Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin góp một số ý kiến về quy định liên quan đến việc giám hộ người chưa thành niên trong Dự thảo.
Giám hộ - chế định nhân đạo
Chế định giám hộ được quy định tại Mục 4 Chương III về chủ thể cá nhân. Có thể nói, xét về bản chất, chế định giám hộ mang trong mình không chỉ mục đích tạo sự trợ giúp pháp lý cho các chủ thể không có đầy đủ năng lực có thể tham gia vào các quan hệ dân sự mà còn mang “sứ mạng” nhân đạo của một chế định pháp luật hướng tới người dân và vì người dân.
Bởi vì đối tượng mà chế định này hướng tới đều là những cá nhân vừa không đủ điều kiện để độc lập tham gia vào các giao dịch dân sự và vừa cần sự chăm sóc, bảo vệ cần thiết do đã rơi vào những tình trạng đặc biệt. Điều này thể hiện qua quy định về cá nhân được giám hộ bao gồm có hai loại là: một số cá nhân chưa thành niên và những cá nhân mất năng lực hành vi dân sự (NLHVDS).
Có thể khái quát một cách đơn giản liên quan đến năng lực chủ thể của cá nhân như sau: Khi tham gia vào quan hệ dân sự, cá nhân cần hội đủ hai loại năng lực là năng lực pháp luật dân sự (NLPLDS) - đây là phạm vi các quyền và nghĩa vụ dân sự của chủ thể có được do các văn bản pháp luật của quốc gia quy định và NLHVDS - thể hiện khả năng cá nhân bằng hành vi của mình thực hiện được các quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật cho phép. Bởi vì NLPLDS là sự trao quyền của Nhà nước nên năng lực này bình đẳng giữa các chủ thể khác nhau và kể từ khi được sinh ra, cá nhân đã có năng lực này.
Do đó, việc xét tính hiệu lực của các giao dịch dân sự, các quan hệ dân sự của cá nhân sẽ cần đánh giá thông qua mức độ NLPLDS của các chủ thể (bởi mức độ này là khác nhau giữa những cá nhân khác nhau). Chính vì điều này, nếu cá nhân có NLHVDS đầy đủ, họ sẽ được toàn quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự bằng hành vi của bản thân mình.
Nhưng nếu cá nhân lại rơi vào trường hợp có NLHVDS không đầy đủ (như chưa đủ tuổi-chưa thành niên, không đủ khả năng nhận thức và làm chủ hành vi do bệnh tật hoặc do nghiện chất kích thích (và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất NLHVDS, hạn chế NLHVDS) thì họ không thể tự mình tham gia vào các giao dịch dân sự, các quan hệ dân sự.
Trong trường hợp này, họ cần có sự trợ giúp pháp lý từ chủ thể khác. Trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 và hiện nay là Dự thảo, có hai chế định trợ giúp cho những người này, đó là giám hộ và đại diện. Khác với đại diện (có thể được xác lập cho cả những cá nhân có đầy đủ NLHVDS), giám hộ, như đã phân tích, mang đậm bản chất nhân đạo khi thực hiện mục đích trợ giúp pháp lý cho các chủ thể đặc biệt.
Do đó, khi quy định về chế định này, các nhà làm luật luôn cần xác định rõ nền tảng cơ bản đó để xây dựng các quy định cho phù hợp.
Chỉ trở thành người cần giám hộ khi cha mẹ không có đủ điều kiện chăm sóc
BLDS năm 2005 quy định các cá nhân chưa thành niên được giám hộ thuộc trường hợp họ có những vấn đề nhất định về cha mẹ như không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ, cha mẹ đều bị mất, bị hạn chế NLHVDS…. Những đứa trẻ này cần giám hộ để đảm bảo chúng có sự chăm sóc, bảo vệ cần thiết khi không có sự chăm lo này từ phía cha mẹ.
Tuy nhiên, so sánh với BLDS năm 2005, Dự thảo quy định một trong những trường hợp này hoàn toàn khác biệt. Đó là trường hợp đứa trẻ chưa thành niên có cha mẹ không có đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ cho con.
Trường hợp này, hiện giờ được Dự thảo quy định rằng: chỉ cần đứa trẻ đó thuộc trường hợp cha mẹ không có đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì cần phải có người giám hộ cho đứa trẻ.
Chúng tôi không rõ đây là lỗi kỹ thuật hay là sự thay đổi về quy định có chủ ý của Ban soạn thảo. Trong trường hợp đây là quy định có chủ ý, thiết nghĩ, chúng ta nên bàn luận về những hệ quả có thể xảy ra nếu áp dụng quy định này trong đời sống. Nếu quy định này phát sinh hiệu lực sẽ dễ dẫn đến khả năng chế định giám hộ sẽ bị lạm dụng để vi phạm quyền lợi hợp pháp của những cá nhân chưa thành niên.
Nói cách khác, chỉ cần chứng minh được điều kiện chăm sóc, giáo dục con của cha mẹ là không đầy đủ, đứa trẻ sẽ thuộc vào trường hợp phải có người giám hộ. Chúng ta chưa bàn đến việc thực hiện hoạt động chứng minh là không chính xác hoặc khó lấy tiêu chí để xác định điều kiện chăm sóc, giáo dục đứa trẻ thế nào được coi là đủ hay không đầy đủ, hoàn toàn có thể thấy quy định này đi ngược lại với mục đích chính (và là mục đích nhân đạo) của chế định giám hộ.
Thực tế sẽ phải đối mặt với bất cập là những đứa trẻ có cha mẹ bình thường (có thể có điều kiện kinh tế chưa thực sự đầy đủ) sẽ thuộc vào sự quản lý, chăm sóc của các cá nhân hoặc tổ chức khác và cha mẹ của đứa trẻ hoàn toàn không còn quyền gì về mặt pháp lý liên quan đến đứa trẻ trong những quan hệ dân sự mà đứa trẻ này tham gia.
Và sự vô lý này sẽ chỉ chấm dứt đến khi đứa trẻ đủ mười tám tuổi (trừ trường hợp sau đó cá nhân này lại rơi vào tình trạng mất NLHVDS).
Như vậy, rõ ràng từ một chế định mang tính nhân đạo đã trở thành quy định không hợp lý, hợp tình. Do đó, chúng tôi kiến nghị trường hợp này cần được giữ nguyên như quy định tại BLDS năm 2005, theo đó, cá nhân chưa thành niên chỉ trở thành người được giám hộ (người cần giám hộ) khi cha mẹ của cá nhân không có đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu của cha mẹ về việc giám hộ cho con.
Có thể nói, Dự thảo nên sửa đổi các quy định của BLDS năm 2005 theo hướng những quy định nào đã phù hợp thì nên kế thừa và chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định chưa hợp lý, đã phát sinh bất cập. Nếu các quy định của Dự thảo đều được xây dựng theo hướng này thì chắc chắn giá trị của các quy định trong Dự thảo sẽ đảm bảo tính chính xác phù hợp./.