Giám đốc Cty Na Rì Hamico (Bắc Kạn): Đã lĩnh án “nhẹ hều”, còn được bỏ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”!

(PLO) - Là chủ mưu trong vụ làm giả 71 hồ sơ giải ngân để vay cả ngàn tỷ đồng của ngân hàng nhưng Nguyễn Văn Dĩnh (SN 1965, nguyên Giám đốc Cty CP Khoáng Sản Na Rì Hamico) chỉ bị TAND tỉnh Bắc Kạn xử phạt “nhẹ hều” với mức án 10 tháng 24 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và chỉ bị phạt tiền về tội “Trốn thuế”, tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
Bị cáo Dĩnh và các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Cho rằng mức án trên là quá nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã có kháng nghị phúc thẩm đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội hủy án sơ thẩm.

Vay nghìn tỷ từ hồ sơ giả

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Kạn, từ tháng 6/2009 đến tháng 4/2014, Nguyễn Văn Dĩnh đã tổ chức, chỉ đạo 4 nhân viên kế toán cùng 15 Giám đốc Cty (chủ yếu được Dĩnh thuê làm giám đốc để ký hợp thức hồ sơ, giấy tờ) làm giả hồ sơ giải ngân, gồm: Hợp đồng kinh tế, hóa đơn GTGT, biên bản đối chiếu công nợ, biên bản nghiệm thu hàng hóa, phiếu nhập kho, bảng kê trả tiền lượng cho công nhân... Sau đó, Dĩnh đã sử dụng các giấy tờ trên để làm thủ tục giải ngân tại 75 hồ sơ giải ngân vay tiền trong 71 Hợp đồng tín dụng. Tính đến tháng 12/2017, Cty Na Rì Hamico của Dĩnh còn dư nợ gốc tại Ngân hàng Ngân hàng BIDV, Chinh nhánh Bắc Kạn (BIDV Bắc Kạn) hơn 986 tỷ đồng.

Từ tháng 6/2013,  đến tháng 9/2014, Dĩnh đã ký hợp đồng bán hơn 47.865 tấn quặng sắt cho Cty Vương Anh với giá hơn 54 tỷ đồng nhưng xuất hóa đơn GTGT ghi giá bán thấp hơn so với giá thực tế nhằm trốn thuế 10,5 tỷ đồng. Ngoài ra, để hợp thức hóa hồ sơ xin cấp giới hạn tín dụng tại BIDV Bắc Kạn, từ năm 2009 đến 2010, Dĩnh đã mua và kê khai thuế đầu vào bằng 273 hóa đơn GTGT, trong đó có 103 hóa đơn giả (với giá trị ghi trên hóa đơn hơn 80 tỷ).

Với các hành vi trên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 13/12/2017, TAND tỉnh Bắc Kạn đã tuyên phạt Dĩnh về 3 tội: “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” (10 tháng 24 ngày tù về tội); tội “Trốn thuế” (phạt tiền 3 tỷ đồng); tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” (phạt tiền 200 triệu đồng).

Ngoài ra, bản án còn xác định, từ tháng 3/2013 đến ngày 24/1/2014, Trần Vinh Quang (nguyên Giám đốc BIDV Bắc Kạn) đã chỉ đạo cấp dưới làm đề xuất cho 4 người (có 4 người do Vĩnh nhờ đứng tên) vay tiêu dùng cá nhân hơn 16,7 tỷ đồng. Các khoản vay này không có tài sản thế chấp… khiến cho BIDV Bắc Kạn bị thiệt hại hơn 14,9 tỷ đồng. Chính vì vậy, Quang đã bị TAND tỉnh Bắc Kạn xử phạt 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tòa sơ thẩm dành nhiều ưu ái cho bị cáo?

Nhận thấy bản án sơ thẩm nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và mức hình phạt chưa nghiêm, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã có kháng nghị đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, hủy bán án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định.

Quyết định kháng nghị nêu rõ, trước khi bị khởi tố, Dĩnh đã phải vay cho hoạt động kinh doanh với dư nợ trên 986 tỷ đồng và vay tiêu dùng cá nhân 14,9 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, bị cáo còn phải chịu nghĩa vụ hành chính lớn (bồi thường 12,5 tỷ cho BIDV Bắc Kạn và nộp 10,5 tỷ đồng tiền trốn thuế). Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm vẫn tuyên phạt tiền là hình phạt chính đối với Dĩnh là không nghiêm và không khả thi, không đảm bảo được mục đích của hình phạt.

