Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế trao đổi xung quanh vấn đề này.
- Đề nghị ông điểm qua những thành quả của thầy và trò, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế năm qua?
- Trước hết, để phát triển giáo dục mũi nhọn, điều kiện cần thiết chính là đội ngũ giáo viên vì thầy giỏi mới có trò giỏi. Vì vậy, thời gian gần đây ngành đã tập trung chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực, trách nhiệm, uy tín, tận tâm, yêu nghề và tích cực tập trung cho hoạt động giáo dục.
Trong năm học 2023 - 2024, Thừa Thiên Huế tiếp tục khẳng định vị trí trong top đầu cả nước về kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 74/93 học sinh đạt giải, chiếm tỉ lệ 79,6% (tỉ lệ đạt giải trung bình toàn quốc là 55,79%). Trong đó, có 3 giải Nhất (1 Sinh học, 1 Vật lí, 1 Tiếng Anh), 20 giải Nhì, 22 giải Ba và 29 giải Khuyến khích.
Có 7 học sinh được chọn vào đội dự tuyển thi quốc tế (3 Sinh học, 2 Vật lí và 2 Tin học); có 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc Olympic Sinh học Quốc tế.
Các địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm, chú trọng công tác giáo dục mũi nhọn. |
Mới đây, tại cuộc thi chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ lần thứ XV tại Hải Dương, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế đã đoạt 29 giải thưởng và huy chương gồm: 3 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 9 giải Khuyến khích.
Bên cạnh đó, tại sân chơi lớn Đường lên đỉnh Olympia, do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, Thừa Thiên Huế cũng tiếp tục có em Nguyễn Phú Đức lọt vào vòng Chung kết để đưa cầu truyền hình về với tỉnh. Đây là lần thứ 2 liên tiếp và là 7 lần học sinh Thừa Thiên Huế vào Chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Thầy cô và đoàn công tác VTV chuẩn bị Cầu truyền hình trực tiếp Chương trình Chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 (Ảnh chụp ngày 21/8) |
Phải nói rằng, Giáo dục mũi nhọn ở Thừa Thiên Huế đang trên đà phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên bản đồ giáo dục Việt Nam. Đây là kết quả từ sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của ngành giáo dục và sự đồng hành của phụ huynh. Tin rằng, với những định hướng và nỗ lực trong tương lai, giáo dục mũi nhọn tỉnh nhà sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tích hơn nữa, góp phần đào tạo nhân tài cho địa phương, đất nước.
- Ngoài sự chuyển biến tích cực về giáo dục mũi nhọn, trong năm học qua, các lĩnh vực giáo dục tỉnh nhà thế nào, thưa ông?
- Tính đến 31/5/2024, toàn ngành có 19.041 người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và Trung tâm GDNN - GDTX. Trình độ chuyên môn được đào tạo trên chuẩn toàn ngành đạt tỷ lệ 29,9%; trong đó có 5 Tiến sĩ, 1.156 thạc sĩ.
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,4% (năm 2023 tỉ lệ này là 98%) với phổ điểm 6,75, tăng 3 bậc so với năm 2023.
Đặc biệt, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp lớp 12 khối GDTX đạt cao 94,7%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay đều ở cả khối giáo dục phổ thông cũng như giáo dục thường xuyên, từ địa bàn thuận lợi đến vùng trước đây nói khó khăn như Nam Đông, A Lưới. Khoảng cách chất lượng qua kết quả tốt nghiệp đã được rút ngắn, nhiều trường đỗ 100% và có phổ điểm cao, nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cũng vậy. Điều này nói lên quyết tâm chung của cả hệ thống và có tính đồng bộ, bền vững, một tín hiệu tốt cho sự phát triển của giáo dục Thừa Thiên Huế.
Một điểm nổi bật nữa là: Đến nay, toàn tỉnh có 425/569 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 74,7%.
Trường MN Hoa Hướng Dương (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thuỷ) mới được công nhận trường chuẩn quốc gia |
Trong năm học vừa qua, Ngành giáo dục Thừa Thiên Huế cũng đã đăng cai tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, cuộc thi của quốc gia, góp phần tích cực vào nâng cao vị thế và tạo điều kiện để giáo viên, học sinh được tham gia phát triển năng lực. Duy trì thực hiện có chất lượng phong trào Chủ nhật xanh theo chủ trương của tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số ngành Giáo dục tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực. Trong tháng 6 vừa qua, dữ liệu giáo dục Thừa Thiên Huế cũng đã tích hợp liên thông lên cổng dữ liệu quốc gia Bộ GD&ĐT.
Học sinh Nam Đông tại hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng |
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được UBND tỉnh và các địa phương quan tâm. Nhiều dự án trường học quy mô ở các cấp được phê duyệt chủ trương đầu tư và đã được bố trí nguồn lực thực hiện trong giai đoạn đầu tư công 2022 - 2025. Số phòng học được đầu tư mới, bổ sung năm học 2023 - 2024 là 216 phòng. Thiết bị dạy học cũng được đầu tư mới 199 tỷ.
Có thể khẳng định, kết quả ngành giáo dục đạt được trong năm học 2023 - 2024 là rất quan trọng. Đây là kết quả của ý chí, của niềm tin, của tinh thần vượt khó của thầy và trò trong toàn tỉnh.
- Thưa ông, trong năm học 2024-2025, ngành GD - ĐT Thừa Thiên Huế sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?
