Từ đôi tay cầm phấn, uốn nắn cho nhiều con em đồng bào Mông, đôi tay sưởi ấm những học sinh nghèo trong giá rét giờ đã bị Pạ Sáu “nhuộm đen” bởi lòng tham.
Đường sa ngã của thầy giáo cắm bản
Thò Pạ Sáu (43 tuổi) sinh ra trong một gia đình đông anh em ở xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An). Nhiều năm trước, đây được xem là “rốn ma túy” khi hoạt động mua bán “hàng trắng” và số người nghiện bùng phát. Người anh trai của Sáu cũng nằm trong số đó. Không vượt qua được ma lực của đồng tiền từ việc mua bán ma túy, anh trai Sáu đã phải chịu mức án cao nhất.
Tự nhận đó là bài học đắt giá cho gia đình, bản thân, cũng như mong muốn thoát nghèo Thò Pạ Sáu quyết tâm theo đuổi con chữ. Dù bị ngăn cách về đường sá, núi rừng hiểm trở nhưng Sáu vẫn không bỏ cuộc. Năm 1999, nỗ lực học xong lớp sơ cấp sư phạm, Pạ Sáu được điều về dạy học ngay tại quê hương mình là bản Mường Lống, Trường tiểu học Tri Lễ 4.
Trường hợp của Sáu lúc đó được xem là điển hình vì rất ít con em đồng bào Mông theo được con chữ để làm thầy giáo. Do vậy, Sáu trở thành tấm gương sáng cho nhiều gia đình nơi đây. Riêng với bản thân Sáu, vì là người địa phương, cùng ăn, cùng sống với bà con nên việc thuyết phục trẻ em đến trường dễ dàng hơn.Với sự nhiệt huyết của thầy giáo trẻ, Sáu được con em đồng bào tin yêu.
Dạy học thời gian ngắn, Sáu lập gia đình với một người phụ nữ. Hai người vừa có với nhau một mặt con thì Sáu được cử đi học tại Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Toàn tâm với đèn sách để nâng cao chuyên môn, nhưng một biến cố đã xảy ra với Sáu.
Trong quãng thời gian chồng xuống phố học tập, ở quê nhà người vợ đã đi lấy thanh niên khác. Bị vợ phụ tình, đã có thời điểm Sáu chán nản. Nhưng rồi, việc học phần nào giúp thầy giáo này quên đi quá khứ buồn.
Sau khi trở về địa phương, Sáu được chuyển ra dạy ở Trường tiểu học Tri Lễ 2. Điểm lẻ bản Pà Khốm được xem là nơi quanh năm sương mù bao phủ, giá rét. Học sinh ở đây chủ yếu ra đời trong gia đình khó khăn nên thường đến trường với chiếc áo mỏng, bụng đói.
Thương học trò, bằng mối quan hệ của mình, Sáu đã liên hệ bạn bè, người quen xin đồ ấm cho học sinh. Hình ảnh thầy giáo với dáng người gầy, ân cần mặc áo ấm cho các em học sinh bên đống lửa trước sân trường đã làm lay động nhiều người.
Chính hình ảnh này đã được nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm biết đến và hỗ trợ cho các em học sinh tại điểm lẻ Pà Khốm có áo ấm, sách vở, giày dép đến trường. Với việc làm của mình, Pạ Sáu là tấm gương sáng của bà con đồng bào nơi đây.
Nhưng, vào một ngày cuối tháng 4/2018, đồng nghiệp, học sinh, bà con dân bản sửng sốt nghe tin Sáu bị bắt vì mua bán chất ma túy. Theo cáo trạng, khoảng 14 giờ ngày 22/4, Thò Pạ Sáu nhận được điện thoại của Tủa (người Lào, không xác định được danh tính cụ thể).
Tủa đặt vấn đề rủ Sáu tới xã Châu Thôn (huyện Quế Phong, Nghệ An) giao dịch ma túy với khách vì không biết tiếng việt. Trước lời đề nghị sẽ được nhận 400 USD, Thò Pạ Sáu gật đầu đồng ý rồi cùng người đàn ông Lào di chuyển đến nơi giao hàng.
Đến 18h cùng ngày, sau khi nhận được lệnh của Tủa,Thò Pạ Sáu xách bao tải ma túy lại gần chiếc xe khách mua hàng thì bị công an ập vào bắt tại chỗ. Tên Tủa nhanh chóng lao vào rừng tẩu thoát.Tại hiện trường, công an bắt giữ Thò Pạ Sáu cùng tang vật là 15 bánh heroin (trọng lượng 5.100 g), 2 kg ma túy đá, 8.000 viên hồng phiến.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Thò Pạ Sáu cho rằng mình không phạm tội “Mua bán ma túy” mà chỉ phiên dịch cho Tủa để lấy tiền công, hoàn toàn không tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào của phi vụ mua bán của Tủa với khách. Sáu cũng cho rằng kết luận điều tra của cơ quan công an là chưa chính xác, khi bị bắt, bị cáo đang đứng cạnh bao tải chứa ma túy chứ không phải mang ma túy lại cho khách.
Tuy nhiên, bị cáo cũng thừa nhận khi Tủa gọi điện bảo đi cùng Sáu hiểu là đi phiên dịch cho người đàn ông này trao đổi, mua bán ma túy. Mặc khác, khi gặp Tủa ở điểm hẹn, Sáu biết chiếc bao tải Tủa mang theo là ma túy, khi nhấc thử thì áng chừng khoảng 7kg.
Mặc dù, Sáu không nhận tội mua bán chất ma túy nhưng với những chứng cứ rõ ràng HĐXX nhận định số lượng ma túy mà Thò Pạ Sáu tham gia mua bán là rất lớn, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng… và tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.
Gạt nước mắt, tự nguyện nhận án tử
Không đồng tình với mức án sơ thẩm, Thò Pạ Sáu đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm tại Nghệ An. Vừa được dẫn giải ra tòa, Sáu liền bật khóc khi nhìn thấy vợ con, người thân. Bị cáo trình bày kháng cáo để tìm cơ hội được sống, sớm trở về cùng vợ và hai con thơ.
Giống như lời khai ở phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa này, bị cáo Sáu cho rằng chỉ là phiên dịch cho nghi phạm người Lào để nhận tiền công 400 USD, số ma túy trong vụ án là của Tủa. Vì vậy, Sáu mong được tòa xem xét, giảm nhẹ.
“Bị cáo cho rằng anh Tủa điện thoại cho bị cáo để thuê đi phiên dịch nhưng kiểm tra trong điện thoại không thể hiện số gọi đến. Bị cáo có chứng cứ nào chứng minh đó là ma túy của Tủa hay không?”, chủ tọa hỏi song Sáu trả lời “không có”.
Tại tòa, Sáu trình bày vì hoàn cảnh khó khăn nên một phút đã không làm chủ được hành vi. Trước câu hỏi, lương giáo viên tại miền núi của bị cáo một tháng được bao nhiêu, Sáu trả lời 10 triệu đồng. Chủ tọa nói, lương 10 triệu đồng sống ở thành phố cũng khỏe rồi mà bị cáo ở vùng sâu, vùng xa thì không thể nói là khó khăn được. Lương các thẩm phán ngồi đây chắc chỉ hơn vậy một tí thôi. Bị cáo lương vậy là cao, sống khỏe ở vùng quê mà còn phạm tội.
HĐXX cũng giải thích bị cáo Sáu buôn bán số lượng ma túy quá lớn và không đưa ra được tình tiết mới để giảm hình phạt. Nếu bị cáo giữ nguyên kháng cáo thì vẫn phải giữ nguyên hình phạt là tử hình. Đồng thời, khuyên bị cáo Sáu rút kháng cáo để không phải nộp án phí và thành khẩn, thể hiện ăn năn hối cải của mình để làm đơn lên Chủ tịch nước xem xét ân xá.
Sau những phân tích của tòa, Sáu xin hội ý với người người thân và luật sư bào chữa. 5 phút sau, Thọ Pạ Sáu xin rút đơn kháng cáo. Phiên phúc thẩm dừng lại.
Trong giây phút trùng phùng ngắn ngủi với người thân tại tòa, Sáu đã bật khóc. Người vợ chưa đăng ký kết hôn với Sáu ôm theo đứa con nhỏ xuống phiên tòa. Đứa trẻ ấy được sinh ra sau khi Sáu bị bắt hơn 1 tháng. Từ ngày bị bắt đến khi Sáu được đưa ra xét xử sơ thẩm, hai cha con chưa từng một lần gặp nhau.
Do vậy, đây là lần thứ hai người cha tội lỗi ấy gặp đứa con nhỏ. Những giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt bị cáo. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, Sáu xin lỗi vợ con, người thân, đồng thời dặn dò một số điều bằng tiếng Mông.
Một đồng nghiệp của Thò Pạ Sáu từng tâm sự, không bao giờ nghĩ Sáu sẽ nhúng tay vào buôn bán ma túy. Sáu hiền lành, ít nói, thương các em học sinh hết mực và cũng hòa nhã với đồng nghiệp.Vậy nên, khi nghe tin Sáu bị bắt với khối lượng ma túy lớn, rất nhiều đồng nghiệp xót xa, cay đắng.
Từ đôi tay cầm phấn, đôi tay uốn nắn từng nét chữ cho các em đồng bào Mông, đôi tay sưởi ấm những học sinh nghèo trong giá rét giờ đã bị Pạ Sáu “nhuộm đen” bởi lòng tham đồng tiền. Nếu Pạ Sáu biết sợ hãi trước biến cố trước đó của gia đình thì có lẽ giờ đây trên đỉnh Pà Khốm, Thò Pạ Sáu vẫn là một ngôi sao sáng cho bà con người Mông nhìn vào. Nhưng, đó chỉ còn là hai từ “giá như”.