Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em: Cần đi vào thực tiễn, giám sát ngay tại chỗ

(PLVN) - Chiều ngày 18/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã họp phiên thứ nhất. Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị đoàn giám sát cần đi vào thực tiễn, không nên chỉ nghe báo cáo, đồng thời cần thực thi quyền hạn giám sát ngay tại chỗ.
Quang cảnh buổi họp
Quang cảnh buổi họp

Một số đại biểu cũng đề nghị báo cáo của Đoàn giám sát cần phân tích kiến nghị làm rõ đường lối, quan Điểm của Đảng về chăm sóc bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, cần những giải pháp về mặt kỹ thuật như lắp hệ thống camera tại điểm đông dân cư, khu vui chơi trẻ em và những nơi trống vắng.

Đặc biệt, trong giám sát không thể thiếu sự tham gia của người dân, làm sao để công tác giám sát mang tính “xã hội hóa”, mọi người, mọi ngành phải có đóng góp trong vấn đề này. Bởi hiện nay việc xâm hại trẻ em đang diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội, do đó toàn xã hội phải có trách nhiệm tham gia chăm sóc bảo vệ trẻ em. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, khi xử lý các vụ vi phạm - ngoài việc nghiêm minh thì đối với các vụ xâm hại tình dục cần phải xử lý kịp thời. “Nếu không kịp thời thì dù tốt đến mấy cũng bị ảnh hưởng”- bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nói.

Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành đề nghị phải rà soát, làm rõ tiêu chí và số liệu thống kê về tình trạng xâm hại trẻ em. Theo ông Thành, nếu không có tiêu chí thì sẽ không có số liệu chuẩn xác, đặc biệt là tiêu chí xác định thế nào là “hành vi xâm hại”.

Hiện nay, Chính phủ có tiêu chí liên quan, trong khi đó Tòa án, Viện Kiểm sát cũng có tiêu chí. Nhưng tiêu chí của Tòa án chỉ liên quan đến vụ án,  tiêu chí của Viện kiểm sát liên quan đến tố giác tội phạm, do vậy cần phải có một tiêu chí cụ thể, rõ ràng để các cơ quan chức năng thuận tiện trong việc xử lý.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, Đoàn giám sát cần thâm nhập thực tiễn, không nên chỉ nghe báo cáo, đồng thời cần thực thi quyền hạn giám sát ngay tại chỗ là yêu cầu các cơ quan đình chỉ ngay các hành vi vi phạm mà đoàn giám sát phát hiện ra.

Có như thế mới nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quá trình giám sát. Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận đề cương, cách thức tổ chức quá trình đi giám sát. Đoàn giám sát cũng đã quyết định thành lập 3 đoàn công tác đi giám sát tại 17, tỉnh, thành phố. 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em cho rằng, đây là đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, do đó thành viên đoàn giám sát cần xác định làm việc quyết liệt, khoa học.

Các đoàn công tác cần đến những nơi làm tốt điển hình và những nơi đang còn bức xúc để giám sát thì kết quả giám sát mới tổng quát, toàn diện. Bên cạnh đó, báo cáo giám sát cũng phải chỉ rõ “địa chỉ” thì mới quy được trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các đoàn giám sát khi đi giám sát thực hiện chính sách pháp luật phải qua những vụ việc cụ thể, địa bàn cụ thể; có thể đi xuống giám sát tại các trường học nội trú, thôn bản, xã phường, những nơi nổi cộm những vấn đề bức xúc về xâm hại trẻ em.

Nhưng không phải chỉ những nơi “cộm” mới xuống để giám sát, khảo sát. Ngoài ra, “cần tập trung giám sát ở những nơi mà báo chí đang phản ánh về những vụ việc xâm hại trẻ em, gây bức xúc xã hội”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2020; báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). 

Đọc thêm