Hành vi phạm tội của Dĩnh đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính, mất khả năng thu trả ngân sách nhà nước với số tiền đặc biệt lớn, gây bất bình trong nhân dân, đã phạm vào khoản 2 Điều 267 BLHS (có khung hình phạt từ 2 đến 5 năm). Mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng mức hình phạt 10 tháng 24 ngày tù (dưới mức thấp nhất của khung hình phạt) là chưa nghiêm, không tương xứng với tính chất mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội đã gây ra.

VKSND Cấp cao tại Hà Nội còn chỉ rõ, cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) cấp sơ thẩm đã để lọt tội phạm đối với Dĩnh cùng 3 người (mà Dĩnh nhờ đứng tên vay tiêu dùng cá nhân), khiến BIDV Bắc Kạn không thể thu hồi được số tiền cho vay. Trong vụ việc này, Dĩnh đã gian dối cam kết có tài sản đảm bảo không đúng thực tế để được vay hơn 16,7 tỷ, sau đó chiếm đoạt 14,9 tỷ là có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chưa xong vụ án cũ, đã “dính” vụ án mới  

Trong khi đang là bị cáo trong vụ án xảy ra tại BIDV Bắc Kạn thì Nguyễn Văn Dĩnh (được tại ngoại từ tháng 4/2016) lại trở thành bị can trong một vụ án khác, xảy ra tại Cty CP Mỏ và Xuất khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM).

Theo KLĐT mới đây của Cơ quan ANĐT Bộ Công an trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”, “thao túng chứng khoán” và “giả mạo trong công tác” thì tuy Cty MTM không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng từ năm 2013 đến năm 2014, Dĩnh đã chỉ đạo một số đối tượng lập khống hồ sơ, lập khống danh sách hơn 100 cổ đông đứng tên sở hữu 31 triệu cổ phiếu tương đương 310 tỷ đồng, lập khống chứng từ tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 310 tỷ đồng, lập khống hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết, hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu thu, phiếu chi… giữa Cty MTM với các Cty trong nhóm của Dĩnh. 

Sau đó, Dĩnh chỉ đạo các đối tượng làm giả báo cáo tài chính, hồ sơ hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm hồ sơ kiểm toán cho Cty MTM nhằm qua mặt cơ quan chức năng, đăng ký là Cty đại chúng niêm yết cổ phiếu MTM trên thị trường chứng khoán. Các bị can đã thực hiện thao túng cổ phiếu MTM để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư giao dịch trên sàn Upcom.

CQĐT xác định các đối tượng đã gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng cho các nhà đầu tư cổ phiếu MTM và chiếm đoạt hơn 53,7 tỷ đồng và có KLĐT đề nghị truy tố 15 bị can về 4 tội danh. Trong đó, Dĩnh bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”. Còn Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Cty Na Rì Hamico) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Được biết, ngoài hai vụ án trên thì hiện, vợ chồng Dĩnh còn đang bị bà Đào Thị Tình (trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng một số cá nhân khác tố cáo vì đã chiếm đoạt của những người cả ngàn tỷ. Những khổ chủ này đều mong các cơ quan THTT sớm xử lý vợ chồng Dĩnh nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật  

Liệu BIDV Bắc Kạn có bị mất cả ngàn tỷ? 

Bình luận về hành vi làm, sử dụng các giấy tờ giả để làm thủ tục giải ngân tại 75 hồ sơ giải ngân vay tiền tại BIDV Bắc Kạn (còn nợ hơn 986 tỷ đồng) của Dĩnh và một số đối tượng khác, một số luật sư cho rằng, các cơ quan THTT cần làm rõ mục đích vay cả ngàn tỷ của Dĩnh là gì? Khả năng trả món nợ trên như thế nào? Có hay không việc nâng khống giá trị tài sản thế chấp? Công tác quản lý tài sản thế chấp ra sao? Nếu xác định có yếu tố chiếm đoạt tài sản hoặc xác định BIDV Bắc Kạn không có khả năng thu hồi nợ, CQĐT cần ra Quyết định khởi tố bổ sung về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để đảm bảo xử lý triệt để vụ án này.

Theo kết luận tại KLĐT thì trong số 865 tỷ rút từ BIDV Bắc Kạn, Dĩnh dùng  482 tỷ để đảo nợ, dùng hơn 383 tỷ cho việc kinh doanh, trả nợ ngoài và chi tiêu cá nhân. Như vậy, có thể thấy khả năng Dĩnh trả được món nợ trên là rất thấp. Ngay cả khoản vay 14,9 tỷ cũng được VKSND Cấp cao tại Hà Nội xác định là “không có khả năng chi trả” và BIDV Bắc Kạn cũng không có khả năng thu hồi số tiền này. Vậy, liệu BIDV Bắc Kạn có bị mất cả nghìn tỷ đã cho Cty Na Rì Hamico vay  trước đó?

Đọc thêm