ cùng tham gia giải quyết
Tổng hợp báo cáo của các địa phương sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án123 cho biết, hiện có 446 luật sư (LS), chuyên gia pháp luật và 28 tổ chức hành nghề LS chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP HCM.
So với thời gian trước khi ban hành Đề án, số lượng LS hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài ở nước ta đã tăng gấp hơn 20 lần (trước chỉ là 20 LS) và số lượng tổ chức hành nghề LS chuyên sâu tăng gần 3 lần (trước là 10 tổ chức).
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đối mặt với 79 vụ, việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 7 vụ liên quan đến chống trợ cấp và 5 trong số đó là các vụ kiện kép chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong các vụ việc này, một số tổ chức hành nghề LS Việt Nam, cá nhân LS Việt Nam đã tham gia trợ giúp, hợp tác với các công ty luật nước ngoài trong quá trình giải quyết vụ việc.
Tương tự, từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO qua 2 vụ kiện liên quan đến mặt hàng tôm nước ấm và đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Cả 2 vụ kiện này, Chính phủ Việt Nam đều thuê hãng luật nước ngoài tư vấn, đại diện cho Chính phủ theo đuổi vụ kiện và đội ngũ LS Việt Nam chỉ cùng tham gia giải quyết vụ việc.
Quan trọng là tạo môi trường hành nghề đích thực
Dự thảo Báo cáo thẳng thắn nhìn nhận, có rất ít LS Việt Nam thực sự giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề LS quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội. Điều này được nhiều đại biểu đồng tình và đề xuất phải có giải pháp tháo gỡ một cách thiết thực.
Bà Đặng Thị Chi (Công ty Luật số 5 quốc gia) cho biết, qua thực tế tham gia một số vụ việc thì mấu chốt vẫn là vấn đề ngoại ngữ, bởi nếu không hiểu tiếng, tranh tụng sao được. Thứ hai là phải hiểu luật, thạo tố tụng, chứ không đơn thuần là trước khởi kiện phải tiến hành hòa giải mà xung quanh còn nhiều diễn biến khác. “Chất lượng LS đã đi vào 2 vấn đề này chưa, nếu chưa cần tập trung tháo gỡ và đó chính là giải pháp” – bà Chi nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Trần Xuân Long quan niệm, nghề LS cũng là một nghề như nhiều nghề khác trong xã hội, chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Điều cốt yếu là đội ngũ LS phải tự đào tạo, Nhà nước chỉ hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất…vì suy cho cùng, tiền ngân sách là tiền thuế người dân đóng góp.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, về cơ bản mục tiêu của Đề án 123 là ổn, nhưng phải hiểu là Chính phủ, đất nước, người dân đang cần những LS ở tầm rất cao, am hiểu pháp luật thế giới. “Chúng ta đang xuất nhập khẩu hàng trăm tỷ mà LS đem lại sự an toàn trong hoạt động xuất nhập khẩu thì rất quý. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng, tạo môi trường hành nghề đích thực cho LS, theo tôi là quan trọng hơn tất cả mọi thứ, có vậy mới tạo thành công của Đề án” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, tới đây phải rà soát các giải pháp, những giải pháp nào có giá trị thì đề xuất thực hiện tiếp, không hiệu quả thì mạnh dạn bỏ đi để 5 năm tới đạt được mục tiêu cụ thể của Đề án.