Là người có suy nghĩ trùng với quan điểm này, trả lời báo chí, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc đăng tải hình ảnh trẻ em chỉ bị nghiêm cấm trong một số trường hợp hình ảnh đó mang tính chỉ trích, bôi nhọ, xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm, gây ảnh hưởng xấu tới tương lai của trẻ (ảnh trẻ bị đánh đập, nhục mạ, không mặc quần áo…).
Có thể nói, hành vi đăng tải hình ảnh của trẻ em chỉ được xem là vi phạm pháp luật khi gây ra hậu quả. Việc xử lý đối với hành vi này không chỉ căn cứ vào Luật Trẻ em năm 2016 mà còn căn cứ vào các quy định khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự. Khi xác định có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiến sĩ tâm lý Kim Quý - Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam dù nhất trí quy định của luật nhưng lo ngại về tính hiệu lực của vì theo chuyên gia này, việc đưa ra quy định cấm ở thời điểm này là “vội vàng” và “luật đã đi trước thực tiễn quá xa”. “Tôi nghĩ trước tiên chúng ta phải thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh bằng cách tuyên truyền, giáo dục để họ nhận thức được hành vi của mình sau đó mới đưa ra các quy định về chế tài xử phạt, cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm”, theo Tiến sĩ tâm lý Kim Quý.
Mặc dù Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP đã xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, song lại chưa quy định chế tài cụ thể. Do vậy, hiện việc xử lý vi phạm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thực hiện hành vi này là không đơn giản. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, cũng như hiệu quả thực thi của luật, thì thiết nghĩ bên cạnh các cơ quan chức năng cầm sớm cụ thể hóa quy định này, tránh trường hợp quy định chỉ ban hành cho có, việc giáo dục ý thức là vô cùng quan trọng.