Nuôi dưỡng chị khờ khạo, vì tài sản hay tình thương?

(PLO) - Chẳng may trong gia đình có người bị khờ khạo, không có khả năng lao động nhưng lại có tài sản, vậy ai là người trong số các anh, chị, em ruột quản lý tài sản và chăm sóc, nuôi dưỡng họ khi cha mẹ qua đời?  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Giành nhau nuôi dưỡng 
Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Danh Pal (ở huyện Gò Quao, Kiên Giang) từng là đội viên du kích xã. Trong một lần đi công tác, ông Pal bị thương và được gia đình bà Thị Chal tận tình nuôi dưỡng, giúp đỡ nên vết thương mau bình phục. Sau cái lần tưởng chừng như chết hụt đó, ông bà nên duyên vợ chồng. Là nông dân nhưng không có ruộng đất, ông bà phải đi làm thuê quanh năm để nuôi đàn con thơ. Được chút vốn, ông bà xoay qua nấu rượu, nuôi heo, đêm đến thì giăng lưới, thả câu... nên dần dần cũng có của ăn, của để, tậu thêm đất đai, sửa sang nhà cửa và mua sắm vật dụng gia đình.
Tuy cuộc sống có khấm khá, đỡ vất vả hơn nhưng ông bà vẫn canh cánh trong lòng về chị Riêng - đứa con gái khờ khạo của mình. Sau nhiều lần suy tính, ông bà quyết định chia đất đều cho các con. Phần của chị Riêng, do là người thiệt thòi nên được chia 10.000m2; phần còn lại của ông bà và người con trai út còn đang ở chung 10.000m2; đất của ai thì người đó được đứng tên trong “sổ đỏ”. Thấy hợp lý, các con không ai có ý kiến gì.
Thế nhưng, rắc rối lại xảy ra khi ông bà lần lượt qua đời cách đây vài năm. Khi ấy, chị Riêng còn ở với em trai út, ít lâu sau cả 5 anh chị em đều giành nhau nuôi dưỡng chị Riêng. Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm họ nghĩ ai nuôi dưỡng thì người ấy có quyền đứng tên trong “sổ đỏ” 10.000m2 đất của chị Riêng. 
Giải quyết trong gia đình không xong, anh chị em Riêng đành nhờ tổ hòa giải phân xử, nhưng cũng không thành. Vậy, ngoài tình thương ra, ai là người có bổn phận, trách nhiệm nuôi dưỡng chị Riêng cũng như quản lý tài sản của chị như thế nào cho đúng quy định của pháp luật?  
Vướng mắc trên, Luật gia Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) cho rằng:
Người giám hộ không được đem tài sản tặng cho người khác
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp anh, chị, em ruột cần được giám hộ thì anh, chị, em đã thành niên có năng lực hành vi dân sự thoả thuận cử một người trong số họ có đủ điều kiện làm người giám hộ”.
Giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện. Việc xác định người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi  dân sự phải có quyết định có hiệu lực của Tòa án. 
Nếu chị Riêng là người mất năng lực hành vi dân sự (khi đã có quyết định của Tòa án) thì phải có người giám hộ. Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ (chị Riêng) phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ (anh, chị, em ruột của chị Riêng). Người giám hộ không được đem tài sản tặng cho người khác. Khi người được giám hộ mất thì tài sản được chia thừa kế theo pháp luật.n                                                                                      
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm