“Lấn quyền” khi giải quyết tranh chấp đất
Vụ việc xuất phát từ việc ông Đoàn Minh Thuyết (thôn Xuân Quang, xã Đội Bình) có đơn đề nghị UBND xã xác định lại mốc giới thửa đất của gia đình cho đủ diện tích theo bản đồ năm 1985 vì khi đo đạc bản đồ VLAP năm 2012, gia đình ông thấy bị thiếu đất.
Giải quyết đề nghị trên, UBND xã Đội Bình xác định ông Thuyết đã bị thiếu 36,2m2 so với bản đồ 1985 và cho rằng diện tích đất trên đang được gia đình bà Tho sử dụng làm ngõ đi.
Trong khi đó, bà Tho một mực khẳng định phần đất trên là do gia đình bà tạo lập, sử dụng từ năm 1980. Thời điểm đó, do thửa đất của mình chưa có lối đi riêng nên bà đã xin chính quyền cho mình được kè sông Măng Giang, đổ đất áp vào đường ra bến xưa để làm lối đi vào nhà (lối đi này tiếp giáp với đất nhà ông Thuyết). Quá trình sử dụng, gia đình bà tiếp tục đổ đất và tôn cao ngõ đi vào nhà để sử dụng ổn định cho đến năm 2013 thì bị ông Thuyết đòi đất.
Ngày 5/4/2017, UBND xã Đội Bình đã tổ chức cuộc họp “giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hộ ông Thuyết và hộ bà Tho” (vắng mặt bà Tho). Đến ngày 13/4/2017, Chủ tịch UBND xã Đội Bình Nguyễn Văn Chuyển đã ký Thông báo số 23/TB-UBND nêu: “UBND xã Đội Bình thông báo tới ông Đoàn Minh Thuyết và bà Đoàn Thị Tho biết: Khu đất chỗ bà Tho xí quản lý (phía Nam thửa đất nhà ông Thuyết) là ngõ bến, là đất công và một phần đất nhà ông Thuyết. UBND xã giao ban địa chính, ban công an xã phối hợp với lãnh đạo thôn Xuân Quang đo đạc, xác định lại mốc giới, diện tích hộ ông Thuyết theo bản đồ 1985, phần diện tích còn lại giao lãnh đạo thôn Xuân Quang quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Theo một số luật sư (LS) thì việc UBND cấp xã đứng ra “cắt” đất do bà Tho đang quản lý, giao cho hộ khác sử dụng như trên là không đúng vì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất giữa hai hộ như trên thuộc về Tòa án hoặc UBND cấp huyện.
“Cắt” đất và cắm mốc chỉ dựa vào Thông báo
Tại nhiều văn bản, UBND xã Đội Bình đã thừa nhận giữa ông Thuyết và bà Tho có tranh chấp đất; diện tích đất có tranh chấp hiện do bà Tho quản lý, sử dụng làm ngõ đi. Như vậy, đối chiếu với quy định tại Điều 202, 203 Luật đất đai 2013 thì trong trường hợp này, UBND cấp xã chỉ được hòa giải chứ không có thẩm quyền ra “phán quyết” về việc ai đã lấn đất của ai, bên nào phải trả đất cho bên kia. Nếu hòa giải không thành, UBND xã cần hướng dẫn người dân gửi đơn đến Tòa án hoặc UBND cấp huyện để được giải quyết.
Điều này đồng nghĩa rằng, việc xác định mốc giới giữa hai gia đình có tranh chấp đất cần phải đợi khi Tòa án có phán quyết hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản giải quyết tranh chấp. UBND cấp xã không được quyền tự tổ chức đo đạc, cắm mốc giới để “cắt” 1 phần đất do hộ bà Tho đang quản lý, giao cho người khác.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi có Thông báo số 23/TB-UBND nêu trên thì UBND xã Đội Bình đã tổ chức xuống hiện trường để xác định mốc giới thửa đất cho nhà ông Thuyết. Ngay lúc đó, bà Tho đã ra hiện trường phản đối việc đo đạc này.
Cho rằng bị UBND xã “cắt” đất một cách oan ức, bà Tho có đơn tố cáo một số cán bộ UBND xã Đội Bình vi phạm về trình tự giải quyết tranh chấp đất, tự ý tổ chức cưỡng chế, đo đạc “cắt” cho hàng xóm sai quy định, không đúng thẩm quyền.
Đáng nói hơn, trong khi tranh chấp đất chưa có văn bản giải quyết của cơ quan có thẩm quyền thì đến tháng 5/2017, cán bộ UBND xã Đội Bình đã đến hiện trường đo đạc mốc giới để lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho gia đình ông Thuyết. Việc này cũng bị bà Tho tố cáo là sai quy định về trình tự cấp GCNQSDĐ, thể hiện sự khuất tất, bất minh.
Tuy nhiên, khi giải quyết tố cáo, UBND huyện Ứng Hòa lại cho rằng, các nội dung tố cáo trên là không có cơ sở. Đáng nói hơn, cơ quan này còn tiếp tục “ủng hộ” cách làm của cấp dưới rằng, “giao UBND xã Đội Bình căn cứ hồ sơ địa chính, xác định kích thước chiều các cạnh cắm mốc giới thửa đất cho hộ ông Đoàn Minh Thuyết theo quy định”.
Chính vì vậy, bà Tho đã tiếp tục tố cáo vụ việc này đến các cơ quan có thẩm quyền cao hơn.
Lãnh đạo thôn được UBND xã giao đất quản lý, sử dụng
Theo một số LS, khi giải quyết tranh chấp đất thì cơ quan chức năng phải căn cứ vào mốc giới, tứ cận…của thửa đất chứ không thể vội vàng quy kết rằng, giảm diện tích thửa đất là do bị hàng xóm lấn chiếm. Thực tế, việc tăng, giảm diện tích thửa đất có rất nhiều nguyên nhân như: sai sót do đo đạc, do bị lấn chiếm, do bị đường giao thông lấn vào…Nếu bị lấn chiếm thì cũng cần xác định rõ phần bị lấn chiếm ở cạnh nào, góc nào của thửa đất…
Trong vụ việc này, UBND xã Đội Bình cho rằng, một phần ngõ đi của bà Tho sử dụng là đất công nên “giao lãnh đạo thôn Xuân Quang quản lý sử dụng”. Tuy nhiên, một số LS cho rằng, diện tích đất ngõ đi của bà Tho thuộc trường hợp sử dụng ổn định trước 15/10/1993, không bị xử lý vi phạm về đất đai, không lấn chiếm hành lang an toàn công trình, không lấn chiếm chỉ giới đường, không lấn đất trụ sở cơ quan…Vì vậy, việc sử dụng diện tích đất tăng thêm của bà Tho trên đây phải được xem xét hợp thức hóa theo quy định tại Điều 24a, Nghị định 01/2017/NĐ-CP.
Hơn nữa, lãnh đạo thôn không phải là đối tượng được giao đất, không phải là người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5, Luật đất đai 2013 nên việc UBND xã giao đất cho lãnh đạo thôn quản lý, sử dụng như trên là rất vô lý.