GS Đào Trọng Thi: 'Quy trình, tiêu chuẩn công nhận chức danh hiện nay có vấn đề'

(PLO) - Trước những ồn ào xung quanh việc công nhận chức danh GS, PGS hiện nay, GS Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, quy trình, tiêu chuẩn công nhận chức danh hiện nay có vấn đề.
GS Đào Trọng Thi: 'Quy trình, tiêu chuẩn công nhận chức danh hiện nay có vấn đề'

GS Đào Trọng Thi lấy làm lạ là những điều thế giới cần thì Việt Nam lại không quan tâm mà chỉ quan tâm đến hình thức, số lượng, thủ tục. Đối chiếu những tiêu chuẩn của Việt Nam thì nhiều nhà khoa học lớn của Việt Nam đang làm việc trên thế giới đều… trượt. Chức danh GS, PGS nhiều khi được phong không đúng người, có những người rất bình thường thì lại được phong, trong khi những người giỏi thì lại không đáp ứng được yêu cầu “không giống ai” của mình.

Một vị GS có uy tín từng đưa ra 14 nghịch lý về bổ nhiệm GS, PGS ở Việt Nam, trong đó việc bổ nhiệm GS, PGS để lấy danh hay vinh danh một người chứ không phải để người được bổ nhiệm GS, PGS thực thi nhiệm vụ nghiên cứu giảng dạy. Vì việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS không xuất phát từ nhu cầu của Trường ĐH, Viện nghiên cứu. Và mặc dù các quy định yêu cầu nhiều chuẩn nhưng chất lượng vẫn thấp.

Quy định chuẩn xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS ở Việt Nam vào loại nhiều chuẩn và phức tạp nhất thế giới nhưng mỗi năm xét được 500-600 GS, PGS mà đa số không đạt chuẩn quốc tế. (Để được xét GS, PGS các ứng viên phải chuẩn bị 3 bộ hồ sơ xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Đối với các ứng viên có nhiều bài báo công bố, nhiều sách, nhiều đề tài, nhiều hợp đồng giảng dạy, v.v.... thì bộ hồ sơ có thể nặng đến 50 kg). 

Lý do cho cuộc đua nóng bỏng này, chỉ có thể lý giải là không ít GS, PGS chưa đạt chất lượng, họ thích cái danh GS, PGS gắn với tên tuổi của mình mà bất chấp, dù cho trong giới học thuật, ai giỏi hay không đều không khó để nhận ra.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận những quyền lợi đi kèm khi Quyết định số 20 năm 2012 của Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung một số điều của Quyết định số 174 quy định, PGS/GS có thể kéo dài thời gian làm việc dù đã đủ tuổi nghỉ hưu, được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề tài phục vụ công tác quản lý... và được hưởng quyền lợi trong việc nâng ngạch lương.

Như vậy, giữa sự khiêm tốn trong tiêu chuẩn và mức độ hào phóng của quyền lợi, đặc biệt là đặc quyền tham gia các đề tài, dự án nhà nước… có sức hút tạo nên những cuộc đua bất tận… Thế nên, nhiều người cho rằng, việc trì hoãn dự thảo mới là không cần thiết, mà có thể thực hiện ngay trong năm 2018. Hơn nữa, giữa những tranh luận nhiều chiều này, rất có thể, câu chuyện GS, PGS khó có hồi kết minh bạch…

Đọc thêm