Giám đốc Sở Nông nghiệp Thừa Thiên – Huế nói về sai phạm của cấp dưới: 'Trồng rừng mà không thành rừng là… chuyện bình thường'

(PLVN) - Mới đây, Báo PLVN có bài viết phản ánh Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Hải Vân (đóng ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã để diện tích rừng do mình quản lý sinh trưởng và phát triển kém. Ngoài ra, vị Giám đốc BQLRPH cùng với Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng bị tố chiếm rừng làm của riêng gây bức xúc dư luận. 
Chất lượng rừng tại một số khu vực BQL Bắc Hải Vân quản lý là rất kém

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thừa Thiên – Huế đã ra quyết định thu hồi rừng trồng ở đất lấn chiếm trên. Tuy nhiên, mức xử lý của Sở với những người vi phạm, theo người dân là chưa tương xứng.

Theo tin từ Sở Nông nghiệp, cơ quan này vừa có kết luận về những sai phạm tại BQLRPH Bắc Hải Vân. Theo đó, Sở này phát hiện ông Trần Văn Lộc (Giám đốc BQL) và ông Nguyễn Ngọc Vấn (Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng) đã sử dụng đất rừng phòng hộ ban này được giao quản lý để trồng rừng cho riêng mình.

Lấy lý do “ngăn việc người dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ”, ông Lộc cùng ông Vấn tự bỏ tiền đầu tư trồng và chăm sóc gần 3 ha rừng cho riêng mình. Sở Nông nghiệp khẳng định ông Lộc và ông Vấn không báo cáo cho Sở về việc trồng trên diện tích rừng nói trên, và việc làm của hai ông này là trái với quy định của pháp luật.

Trao đổi với PLVN, ông Hồ Sỹ Nguyên (Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế) cho biết, ngoài thu hồi cây trên diện tích rừng nói trên, Sở cũng đã giao cho BQLRPH Bắc Hải Vân rà soát lại toàn bộ diện tích quản lý, xem có trường hợp nào như vậy không. “Nếu sau này, phát hiện ra chỗ nào làm như thế, lúc đấy là chuyện khác”, ông Nguyên nói.

Ông Nguyên nói: “Anh làm như vậy không đúng quy định Nhà nước và nếu anh có phương án thì phải xin ý kiến, ít nhất là Sở Nông nghiệp. Nếu không có kiện tụng thì anh khai thác, đem cây đi bán… Sở cũng đã có quyết định thu hồi rừng nói trên, đây là cây rừng của Nhà nước và không ai được chặt hết. Rừng rú mênh mông, nếu không có người dân, không có cộng đồng tham gia làm sao quản lý nổi”.

Còn việc để chất lượng rừng ở đây kém, ông Nguyên cho rằng rừng ở đây được trồng vào năm 2000, ngân sách từ Trung ương “Trồng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”. “Rừng ở đây kém chất lượng là đúng, muốn trồng rừng thì phải có dự án. Đã xác định rừng phòng hộ thì chưa trồng cây được cũng phải giữ đất, để đến khi có dự án, có tiền… sẽ trồng”, ông Nguyên nói.

Ông Nguyên cho rằng: “Trồng rừng mà không thành rừng thì là chuyện phổ biến, bình thường. Ban cũng thế thôi, không có tiền thì làm gì được”.

Vị Giám đốc Sở cho biết, đã yêu cầu những người vi phạm ở BQL “rút kinh nghiệm tại Ban”.

Người đã dày công đưa sự việc ra ánh sáng là ông Phan Đình Thành (50 tuổi, ngụ tổ dân phố Loan Lý, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc), phản bác những quan điểm trên của Giám đốc Sở Nông nghiệp: “Với sai phạm trên nhưng Sở Nông nghiệp chỉ yêu cầu những người có trách nhiệm tại BQLRPH Bắc Hải Vân “rút kinh nghiệm tại Ban” là nhẹ. Nếu cơ quan quản lý rừng nào cũng sai phạm như ở đây thì làm gì còn rừng? Giao đất cho rồi, sau đó trồng và chăm sóc không tốt mà coi là chuyện bình thường được sao? Vì điều này, nên tôi vừa gửi đơn tố cáo lên Bộ NN&PTNT để yêu cầu tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, mong cơ quan chức năng sẽ công tâm trong sự việc này, làm tới nơi tới chốn, là bài học cho những đơn vị khác”.

Liên quan đến BQLRPH Bắc Hải Vân, mới đây Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành thanh tra. Đơn vị này đã để xảy ra sai sót trong việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp; như không đối chiếu, rà soát số liệu để giao đúng hiện trạng, đúng vị trí, bàn giao đất không đúng lô, khoảnh, chênh lệch diện tích…

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Liên quan đến lĩnh vực thiếu trách nhiệm trong quản lý rừng, Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sang công an tỉnh xử lý vụ việc liên quan đến trách nhiệm của BQLRPH Ia Puch (huyện Chư Prông) để mất hơn 1.200 ha rừng. 

Theo kết luận thanh tra, từ năm 2008 đến ngày 29/8/2019, BQLRPH Ia Puch đã để mất hơn 1.200 ha rừng thuộc 20 tiểu khu trong lâm phần quản lý. Tổng diện tích đất tự nhiên mà BQLRPH Ia Puch được UBND tỉnh giao quản lý là hơn 32.000 ha từ năm 2002, trong đó có hơn 13.000 ha diện tích đất lâm nghiệp phòng hộ. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế rừng tự nhiên và rừng trồng do đơn vị này quản lý thì phát hiện từ năm 2008 đến nay có 868 ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm đất để làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp; 359 ha bị một số DN chặt phá, chiếm đất để trồng cao su.

Ngoài ra, qua kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp tại các vị trí hành lang 100m dọc theo Quốc lộ 14C và thống kê của BQLRPH Ia Puch thì có 110 hộ gia đình (chủ yếu là công nhân của Công ty Quốc Cường, Công ty Bình Dương và một số hộ di dân tự do) lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nhà ở, làm vườn với diện tích 12,4 ha dọc theo quốc lộ 14C.

Mặc dù diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm hơn 1.200 ha, nhưng BQLRPH Ia Puch chỉ lập biên bản vi phạm hơn 62 ha. Diện tích còn lại không phát hiện kịp thời, không lập biên bản vi phạm, không có thống kê, không báo cáo diện tích rừng bị mất lên cơ quan có thẩm quyền, cấp trên để xử lý. 

Mặt khác, trong khi một số diện tích đất lâm nghiệp đã có quyết định tạm giao đất, quyết định giao đất cho các doanh nghiệp trồng cao su nhưng khi kiểm kê vào năm 2014, BQLRPH Ia Puch vẫn đưa vào diện tích rừng trồng do mình đang quản lý khiến con số được đẩy lên hơn 2.000 ha nhưng thực tế đơn vị này chỉ trồng hơn 200 ha rừng.

Thanh tra tỉnh xác định trách nhiệm để mất hơn 1.200 ha rừng thuộc về lãnh đạo BQLRPH Ia Puch qua các thời kỳ, UBND huyện Chư Prông, UBND các xã có rừng để mất và Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai. Thanh tra kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Gia Lai để xử lý.

Đọc thêm