Giật mình bệnh không nan y mà giết nhiều người

(PLO) - Tăng huyết áp (THA) được coi là kẻ giết người thầm lặng khi đại đa số các trường hợp bệnh nhân tử vong đều không có triệu chứng lâm sàng. 
Ở Việt Nam, hiện tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp đã đến mức báo động đỏ.
Ở Việt Nam, hiện tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp đã đến mức báo động đỏ.

Ở Việt Nam, hiện tỷ lệ người lớn bị THA đã đến mức báo động đỏ với con số gần 50%, tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với các bệnh HIV, sốt rét, lao phổi và tai nạn giao thông.

Kẻ giết người thầm lặng

Anh Nguyễn Văn Tú (ở Đan Phượng, Hà Nội) đến nay vẫn chưa thể tin vào việc bố mình đã bị liệt nửa người, nằm bất động một chỗ chỉ vì THA. 

Anh Tú kể lại: “Sáng hôm đó nhà có giỗ, bố tôi châm nén nhang rồi cắm vào bát hương trên bàn thờ. Lúc ấy trông bố tôi có vẻ khác với mọi ngày vì sắc mặt nhợt nhạt, tay run run, người yếu đi thấy rõ. Gia đình lo lắng bèn đưa vào bệnh viện khám mới hay tin bố bị THA dẫn đến tai biến mạch máu não. Cũng may bố tôi được phát hiện và đưa vào bệnh viện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nửa người bên trái của bố tôi đã bị liệt, miệng méo, thần kinh lúc tỉnh táo, lúc không”.

Đó chỉ là một trong vô vàn trường hợp bệnh nhân bị THA dẫn đến những di chứng nặng nề và nặng nhất là tử vong. Đại đa số, những trường hợp này đều không có triệu chứng điển hình trước đó, đều không biết rằng tính mạng mình đang bị tử thần rình rập và có thể lấy đi bất cứ lúc nào. 

Theo chia sẻ của GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam: “Rất ít trường hợp bệnh nhân THA có triệu chứng lâm sàng như chóng mặt, đau đầu, ù tai, mờ mắt… còn lại đại đa số đều không có biểu hiện gì cho đến khi phát bệnh. Thế nhưng, với những bệnh nhân có triệu chứng lâm sang trên thì họ lại không nhận ra rằng mình bị THA, mà chủ quan lầm tưởng rằng mình chỉ bị mệt mỏi mà thôi, đến khi nhập viện thì tình trạng đã nặng và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng”.

Cũng theo GS Lợi, THA chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Nếu như năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới có 972 triệu người bị THA thì vào năm 2025, con số này sẽ lên đến 1.56 tỷ người. Cứ trung bình 10 người lớn thì có 4  người bị THA.

Ngay tại Việt Nam, năm 2000 có 16.3%  người lớn bị THA thì năm 2016, tỷ lệ người bị THA đã lên tới mức báo động là 48%. Ngày nào trong Viện Tim mạch cũng có từ 10 – 15 người bị thiếu máu cơ tim. 

Một báo cáo mới đây ở Đà Nẵng cũng cho biết, cứ 100 người ở Đà Nẵng chết thì có khoảng 33 người chết vì tim mạch. Đem con số này đi so sánh thì thấy số người chết vì THA cao gấp 10 lần so với chết vì tai nạn giao thông, cao gấp 4 lần so với chết vì HIV AIDS, sốt rét, lao phổi.

Vì sao tuổi ngày càng trẻ hóa?

Điều đáng lo ngại nhất là số người THA đang ngày càng trẻ hóa. Những người trẻ làm công việc văn phòng có nhiều nguy cơ bị THA do áp lực công việc khiến đầu óc thường xuyên bị căng thẳng. Hoặc do môi trường làm việc “tĩnh tại” nhiều, ít có thời gian hoạt động thể lực; do vấn đề ăn uống không được đảm bảo khi thường xuyên phải ăn “cơm bụi” với đồ ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần thức ăn nhiều muối, bột ngọt, nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.

“Ăn đồ ăn nhiều muối, nước mắm có nhiều nguy cơ dẫn đến THA thì ai cũng biết, nhưng ít người biết việc ăn nhiều bột ngọt (mì chính) cũng làm gia tăng nguy cơ này. Vì trong mì chính cũng chứa nhiều NaCl gây ảnh hưởng tới việc tích giữ nước trong cơ thể. Nhiều người ăn nhạt, kiêng mắm muối nhưng lại ăn rất nhiều mì chính để cho dễ ăn. Thực chất, trong mì chính cũng có lượng natri gần bằng tương đương trong muối” - GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết.

Hiện nay, THA vẫn chưa kiểm soát được và đang là gánh nặng lớn gia tăng trên toàn quốc ở người trưởng thành. Vì khi bị THA, người bệnh sẽ bị kéo theo nhiều bệnh lý khác như suy thận, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, giảm thị lực… nên phải điều trị phối hợp.

Biết số đo huyết áp của mình như biết tuổi GS. Nguyễn Lân Việt đưa ra khuyến cáo người dân: “Người bị THA cần phải được điều trị lâu dài, không được dừng lại đột ngột. Sau khi điều trị, người bệnh đạt được huyết áp mục tiêu 140/90mmHg vẫn không nên dừng lại mà cần phải điều trị khống chế để huyết áp không tăng trở lại. Người dân nên biết số đo huyết áp của mình như biết tuổi của mình để điều trị kịp thời”.

Đọc thêm