Không còn hợp xu thế
Như PLVN đã thông tin, dù mới thực hiện được 4 năm nhưng hiện Bộ Công Thương đã giao Viện Năng lượng hiệu chỉnh lại Quy hoạch điện VII trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài việc dự báo nhu cầu điện quá lớn, nhu cầu vốn đầu tư quá nhiều đặt “gánh nặng” lên vai nền kinh tế thì theo các chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng khác khiến PDP7 phải đưa vào diện rà soát lại là quy hoạch này chưa quan tâm đầy đủ đến phát triển bền vững, vẫn quá lệ thuộc vào vai trò của các nhà máy nhiệt điện than.
Theo PDP7, đến năm 2030 nếu như tổng công suất lắp đặt là 137 ngàn MW, với tổng sản lượng dự kiến là 695 tỷ kWh thì nhiệt điện than chiếm tới 22,5 ngàn MW công suất, 431 tỷ kWh sản lượng, “thị phần” lên đến 62%. Nhiều chuyên gia am tường lĩnh vực năng lượng lý giải có thể do nguồn năng lượng sơ cấp trong nước có hạn nên PDP7 đã viện đến năng lượng than và phát triển nhiệt điện than một cách quá mức như vậy.
Tuy nhiên, trong khi xu thế của thế giới ngày càng tìm đến các nguồn năng lượng tái tạo tránh phát thải khí nhà kính từ loại năng lượng này thì khi nhìn vào con số quy hoạch cho nhu cầu than cung ứng cho điện trong PDP7 từ 12,6 triệu tấn (năm 2012) lên đến 79 triệu tấn (năm 2020) và 188,7 triệu tấn (năm 2030) rõ ràng quy hoạch như vậy đi ngược xu thế.
“Giữa phát triển và phát triển bền vững, Quy hoạch điện VII chỉ nặng về mục tiêu phát triển. Các mục tiêu về xã hội và bảo vệ môi trường mới chỉ được khuyến khích chứ không đưa vào kế hoạch thực thi. Quy hoạch đã lựa chọn phát triển nhiệt điện than với tỷ trọng lớn gây áp lực quá lớn đối với môi trường và xã hội. Trong khi việc nhập khẩu số lượng lớn than trở nên khó hoặc không khả thi”- ông Trần Đình Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) nêu vấn đề.
Từ các nghiên cứu độc lập của GreenID, ông Sinh cảnh báo: Do phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhiên liệu hóa thạch nên an ninh năng lượng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Bởi các tiêu chí đánh giá an ninh năng lượng theo PDP7 quy định tới đây đều sẽ giảm nhanh.
Khó có thể lấy điện gió, mặt trời để khỏa lấp
Tại tọa đàm “Đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện VII” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng: Trong thời kỳ lập PDP7, giá điện, đặc biệt là nhiệt điện còn được bao cấp đầu vào là than nhiên liệu (chỉ 40-50% giá thành) do đó giá điện than vẫn còn thấp.
Vì thế, muốn đưa năng lượng tái tạo, chủ yếu năng lượng gió và mặt trời vào thay thế nhiệt điện than vào thời điểm đó rất khó khả thi vì năng lượng tái tạo còn kém cạnh tranh, cho dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp hỗ trợ giá nhưng cũng không thể cạnh tranh nổi. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của GreenID, cơ chế bù giá cho nhiên liệu hóa thạch hiện đã chấm dứt. Từ tháng 7/2014, than cấp cho nhiệt điện than đã theo giá thị trường. Giá than nhiên liệu cho điện tăng cao hơn nhiều do không còn bù giá.
Theo khảo sát của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, với một số nhà máy đã vận hành như Mạo Khê, Cẩm Phả, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, trước khi được tính giá than theo thị trường, giá thành quy đổi giao dịch từ 3,7 cent/kWh. Sau khi than được tính theo giá thị trường, giá thành đã tăng lên 5,5-6,5 cent/kWh. Một số nhà máy sử dụng than nhập khẩu như Na Dương, Long Phú 1, Sông Hậu 2 giá thành đã tăng tới 8,38 cent/kWh.
Thậm chí, nếu tính giá than hàng năm tăng lên 2% và có tính tới khả năng đánh thuế carbon cho nhiệt điện thì giá thành quy đổi của nhiệt điện than sẽ tăng lên nhiều, có nhà máy nhiệt điện giá thành lên tới 10,4 cent/kWh. Từ tính toán như vậy, tổ chức này cho rằng năng lượng gió đủ khả năng cạnh tranh trong tương lai và có cơ sở rất hiện thực. Vì thế cần tăng tỷ trọng của năng lượng gió lên cao hơn mức đã đề ra trong PDP7 nhằm thay thế một phần cho nhiệt điện than.
Tuy nhiên, GS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Nhiệt Việt Nam cho rằng, năng lượng tái tạo có liên quan đến tổng năng lượng quốc gia, giá của năng lượng tái tạo làm sao để không phải bù giá vì giá bù là tiền ngân sách nhà nước, trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, cần tiết kiệm.
Ông Nghĩa nói rằng việc giảm sử dụng năng lượng từ than là cần thiết, nhưng giảm như thế nào thì phải tính toán. Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam ngày càng cao, việc xây dựng các nhà máy điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện sử dụng than cũng không thể xem thường...
“Việc đưa các công nghệ xử lý khí thải cần đánh giá tốt về tiêu chuẩn nồng độ khí thải độc hại ra môi trường để có lựa chọn tốt hơn nhằm giảm chi phí khi xây dựng nhà máy điện. Đây là quy hoạch ngành, vì vậy cần điểm danh từng nhà máy, không nên mang tính chủ quan. Nên điều chỉnh có điều kiện để quy hoạch có tính khả thi cao hơn.” - ông Nghĩa nói.