Đặt thêm gánh nặng vô hình lên vai con

(PLVN) - Những “cơn sốt” sinh trắc vân tay, giải mã gen đều phản ánh khát vọng của nhiều phụ huynh, đó là tìm ra nhứng đứa trẻ thần đồng trong hiện tại và những người tài năng, thành đạt trong tương lai.
Bố mẹ không nên đặt gánh nặng lên vai con trẻ.
Bố mẹ không nên đặt gánh nặng lên vai con trẻ.

Bỏ vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng đi sinh trắc vân tay, xét nghiệm gen tiềm năng, quy cho cùng các bậc cha mẹ cũng hướng đến mong muốn đưa ra những giải pháp giáo dục hợp lý nhất cho con mình.

Với nhiều cha mẹ có sáng suốt, có tư duy dạy con đúng đắn thì những kết quả được đưa ra từ các dịch vụ “tìm ra tiềm năng” này có thể giúp ích được trong quá trình định hướng con trẻ, bằng sự kết hợp kết quả phân tích và kinh nghiệm thực tế trong quá trình nuôi dạy về tính cách, phản ứng, tâm lý, khả năng, sở trường của trẻ.

Tuy nhiên, cũng có những bậc cha mẹ máy móc áp dụng các kết quả chỉ có tính tham khảo nói trên vào dạy dỗ con. Kết quả là con trẻ bỗng dưng bị định hướng “phát triển tài năng”, bị ép đi theo một cái guồng mà cha mẹ vạch ra nhằm để con có thể trở thành một thần đồng, một tài năng như kết quả phân tích của công nghệ.

Việc chạy theo những trào lưu rộ lên ầm ĩ thời gian qua cũng cho thấy, nhiều phụ huynh luôn đặt ra những kì vọng lớn lao cho con mình: thần đồng, có năng khiếu, có sự thông minh, học hành giỏi giang và thành đạt trong tương lai...

Chính sự kì vọng lớn lao này mà họ lao vào hết trào lưu này đến trào lưu khác, từ sinh trắc, tư vấn tâm lý, giải mã gen, đặt niềm tin hoàn toàn vào dịch vụ mà quên mất “phân tích” con bằng đôi mắt của chính mình, thông qua sự sát sao yêu thương, dạy dỗ con hằng ngày.

Cũng bởi những kì vọng đó, dễ dẫn đến cha mẹ đặt lên vai con những gánh nặng vô hình, áp đặt con theo con đường mà các kết quả công nghệ đã xác định, mà cha mẹ mong muốn. Nguy hiểm của việc kì vọng quá nhiều và phụ thuộc vào các trào lưu nói trên, là khiến trẻ phải chịu áp lực, phải sống cuộc đời mà cha mẹ muốn có, đôi khi đi nhầm đường, trái với năng lực thực sự hay niềm yêu thích, mong muốn của con trẻ, tạo ra nhứng đứa trẻ “tư duy công nghiệp” hay “buộc phải thành công”.

Chạy theo những trào lưu tốn kém, nhiều cha mẹ đã không hiểu rằng, đứa trẻ hạnh phúc không cần phải sở hữu tài năng tiềm ẩn nào đó, không cần phải là đứa trẻ thần đồng hay vượt trội. Đứa trẻ hạnh phúc là đứa trẻ được yêu thương, được quan tâm, học hành và vui chơi hợp lý, không phải gánh lấy giấc mơ thành đạt hay hơn người của cha mẹ. 

Và đôi khi, chịu chấp nhận con chỉ là một đứa trẻ không giỏi giang, thậm chí tầm thường, sống một cuộc đời bình thường, cũng là một sự dũng cảm, sáng suốt và thành công của cha mẹ vậy.

Đọc thêm