Ứng xử trước dịch vụ “lạ”: Thị trường hào hứng, cán bộ lạnh nhạt?

(PLO) - TP. Hồ Chí Minh đang loay hoay tìm cách ứng phó với dịch vụ xe taxi Uber được cho là “đe dọa nồi cơm của hàng vạn lái xe taxi truyền thống”…
Ảnh minh họa: Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phải gửi công văn tới Bộ Giao thông Vận tải xem xét tính pháp lý về trường hợp của Uber tại Việt Nam
Ảnh minh họa: Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phải gửi công văn tới Bộ Giao thông Vận tải xem xét tính pháp lý về trường hợp của Uber tại Việt Nam
Dịch vụ taxi mới gây tranh cãi
Dịch vụ Uber là hình thức gọi xe thông qua ứng dụng được cài đặt  trên điện thoại di động thông minh (smartphone). Khi người có nhu cầu đi xe, họ dùng ứng dụng Uber trên điện thoại để đăng ký hành trình. 
Hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với một chủ xe gần đó. Uber sẽ phản hồi cho khách biết trước cước phí cả đoạn đường đi cũng như đặc điểm, thông tin chiếc xe sắp đón khách, thậm chí có cả thông tin về tài xế. Sau khi đến nơi, người dùng trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Master Card, Visa…
Đây là mô hình kinh doanh xuất hiện ở Mỹ từ năm 2009, hiện đã có mặt trên 130 quốc gia và chính thức xuất hiện tại TP.HCM từ tháng 7/2014. Doanh thu của Uber là khoản tiền hoa hồng thông qua việc kết nối giữa chủ xe và người cần di chuyển. Cụ thể, trong mỗi lần giao dịch xe, chủ xe sẽ lấy 80% tiền di chuyển, 20% còn lại thuộc về Uber. 
Theo tính toán của hãng cung ứng dịch vụ này, người sử dụng Uber sẽ tiết kiệm được khoảng 10- 20% so với chi phí đi taxi thông thường vì mức cước cơ bản khi khách hàng bước lên xe chỉ khoảng 5.000 đồng. 
Nhưng cũng chính vì vậy, không ít cuộc tranh cãi đang nổ ra khi Uber bị “kết tội” khiến cho hệ thống taxi truyền thống điêu đứng. Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, các xe sử dụng Uber gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng bởi các xe tham gia dịch vụ này không chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật nhằm đảm bảo việc chở khách an toàn (như khám sức khỏe định kỳ, tập huấn nghiệp vụ, giám sát lái xe). 
Hiện chỉ có chủ thẻ Visa Card, Master Card có thể thanh toán chuyển khoản khi sử dụng dịch vụ Uber nên lượng hành khách chưa nhiều, nhưng nếu ứng dụng này cho phép thanh toán chuyển khoản đối với các loại thẻ ATM thông thường thì lượng khách sẽ tăng lên đáng kể, khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự vận tải trên địa bàn, đặc biệt đối với loại hình taxi… 
Do vậy, Nhà nước phải có biện pháp quản lý, ít nhất là buộc Uber đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.
Chối bỏ hay chấp nhận?
Về phía cơ quan quản lý, Công an cho rằng người dân phải được tuyên truyền để hiểu biết, nhận diện đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng loại hình dịch vụ này, như nguy cơ mất an toàn, rủi ro gặp cướp… 
Ngành Thuế thì cho rằng, Uber và các chủ xe này không đăng ký kinh doanh, không kê khai nộp thuế là bất hợp pháp. Cty Uber nằm ở nước ngoài, việc thanh toán cũng thông qua tài khoản nước ngoài, ngay cả khi xác định được địa chỉ cụ thể vẫn chưa chắc truy thu, nộp thuế được do không xác định được doanh thu…
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ giao các Bộ Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải nghiên cứu để có các chỉ đạo kịp thời. 
Có thể thấy, các ban ngành TP. HCM trong tình huống ứng phó với dịch vụ “lạ” này là nghiêng về tìm cách chối bỏ. Tuy nhiên, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM cho rằng, Uber là ứng dụng mới của khoa học công nghệ phục vụ lợi ích cho hành khách, người tiêu dùng nên chúng ta nên chấp nhận nó, không việc gì phải tẩy chay. Còn việc Uber chưa có đăng ký kinh doanh theo các quy định của pháp luật hiện hành về dịch vụ vận tải hành khách thì cần kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết việc này. 
Câu chuyện về Uber khiến người ta nghĩ đến các dịch vụ tin nhắn, thoại trên nền Internet ứng dụng cho điện thoại thông minh như Viber, Line, Zalo… bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam đôi ba năm trước. Khi đó, các nhà mạng kêu ầm lên về việc đầu tư hạ tầng, xây dựng thị trường giờ bị OTT “hớt tay trên” doanh thu. 
Bất chấp những tranh cãi, kêu cứu của nhà mạng, các dịch vụ OTT vẫn “sống” và phát triển như một tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Dự kiến, đến cuối năm 2014 Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu người dùng dịch vụ OTT.   
Còn nhớ, khi email ra đời, nó từng bị công kích bởi làm ảnh hưởng đến bưu chính truyền thống. Thế nhưng, đến nay email đã là phương tiện liên lạc quan trọng, và ngành bưu chính đứng trước vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” trong bối cảnh “thế giới phẳng” cũng đã tự tìm ra những lối thoát phù hợp….

Đọc thêm