- Năm học 2024 - 2025 đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI. Đây là năm toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nỗ lực xây dựng và phát triển để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác tuyển sinh lớp 10, tại điểm trường THPT Hương Trà. |
Nhằm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ GDĐT về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội được giao, ngành giáo dục tỉnh nhà tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Chú ý, tập trung rà soát, hoàn thành tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các Đề án, Kế hoạch được phân công trong chương trình công tác UBND tỉnh. Triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 lĩnh vực giáo dục.
Thứ hai, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng. Trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo
Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đáng chú ý, phải tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu có 90,0% trường mầm non và trường phổ thông đạt KĐCLGD, có 87,12% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 8,1% đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2.
Thứ tư, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Buổi chào đón học sinh lớp 1 năm học 2024 – 2025 của trường Tiểu học Quang Trung (TP Huế) đầy cảm xúc |
Thứ năm, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Thứ sáu, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học.
Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
Thứ tám, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Thứ chín, tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Cuối cùng, thực hiện tốt hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.
- Một chủ đề nhạy cảm, luôn “nóng” và nhận được nhiều sự quan tâm là vấn đề lạm thu đầu năm học. Thưa ông, Sở có những giải pháp gì để phòng ngừa, tránh tình trạng thu sai đầu năm?
- Khó có thể khẳng định 100% Thừa Thiên Huế không có chuyện này vì hằng năm, lãnh đạo Sở đều có nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, từ phụ huynh về vấn đề thu chi ở một số trường học. Tuy không đến mức phải cảnh báo nhưng chúng tôi xác định là có… Chính vì thế cứ đầu năm học, Sở đều sớm có các hướng dẫn cụ thể, sát sườn để việc thực hiện các khoản thu theo đúng quy định.
Các khoản thu Hội phụ huynh do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý thu, chi; cuối năm học, Hội bàn giao chứng từ cho nhà trường. |
Cụ thể, trong năm học này, vào ngày 9/8/2024, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2372/SGDĐT- KHTC hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo công lập năm học 2024-2025.
Trong đó, ngoài khoản học phí thu như hàng năm theo Nghị quyết HĐND tỉnh, các trường căn cứ tình hình điều kiện của đơn vị, địa phương triển khai việc thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí; ví dụ khoản thu vệ sinh, nước uống, bán trú, thu hoạt động trải nghiệm… Việc tổ chức thu chi được thực hiện công khai, minh bạch và theo đúng các quy định Nghị quyết đã ban hành.
Các khoản thu Hội phụ huynh phải thực hiện theo thông tư 55 của Bộ GD&ĐT. Khoản thu này do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý thu, chi. Cuối năm học, bàn giao chứng từ cho nhà trường. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường hoàn toàn không tham gia bất kỳ một hoạt động nào của nguồn thu của quỹ hội phụ huynh cả..
Bảo hiểm y tế của học sinh thu theo quy định, 100% học sinh phải có để đảm bảo quyền lợi, còn Bảo hiểm tai nạn thì nhà trường không được ép buộc học sinh vì đây là tự nguyện.
Ngoài ra, nhà trường, không được vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ.
Vào ngày 16/7/2024, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban Nghị quyết 15 quy định các mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục. HĐND tỉnh vẫn cho phép thu học phí ở mức cũ (từ năm học 2019 đến nay vẫn không đổi). Đây là điều kiện thuận lợi để cho học sinh yên tâm được đến trường. Và cũng theo Nghị quyết HĐND tỉnh, năm học 2024 - 2025, trẻ mầm non 5 tuổi cũng đã được thực hiện miễn học phí.
Gần đây, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư 09 vào 3/6/2024 hướng dẫn công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Qua đó, trách nhiệm nhà trường thực hiện niêm yết công khai tài chính còn Phòng và Sở giáo dục, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra.
Các bậc phụ huynh đều mong muốn công khai minh bạch trong việc thu chi đầu năm học |
Học phí giảm, các nguồn thu khác được quy định và quản lý chặt chẽ. Để giáo dục Thừa Thiên Huế phát triển tốt trong điều kiện như vậy, một trong những giải pháp sắp tới, chúng tôi phải nghiên cứu sẽ tham mưu lãnh đạo tỉnh xây dựng một đề án về đầu tư công cho giáo dục giai đoạn 2025 - 2030. Chúng tôi sẽ cố gắng làm bài bản nhằm hoàn thiện hệ thống trường lớp tốt nhất, phục vụ tốt nhất điều kiện tổ chức dạy và học.
Hiện ngoài các quy định của các văn bản TW, Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật của địa phương cho lĩnh vực quản lý tài chính, cũng như các chế độ chính sách một cách đầy đủ nhất nên các trường học rất thuận lợi. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng, vừa đảm bảo nhà trường hoạt động tốt nhưng đồng thời không vi phạm về tài chính.
Tóm lại, với nhiều giải pháp đã và tiếp tục thực hiện, lãnh đạo ngành Giáo dục Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có nhiều sự quản lý chặt chẽ và mạnh mẽ, tổ chức quản lý thu chi tài chính trong trường học một cách bài bản, hiệu quả và chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm nếu để xảy ra các sai phạm dù là chủ quan hay khách quan, nhỏ hay lớn.
- Trân trọng cảm ơn ông và hy vọng năm học mới, ngành Giáo dục Thừa Thiên Huế tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công!