Buông lỏng quản lý xe hai bánh chạy điện đến bao giờ?

(PLO) - Tình trạng “bát nháo” và quản lý lỏng lẻo thị trường xe đạp điện, xe máy điện cần được chấn chỉnh, siết chặt quản lý theo chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ.
Buông lỏng quản lý xe hai bánh chạy điện đến bao giờ?

Cơ quan chức năng có buông lỏng?

Năm 2013, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 41, về việc Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xe đạp điện. Theo Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT cho biết: Việc ban hành quy chuẩn này, các loại xe tương tự như xe đạp điện nhưng có tốc độ 40-50km/h sẽ không được coi là xe đạp điện. Xe máy điện thì có yêu cầu tốc độ lớn nhất không lớn hơn 50km/h và công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 4kW. Còn xe đạp điện thì có thể nhận biết bằng các tiêu chí như: có bàn đạp, công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg; vận tốc lớn nhất không lớn hơn 25km/h. Các loại xe điện hai bánh không đáp ứng được một trong các tiêu chí nêu trên sẽ được xếp vào loại mô tô điện hoặc xe máy điện.

Xe máy điện được sản xuất ngày càng giống xe đạp điện.
Xe máy điện được sản xuất ngày càng giống xe đạp điện. 

Bên cạnh đó, thông tư 41 cũng quy định rõ dù xe nhập khẩu nguyên chiếc hay xe sản xuất, lắp ráp trong nước thì phải có dán tem hợp quy TCVN và được dán cho từng xe tại vị trí trên khung bên phải, nơi dễ thấy và khó bị phá hủy.

Như vậy quy định về xe đạp điện và xe máy điện đã rõ, thế nhưng việc những xe trôi nổi ngoài thị trường có từ nhiều nguồn gốc khác nhau đang được bày bán khá tự do mà không hề được quản lý chặt chẽ. Lý do ngoài việc “lách luật” của các cửa hàng và cơ sở sản xuất là hàng nhập từ trước khi thông tư 41 ra đời thì cơ quan Quản lý thị trường còn lỏng lẻo trong việc quản lý các cơ sở sản xuất cũng như các cửa hàng kinh doanh về kê khai, nguồn gốc, tem nhãn và các giấy tờ liên quan.

Quận Đống Đa, Hà Nội là nơi tập trung kinh doanh các mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện nhiều nhất Hà Nội. Thế nhưng, ông Nguyễn Huy Chín, Đội trưởng đội QLTT số 4 và bà Phạm Thanh Bình, đội phó lại cho rằng: Không có căn cứ để xác định xử phạt vì không có quy định nào từ phía cơ quan đăng kiểm. Nếu có quy định của cơ quan đăng kiểm quy định mỗi xe phải có tem hợp quy và các giấy tờ kèm theo thì sẽ phạt được các hộ kinh doanh. Thế nhưng nếu phạt thì phạt theo Nghị định, Thông tư nào? Điều mấy, khoản mấy?

Nhưng ông Nguyễn Công San, Chi cục phó, Chi cục QLTT Hà Nội cho PV biết, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp cũng như người dân, Chi cục đã thường xuyên có kế hoạch kiểm tra các cửa hàng và các cơ sở kinh doanh, xử phạt theo quy định của pháp luật. Tiến tới sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ hơn nữa các hộ kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn(?).

Còn theo báo cáo của một số Cục Hải quan phía Bắc thì việc bắt giữ các loại xe đạp điện, xe máy điện nhập lậu qua biên giới chỉ là những con số rất khiêm tốn.

Sẽ quản lý được?

Tại buổi họp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về quản lý xe máy điện. Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, trong số hơn 1.560 xe máy điện nhập khẩu theo đường chính ngạch trên cả nước, mới chỉ có 70 chiếc được đăng ký. Liệu trong thủ tục đăng ký có rườm rà? Đòi hỏi những loại giấy tờ mà đáng ra các cơ quan chức năng phải làm chặt chẽ ngay từ đầu nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân nên ít người dân có được còn lại hầu như không có nên dân ngại đăng ký?

Cũng theo Đại tá Dánh, để tạo điều kiện cho người dân, Bộ Công an đã đề xuất giải pháp là người dân chỉ cần viết cam kết và có xác nhận của Cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương sở hữu xe máy điện, sau đó đến nộp thuế trước bạ và đăng ký.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng cho rằng “Nếu cứ đẩy quả bóng sang bộ nọ, ngành kia còn lâu mới giải quyết được. Mục tiêu của chúng ta là đưa xe máy điện đi đăng ký, nhằm quản lý Nhà nước tốt hơn, an toàn hơn, giảm TNGT nhưng không được làm khó cho dân”.

Bộ trưởng Thăng khẳng định, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị Bộ Tài chính đồng ý chỉ cần người dân tự khai, tự chịu trách nhiệm. Bộ trưởng cũng đề xuất không thu thuế trước bạ đối với xe máy điện, đơn giản hóa thủ tục đăng ký, đồng thời chỉ phạt người sử dụng xe máy điện không chấp hành quy định sau thời điểm 1/7/2015.

Song bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân cũng như nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, quản lý xe máy điện đúng luật, hạn chế TNGT thì các cơ quan chức năng cần phải nghiêm túc thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…góp phần quản lý chặt chẽ xe đạp điện, xe máy điện đúng như Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ

Đọc thêm