Thảm cảnh Bảo hiểm xã hội không buồn kiện doanh nghiệp

(PLO) - Khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, đòi nợ trực tiếp nhiều lần không được, cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án để đòi nợ. Thế nhưng, những “kẽ hở” pháp luật khiến cơ quan bảo hiểm xã hội ngán ngẩm...
Bộ phận "Một cửa" Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội. Ảnh nguồn Internet
Bộ phận "Một cửa" Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội. Ảnh nguồn Internet
Tiền phạt chậm nộp bảo hiểm thấp hơn lãi vay ngân hàng
Đây là một trong những thực tế lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp nợ BHXH cũng như cố tình trốn tránh các nghĩa vụ tài chính bắt buộc khác phải thực hiện đối với người lao động. Theo quy định, chủ sử dụng lao động phải đóng 18% quỹ lương vào Quỹ BHXH. Đây là khoản tiền đáng kể, đặc biệt với những doanh nghiệp khó khăn về tài chính. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận phạt chậm nộp BHXH, bởi lẽ, mức phạt chậm nộp đang là 10,45%/năm,  thấp hơn nhiều so với lãi suất vay vốn ngân hàng.
Sai phạm này của các doanh nghiệp còn được “hỗ trợ” bởi nhiều yếu tố liên quan. Các ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp mở tài khoản, vì quyền lợi của mình nên không thực hiện trích tài khoản ngân hàng để đóng bảo hiểm cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan BHXH. Trong khi đó, vì mục tiêu thu hút đầu tư, chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức tới việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thậm chí, có không ít địa phương cũng đang nợ BHXH số tiền mà địa phương có nghĩa vụ hỗ trợ đóng bảo hiểm cho một số đối tượng nên địa phương  cũng không dám “mạnh tay” với các đơn vị nợ BHXH.
Thiếu chế tài, “tiếng nói” của bảo hiểm xã hội không có “trọng lượng”
Tuy nhiên, nguyên nhân gây lo ngại nhất lại là việc các doanh nghiệp ngày càng “xem thường” cơ quan BHXH do chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp nợ BHXH.
Về vấn đề này, ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TP.HCM – đã phải thốt lên: “Thực ra cơ chế này không bắt người ta nộp được nếu như người ta không tự giác”.
Ông Sang cho hay, theo quy định, hàng tháng cơ quan BHXH đều gửi thông báo về việc đóng bảo hiểm cho người lao động đến từng doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Sau 3 tháng, nếu doanh nghiệp không thực hiện, BHXH sẽ xuống kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu thực hiện. Sau 6 tháng, nếu doanh nghiệp vẫn chây ỳ, các cơ quan chức năng trên địa bàn, gồm ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH, đại diện công đoàn, thanh tra và nhiều cơ quan liên quan khác tiến hành thanh tra và nếu không đạt được kết quả, BHXH sẽ phải áp dụng giải pháp cuối cùng là khởi kiện doanh nghiệp vi phạm ra tòa.
“Mỗi ngày “sáng tác” vài chục đơn kiện, kiện tụng phát sinh rất nhiều thời gian, ra toà ít nhất 6 lần mới xử xong. Tuy nhiên, ngay cả giải pháp cuối cùng được coi là mạnh tay nhất cũng không tạo nên sức ép cần thiết đối với doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp coi thường biện pháp đó tới mức mặc dù là bị đơn nhưng họ còn không cử đại diện có thẩm quyền tham gia phiên xét xử. Chính vì lẽ đó, hàng năm, sau khi có phán quyết của toà án, cũng chỉ may ra đòi được 20-30% số tiền BHXH mà doanh nghiệp nợ” – ông Sang nói.
Nỗi thất vọng của BHXH TP.Hồ Chí Minh cũng giống như sự ái ngại của cơ quan BHXH ở nhiều tỉnh, thành khác, là việc khởi kiện doanh nghiệp không đem lại bao hiệu quả trong việc thu hồi nợ đọng để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Bởi, có nhiều bản án đã được xét xử, đã được tòa án tuyên bố là hòa giải thành, nhưng trong quá trình thi hành án thì gặp khó khăn do không thể xác nhận được tài sản của doanh nghiệp.

Đọc thêm