Giáo dục giờ là nghề nguy hiểm?

(PLVN) Thông tin một cô giáo bắt học sinh quỳ vì học sinh hư bị tạm đình chỉ dạy khiến anh Ngô Thanh Hải, giáo viên Trường THPT Lạng Giang số 2 (Lạng Giang - Bắc Giang) nhiều tâm tư, với e ngại áp lực của nghề giáo nhiều quá, không chỉ còn ở việc dạy học... 
Giáo dục giờ là nghề nguy hiểm?

Giáo dục có nhất thiết phải dùng hình phạt?

Thầy Hải nêu quan điểm: “Tôi luôn ủng hộ tinh thần giáo dục không trừng phạt song thực tế làm nghề 13 năm cho thấy, ở ta vẫn cần có hình thức phạt với một số học sinh nhất định. Nhưng vấn đề hình phạt thế nào mới quan trọng”.

Về việc giáo viên bắt học sinh quỳ, thầy Hải cho rằng: “Cô giáo trong trường hợp này tôi nghĩ có ý tốt, muốn rèn học sinh, thậm chí tâm huyết theo quan niệm xưa về giáo dục kiểu thương cho roi cho vọt.

Song điều này nảy sinh một vấn đề cực lớn hiện nay mà ngay ngôi trường tôi dạy cũng thấy rất nhiều: khoảng cách thế hệ cô - trò cùng những quan niệm, cách nhìn, nghĩ khác nhau dẫn đến mâu thuẫn. Có khi ý cô rất tốt song cách làm, hoặc cái chuẩn tốt của cô là từ thời cô sống, không hợp với trẻ con bây giờ.

Ví dụ phạt quỳ cô muốn để thức tỉnh nhưng trẻ con lại cho là xúc phạm. Tôi được chứng kiến các vụ việc kiểu tương tự ngay trường mình dạy: cô tận tâm, ý tốt; trò không phải dạng hư hay láo nhưng xung đột gay gắt. Điều đó cho thấy sự đối thoại dân chủ để hiểu, lắng nghe nhau rất ít được quan tâm, thực hiện trong giáo dục.

Giáo dục giờ là nghề nguy hiểm vì phụ huynh có quyền to quá, học sinh thì “được đặt lên bàn thờ”. Vì thế khi xảy ra bất cứ vấn đề gì thì mặc nhiên cô sai. Sự đối thoại lắng nghe thầy - trò đã hiếm thì sự đối thoại, lắng nghe giữa thầy - phụ huynh càng khó hơn.

Nhiều phụ huynh... thay vì tìm ra chân tướng sự việc rồi giải quyết hợp lý thì lại kiện tụng. Sự can thiệp vô lý của không ít phụ huynh với việc giáo dục của nhà trường khiến mọi thứ tệ hơn. Tôi cũng không phủ nhận rằng có một số giáo viên lạm quyền, bắt học sinh phải thế này thế nọ, đôi khi rất khủng khiếp.

Những tiền lệ xấu của những vụ việc thế này không được giải quyết dứt điểm sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài: Giáo viên vô cảm, bạc nhược; một số học sinh phá phách, hư hỏng sẽ được thế tung hoành ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh khác và môi trường giáo dục”.

Thầy giáo Hải (người đeo máy ảnh) và học trò
Thầy giáo Hải (người đeo máy ảnh) và học trò

Giáo viên không tự quỳ trước các tiêu cực

Để việc xử phạt học sinh hư mà không bị áp lực là lạm quyền hay vi phạm quyền con người, thầy Hải bày tỏ: 

“Thực tế giáo viên có đầy đủ công cụ để xử lý học sinh vi phạm: từ nội quy nhà trường đến luật pháp. Song vấn đề là xưa nay giáo dục cứ phải tự cho mình cao quý, tình thương này nọ nên ứng xử cảm tính, hoặc do bệnh thành tích mà không dám xử theo đúng các quy định.

Hơn bao giờ hết giáo viên không tự quỳ trước các tiêu cực và cũng cần thay đổi suy nghĩ là tình thương bao la, vô bờ. Dĩ nhiên đi dạy trẻ con rất cần bao dung nhưng không phải với tất cả. Có những học sinh hỏng từ trứng nước gia đình thì cứ đúng các quy định mà xử.

Điều quan trọng là xử phạt công tâm, đúng hình thức với chứng cứ cụ thể, biên bản đầy đủ. Đó cũng là cách tự bảo vệ mình...”.

Giáo dục một con người không chỉ ở nhà trường và không chỉ do trường học. Nền tảng giáo dục gia đình là điều rất quan trọng, nhất là giáo dục ý thức cá nhân, biết tôn trọng bản thân, người khác và thiên nhiên.

Đã đến lúc cần thay đổi cách nhìn về giáo dục để các bên liên quan tìm ra mục đích, tiếng nói chung, hướng tới giáo dục tích cực. Nếu không mọi sự việc kiểu thế này sẽ tiếp diễn và trầm trọng hơn. Và nền giáo dục chạy theo điểm số giả mà tri thức, đạo đức, khả năng tư duy nền tảng văn hoá, năng lực làm việc lại thấp kém, rỗng tuếch”.

Nhà văn Nguyễn Một cũng có quan điểm ủng hộ việc xử phạt học sinh hư: “Với chiếc điện thoại trên tay phụ huynh và học sinh luôn “giám sát” thầy cô giáo, tiếp theo là báo chí đưa tin và tiếp theo là cơ quan chức năng vào cuộc, rồi các luật sư lên tiếng!

Cô giáo bị kỷ luật vì làm học sinh “tổn thương”. Nếu phạt quỳ mà “tổn thương” tôi tin là hầu hết người Việt từng đi học đều bị “tổn thương.

Nếu việc giám sát của phụ huynh quá lạm quyền thì tôi nghĩ hơi tiêu cực đã đến lúc “nên giải tán nhà trường” và mỗi gia đình tự dạy con em mình khi mà các thầy cô không còn được quyền phạt học sinh mình, dù chúng hư.

Một khi mà xã hội “trẻ không kính già, trò không trọng thầy... thì điều gì sẽ xảy ra?”.

Cô giáo Phan Thị Hương Giang cho rằng giáo dục phải thấu hiểu, chia sẽ và yêu thương
Cô giáo Phan Thị Hương Giang cho rằng giáo dục phải thấu hiểu, chia sẽ và yêu thương

Còn giáo viên Phan Thị Hương Giang, Chuyên viên của Phòng quản lý chuyên môn phổ thông của Công ty cổ phần giáo dục Thành thành công, TP HCM lại cho rằng: "Học trò nghich ngợm hay có phần ngỗ ngược là do tuổi học trò đang trên đà phát triển, tính cách thay đổi rất nhanh, nên giáo viên cần nắm bắt tâm lý các em để có “hình phạt” hợp lý. Không nên sử dụng các biện pháp như đánh, bắt quỳ, mà phải tiếp cận học sinh, tìm hiểu nguyên do và định hướng tư vấn cho học sinh theo hướng tích cực. Tôi luôn ủng hộ giáo dục bằng sự thấu hiểu, sẻ chia và yêu thương”.

Trước đó cô Lê Thị Quy, chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) thừa nhận đã bắt một nam sinh quỳ một tiết học hôm 9/5, trước gần 30 em trong lớp. Cô Quy giải thích hình phạt này do một số phụhuynh đề nghị, trước thực trạng học sinh không tuân thủ nội quy nhà trường.

Đọc thêm