Giám đốc Sở LĐTB&XH nói về sai phạm tại Trung tâm Thị Nghè: 'Chuyện này rất đau lòng'

(PLVN) - Thanh tra TP HCM vừa thông báo kết luận sai phạm tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM đã trao đổi với báo chí về sự việc.
Ông Lê Minh Tấn: “Tôi mong dư luận chia sẻ vụ việc này”
Ông Lê Minh Tấn: “Tôi mong dư luận chia sẻ vụ việc này”

Ông nói gì về kết luận thanh tra những sai phạm ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè?

- Tôi khẳng định không phải nhận tiền rồi chia chác mà là hiện vật. Vì nếu Trung tâm muốn nhận tiền tài trợ phải có quyết định đồng ý của UBND TP và phải vào sổ sách. Ở đây đơn vị thanh tra đã quy gạo, mì gói thành tiền và kết luận là chia chác 760 triệu đồng.

Hoàn toàn không có tiền. Đó là hiện vật do các nhà hảo tâm ủng hộ, từ gạo, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, xà bông, nhất là mì gói. Số hiện vật đó Trung tâm dùng không hết, đúng ra không hết thì báo về Sở LĐ-TB&XH TP điều chuyển cho các cơ sở bảo trợ khác. Lỗi là không điều chuyển, để vật phẩm đến gần hết hạn sử dụng, đơn vị tự thống nhất cho lại người lao động.

Mà cho nhân viên như vậy là không đúng. Thanh tra kết luận rồi, UBND TP cũng kết luận rồi thì phải kiểm điểm xử lý. Xét tính chất để xử lý, nếu cố tình tư lợi thì phải xử lý nghiêm hay chỉ là cho người lao động thôi?

Như vậy, ông thừa nhận hành vi sai phạm của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè?

- Người lao động trong Trung tâm Thị Nghè cũng như các cơ sở bảo trợ xã hội khác rất nghèo và phải là người có tấm lòng mới làm được. Hàng ngày họ chăm sóc, vệ sinh tắm rửa cho những người không có hành vi nhận thức. Phải nói là công việc rất vất vả mà thu nhập rất thấp. Có thể vì thế BGĐ Trung tâm mới cho nhân viên hiện vật, cho như vậy là sai.

Chuyện này rất đau lòng với ngành lao động. Ở các cơ sở làm không đúng thì rất buồn nhưng cũng không bao che để vậy mà phải chấn chỉnh. Từ khi tôi về Sở (ông Tấn được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Sở LĐ-TB&XH từ tháng 6/2016-NV) thì đã chấn chỉnh rồi, tại các cơ sở bảo trợ xã hội phải có tổ tiếp nhận gồm thành phần Ban Giám đốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên… phải vào sổ sách, công khai hàng tháng các khoản tài trợ. Đừng để các nhà hảo tâm, những người có tấm lòng thiện nguyện buồn khi hàng hóa người ta tài trợ, dùng không hết lại cho nhân viên.

Trung tâm này có lịch sử từ trước năm 1975, qua nhiều lãnh đạo không kịp thời chấn chỉnh. Tiền thân là cơ sở bảo trợ xã hội công giáo. Hiện có 31 sơ Thiên chúa giáo ở lại Trung tâm cùng phục vụ, chăm sóc cho trẻ và 40% người lao động của Trung tâm là giáo dân, không dám tiêu cực đâu, chỉ cho lại nhân viên thôi. Các cơ sở tôn giáo thường là dùng không hết thì cho người nghèo, nên tôi mong dư luận chia sẻ vụ việc này. Tôi cũng buồn lắm.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm