Giáo viên mượn đất dựng nhà rồi không trả?

(PLO) - Dân cư “Đất phương Nam” vốn hào sảng, phóng khoáng, đa số có quan niệm “của đời người tạm”. Họ sẵn sàng cưu mang người khác chỉ vì cá tính của vùng miền, mà là vùng miền hoang dã... Thế nhưng, chính cái hào sảng ấy đôi khi họ chuốc vạ vào thân...
Ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Chủ tịch thị trấn Đầm Dơi
Ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Chủ tịch thị trấn Đầm Dơi

Nghĩa tình với những người gieo chữ...

Câu chuyện bắt đầu từ ông Nguyễn Văn Dũng (Bảy Dũng), nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) khoe vừa được huyện cất cho căn nhà tình thương! Ông nhấn mạnh: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Rồi ông tâm sự: “Chuyện mấy thầy cô giáo mượn đất không trả mà chiếm luôn thì cả huyện Đầm Dơi này ai cũng biết, chỉ chính quyền hiện tại không biết?!”.

Ông Bảy Dũng kể: “Năm 1989, trường cấp 1-2 Đầm Dơi nhận hơn 15 giáo viên từ nơi khác đến dạy học. Để giải quyết nơi ở cho giáo viên, tôi cùng đồng chí Lê Văn Điển (Út Văn), Phó Chủ tịch thị trấn đến gặp ông Nguyễn Chiến Đấu (Tư Đấu) là Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh của trường. Tư Đấu là anh em bạn với Út Văn, nhà Tư Đấu có một diện tích đất đối diện trường học do ông bà để lại nhưng không sử dụng hết nên tôi và Út Văn đại diện chính quyền ngỏ lời với ông Chủ tịch Hội phụ huynh, mục đích là lo nơi ăn chốn ở cho giáo viên, vì họ dạy con em mình làm người. Tư Đấu hội ý với gia tộc và được đồng ý. Tất cả giáo viên được chủ đất cho cất nhà trên đất để ở...”.

Ông Út Văn tiếp câu chuyện: “Đất gia đình Tư Đấu cặp lộ, đối diện trường học, thầy cô giáo bước qua lộ là lên lớp, rất tiện. Lúc đó, chính Tư Đấu đứng ra vận động phụ huynh học sinh người góp vài trăm lá dừa nước để lợp nhà, làm vách, dăm bảy chục cột tràm để dựng nhà cho thầy cô giáo “tha hương lập nghiệp”. Chính tình nghĩa ấy đã níu kéo thầy cô giáo dừng chân gieo con chữ cho con cháu chúng tôi vùng phèn chua nước mặn nơi tận cùng Tổ quốc này...”.

Năm 1995, chính quyền sở tại quy hoạch một khu dân cư và ưu tiên cấp cho mỗi giáo viên một lô đất. Trên đất gia tộc ông Tư Đấu có tổng cộng 15 giáo viên cất nhà ở tạm, khi được chính quyền cấp đất, 11 giáo viên đã trả đất cho chủ đất với lời cảm ơn đầy nhân nghĩa. Thầy S, thầy Đ, thầy D, cô H (vì tế nhị nên giấu tên) nói: “Chúng tôi tha hương lập nghiệp, thời điểm ấy, vào nơi đồng phèn nước mặn này được bà con cô bác dân bản xứ thương mến cưu mang, lo cho nơi ở để yên tâm công tác là điều nhân nghĩa mà chúng tôi mang ơn suốt đời...”.

Để rồi rước rắc rối vào thân

Nhiều thầy cô giáo trân trọng nghĩa tình như vậy nhưng vẫn có “những con sâu làm rầu nồi canh” như lời ông Tư Đấu tự nhủ. Đó là chuyện còn 4 thầy cô giáo không chịu trả lại đất cho chủ đất mà còn tranh chấp, tạo ra tình trạng khiếu kiện kéo dài tại huyện Đầm Dơi giữa 4 thầy cô giáo và bà Nguyễn Kim Hường (chị ruột ông Tư Đấu - người được gia tộc giao đứng tên sổ đỏ).

Theo công văn của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đầm Dơi (CNVPĐKĐĐĐD) gửi Thanh tra huyện Đầm Dơi có nội dung: “Ngày 26/11/2007 Thanh tra huyện Đầm Dơi cử nhân viên Lê Thị Út liên hệ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nay là CNVPĐKĐĐĐD để mượn bản gốc hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Kim Hường thường trú tại khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi. Quá trình mượn và sử dụng hồ sơ đã lâu, chi nhánh đã nhiều lần cử nhân viên liên hệ Thanh tra huyện đề nghị trả lại hồ sơ, nhưng đến nay Thanh tra huyện vẫn chưa trả lại hồ sơ... Nay Chi nhánh văn phòng đề nghị Thanh tra huyện trả lại bản gốc hồ sơ đất đai của bà Nguyễn Kim Hường để cập nhật dữ liệu đất đai”.

Việc này khiến bà Hường nghi vấn phải chăng dữ liệu gốc này đã mất nên việc tranh chấp này kéo dài gần 20 năm chưa có hồi kết. Việc không trả bản gốc hồ sơ của Thanh tra huyện Đầm Dơi cho cơ quan chuyên môn phải chăng có khuất tất, nảy sinh mâu thuẫn khiếu kiện?

Theo tìm hiểu của PV, bản đồ trích xuất 299/1980, còn gọi là bản đồ 299 vì bản đồ này được lập theo chỉ thị 299 ngày 1/7/1980 của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ký ban hành công tác đo đạc phân hạng, đăng ký ruộng đất trên toàn quốc. Trong bản đồ này thể hiện khu đất của gia tộc ông Tư Đấu là một thửa đất liền thửa, là khu dân cư. Trên đó không thể hiện các lô đất cùng nhà ở của 15 giáo viên nêu trên. Điều này phù hợp với thực tế vì năm 1989 các thầy cô giáo này mới đến Đầm Dơi dạy học...

Hơn nữa, trong bản đề nghị số 12/HG-UB ngày 10/9/2004 của UBND thị trấn Đầm Dơi do ông Nguyễn Chí Thuần thay mặt UBND thị trấn ký (ông Thuần nay đương chức Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi) gửi Tòa án Huyện Đầm Dơi nêu rõ: “...Căn cứ yêu cầu bà Nguyễn Kim Hường đòi lại đất các thầy cô giáo cấp 1 và cấp 2 như: Nguyễn Trung Sự, Tống Thị Nguyệt, Đàm Văn Quyết, Nguyễn Văn Hùng. Nội dung đất này như sau: Vào năm 1989 trường cấp 1, cấp 2 dời về đây không có chỗ ở nên đặt vấn đề với UBND thị trấn, lúc bấy giờ đồng chí Nguyễn Văn Dũng (Bảy Dũng) Chủ tịch UBND thị trấn đến hỏi mượn cho thầy cô giáo ở tạm mỗi hộ khoản tương đương từ 36-42m2. Trong này có thầy Hưng, thầy Sơn, thầy Đất, thầy Dũng, thầy Tâm, thầy Lũy, thầy Ký... sau đó gia đình đòi lại phần đất đã mượn một số thầy cô giáo đã trả lại hoặc thỏa thuận chuyển nhượng còn lại 4 hộ thầy cô giáo nêu trên”.

Cũng trong bản đề nghị này, UBND thị trấn Đầm Dơi nêu lên vi phạm của ông Nguyễn Trung Sự và bà Tống Thị Nguyệt: Ông Sự lấn thêm 62,9m2 đất của chủ đất, bà Nguyệt lấn 50,4m2. Ông Sự chặt cây dừa trên 20 năm tuổi của chủ đất và cho rằng cây dừa mọc... hoang?! Tất cả hành vi lấn đất và hủy hoại tài sản người khác này của ông Sự và bà Nguyệt bị chính quyền xử phạt hành chính, nhưng cả hai không thực hiện mà còn “thóa mạ cán bộ làm việc”?! Bà Hường đặt nghi vấn có hay không thế lực nào đứng đằng sau 4 thầy cô giáo này để gây nên tranh chấp khiếu kiện kéo dài?!

Báo PLVN sẽ thông tin tiếp vụ việc. 

Đọc thêm